leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nhi đang sửa soạn rửa chén thì điện thoại hiện tin nhắn của chồng: “Vợ cố gắng nhé, còn 5 ngày nữa thôi”. Cô chỉ biết thả biểu tượng mặt cười rồi xắn tay làm việc. 

Ngày cuối tuần, mẹ chồng lên chơi, lại thêm mấy đứa cháu họ ghé qua thăm bà và ở lại dùng cơm nên Nhi bày biện khá nhiều món. Thường ngày mà chén đĩa, xoong chảo nhiều là chồng Nhi rửa, nhưng hôm nay thì không, vì mẹ chồng cô đang ở đây.

Nhà có 2 cậu con trai nhưng mẹ chồng Nhi không cho con động tay, động chân vào việc gì. Việc duy nhất của 2 đứa con trai là học. Anh lớn giờ đã là giáo sư, còn chồng Nhi nhận học vị thạc sĩ thì dừng lại để… cưới vợ, rồi không muốn học tiếp nữa. Mẹ chồng Nhi hay dằn dỗi: “Cái thằng, lấy vợ rồi chẳng còn biết tiến thân”.

“Thím sướng hơn tôi vì không phải sống cùng với bà” - chị dâu cột chèo từng nói như vậy với Nhi. Trước khi ông bà chuyển về quê sống, chị đã có hơn 10 năm chung nhà với cha mẹ chồng. Công bằng mà nói, mẹ chồng Nhi ngoài tư tưởng “đội con lên đầu” thì bà không có điểm trừ. Bà tự lập từ nhỏ, chịu thương, chịu khó khó ai bì. Nhưng cũng vì thế nên con dâu của bà khá áp lực.

Cưới nhau hôm trước, hôm sau Nhi đã phải tự tay chuẩn bị cả trăm cái nem rán vì nhà có khách. Thấy vợ xoay xở trong gian bếp nóng nực, chồng Nhi vào giúp. Nhưng vừa mon men đi vào thì mẹ chồng Nhi đã “đuổi”: “Chỗ của con không phải ở đây, ăn mặc chỉnh tề ra bàn tiếp khách”.

Thi thoảng, mẹ chồng Nhi cũng lên phố thăm con cháu, nhưng bà thường ở bên nhà anh cả là chính. Lần này, bà lên nhà Nhi ở hẳn 10 ngày, đúng lúc việc ở công ty của Nhi đang vào giai đoạn cao điểm. Vợ chồng Nhi thống nhất dọn dẹp nhà cửa thì để cuối tuần, hôm nào về muộn thì gọi đồ ăn sẵn. Dự định vậy nhưng có ti tỉ thứ việc không tên, xong việc lên giường cũng đã 12g đêm.

Chồng Nhi thương vợ, đôi lúc không có mặt mẹ cũng tranh thủ đỡ đần, nhưng vừa làm vừa phải canh chừng. Thằng bé con tinh ý nhận ra nên trêu ba: “Ba như tội phạm còn bà nội cứ như cảnh sát”.

Đầu tuần, Nhi nhiều việc, đi làm về lại bị kẹt xe. Định đặt đồ ăn, nhưng biết tính mẹ chồng sợ con cái tốn kém và bà cũng không thích ăn đồ mua sẵn nên Nhi lại lục đục vào bếp. Nấu xong, Nhi dọn cơm để mẹ chồng không phải chờ lâu. Bà mẹ trầm tính hơn hẳn mọi ngày, ăn ít hơn; Nhi có tiếp thức ăn thì bà lại gắp sang chén của cháu. Nhi nghĩ, chắc bà giận vì cô về muộn, không gọi điện báo.

Mãi đến trước ngày về, mẹ chồng Nhi mới bộc bạch: “Sáng đó, mẹ ra sân đi bộ thì gặp bác hàng xóm. Bác ấy khen vợ chồng con, nhất là Tùng, đi làm về là xắn tay đỡ đần công việc cho vợ, không như con bác ấy, rảnh ra là bia bọt, bù khú bạn bè hoặc là lướt điện thoại để cho vợ đầu tắt mặt tối rồi cãi nhau như cơm bữa. Bác ấy khen mẹ chắc biết uốn dạy con từ nhỏ và sống tốt nên có nhiều phúc đức. Nghe vậy, mẹ thấy xấu hổ. Từ trước giờ, mẹ thường muốn người khác làm theo ý mình. Các con đã là cha là mẹ mà làm gì cũng phải ngó trước ngó sau sợ mẹ phật ý. Mẹ có điều chưa phải, các con bỏ qua cho mẹ” - giọng bà nghẹn lại.

Rút khăn giấy đưa cho mẹ chồng lau nước mắt, nghĩ lại lúc 2 vợ chồng mong đến ngày bà về quê, Nhi thấy có lỗi với mẹ. 

Theo phụ nữ TPHCM