“Còn vài tuần nữa là tết… Anh đặt vé xe hay tàu hỏa để mình về quê đón tết vậy?”, chị Hương háo hức thăm dò chồng. Anh Đức ậm ừ: “Thì đến cận tết tiện xe nào mình đi xe đó”. Rồi anh nhanh chóng ra ngõ uống trà tán gẫu với mấy ông chồng công nhân cùng chung cảnh thuê trọ để lảng tránh ánh mắt hờn trách của vợ. 

Quê gốc của vợ chồng anh Đức ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Họ lặn lội vào Bình Dương làm công nhân cho các khu công nghiệp. Suốt 10 năm ròng, anh chị chỉ một vài lần về quê đón tết. Giữa tháng Sáu, chị Hương hay tin cha ngày một yếu, mẹ chị ra điều kiện năm nay phải thu xếp về sum họp. Anh Đức cũng hứa sẽ gom góp tiền thưởng cuối năm để về thăm gia đình, vui tết đoàn viên. Ấy vậy mà, công việc cuối năm càng ít ỏi, lương thưởng cũng bị cắt xén nên chắc chắn không đủ để về Quảng Trị.

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

 

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

Anh Nguyễn Đông đã đi xuất khẩu lao động hơn 10 năm. Vốn cần mẫn ham học hỏi, anh được gia hạn hợp đồng liên tục. Quần quật suốt ngày đêm, anh vun vén để gửi tiền về hỗ trợ vợ nuôi 3 đứa con thơ, chăm sóc cha mẹ già yếu, không dám nghĩ đến chuyện về thăm quê nhà vì quá nhiều chi phí. Biết cha mẹ, vợ con mong ngóng nhiều năm, nhưng anh đành lỗi hẹn.

Sau đại dịch COVID-19, anh muốn dành dụm tài chính để bù lại quãng thời gian giãn cách xã hội, không làm được gì. Sau lễ Noel là đến tết Nguyên đán của người châu Á. Anh lẳng lặng xin phép tăng ca vào những ngày tết Việt Nam để khỏa lấp nỗi buồn.

Không riêng vợ chồng anh Đức hay anh Đông, rất nhiều người Việt Nam không thể về thăm quê nhà vào dịp tết. Lý do thì nhiều song cơ bản nhất vẫn là tài chính không đủ cho một chuyến đi cũng như các nghi thức quà cáp lễ nghi. 

Anh Đức nhẩm tính: Kể cả tiền vé tàu xe cho 4 người cùng tiền nong sắm sửa quà cáp, con số chắc không dưới 40 triệu đồng. Số tiền đó quá lớn mà anh có thể chi cũng như còn phải tính toán cho sinh hoạt phí sau tết - khi nguồn công việc giảm theo thời vụ. 

Nỗi buồn của cái tết tha hương từng được phản ánh trong thơ ca, nhạc, họa… Cứ ngỡ trong thời kỳ chiến tranh hoặc việc chia cắt 2 miền Nam Bắc tạo nên muôn vời cách trở, con người mới bất lực và phải chấp nhận thế. Hóa ra trong thời điểm hiện tại, khi tiện nghi đa dạng và cuộc sống thanh bình, sao việc về quê cũng khó khăn đến thế? 

Có những người ăn tết tha hương không hẳn vì lý do tài chính. Chuỗi công việc dang dở hay lời hẹn hò du lịch chung; hoặc nữa là ngại tình cảnh đơn chiếc sẽ bị kỳ thị… khiến cho một bộ phận không sắp xếp về quê thăm cha mẹ, họ hàng vào đúng dịp tết. Trong giây phút giao thừa, dù tâm hồn mỗi người có mạnh mẽ, cứng cỏi và vô tư đến đâu, cũng không khỏi bâng khuâng trống trải về việc thiếu vắng tình cảm gia đình, tình họ hàng, tình người nơi quê hương xứ sở. 

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Chị Hương trấn an mình: Dẫu sao vẫn còn chồng, còn vợ, còn con cái… Biết bao người vừa đón tết tha hương vừa lẻ loi đơn độc. Người Việt vốn có tinh thần lạc quan: trong cái rủi lúc nào cũng tìm được cái may để tự nâng đỡ bản thân trước mọi khó khăn, thử thách.

Tan ca, anh Đức chạy như bay về báo tin vui cho vợ: “Công ty có chủ trương tài trợ mỗi gia đình công nhân 1 suất vé tàu xe về quê đón tết. Em cứ sắp xếp về thăm cha mẹ, anh và các con sẽ ở lại Bình Dương đón tết”. 

Chị Hương vừa vui vừa buồn. Lòng chị như chia đôi vậy: nửa mong muốn về cha ốm mẹ già, nửa thương chồng con lẻ loi, thiếu bàn tay người phụ nữ vun vén vào ngày lễ tết…

Chị cầu mong sao kinh tế tốt lên, quỹ phúc lợi sẽ đủ để mỗi người chủ động cho những nhu cầu sinh hoạt và giao thông; đặc biệt mỗi dịp tết đến xuân về không còn ai phải chịu cảnh tha hương, cô quạnh… 

Theo phụ nữ TPHCM