Chị Hạnh Dung kính mến,
Tụi em cùng nhóm 4 cô bạn gái, rất thân nhau, tình bạn đã được 4 năm. Tụi em cùng ly hôn và một mình nuôi con nhỏ nên dễ thông cảm, hiểu và chia sẻ với nhau. Mỗi đứa một ngành nghề, công việc, cuộc sống, nên tụi em cũng không có mâu thuẫn, cạnh tranh nhau như thường thấy trong các nhóm bạn gái.
Nhóm bạn thường đi ăn, uống cà phê, thỉnh thoảng vài ba tháng lại tụm nhau du lịch Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang… Tụi em đã nghĩ là chắc sẽ thân nhau đến già… Đùng một cái, 1 bạn bị phát hiện đang hẹn hò với chồng cũ của 1 bạn khác.
Hóa ra tình cờ, trong đám cưới con gái của B., A. gặp chồng cũ của B. Họ làm quen nhau rồi bí mật mời nhau đi uống cà phê. Mà hình như còn là A. chủ động mời, chủ động làm quen chứ không phải chồng cũ của B. chủ động.
Khi biết chuyện này, cả nhóm tụi em sốc lắm. B. làm ầm lên, nói bị A. đâm sau lưng, bị phản bội. A. nói bạn không làm gì sai cả, rằng bạn và chồng cũ của B. đều đã ly hôn, tự do, muốn thích nhau là quyền của bạn.
Bạn còn lại trong nhóm cũng phản ứng mạnh với A., nói làm thế là không đúng, là không coi tình bạn ra gì. Thậm chí bạn còn kết luận tính A. vốn lẳng lơ, thấy đàn ông nào cũng “thử sức hút” của mình, không biết chừa ra cả nơi là tình nghĩa bạn bè.
Em đứng giữa, thấy bên nào cũng có cái đúng. Nhìn nhóm bạn tan rã mà thấy buồn, cũng không biết nên khuyên các bạn thế nào. Chấp nhận bỏ qua để giữ tình bạn hay thôi, đường ai nấy đi. Nhưng dù có phải đường ai nấy đi thì em cũng rơi vào thế phải “chọn phe”.
Xin chị cho em lời khuyên.
Thanh Hà (quận 6, TPHCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Thanh Hà thân mến,
Trước tiên, em cần suy nghĩ thấu đáo cả về lý lẫn tình.
Cô bạn A. độc thân, chồng cũ của B. cũng đang độc thân. Họ là những người tự do, tình cờ gặp nhau trong một đám cưới và cảm thấy thích nhau nên làm quen, rồi gắn bó. Với pháp luật, họ không sai; với xã hội, họ cũng chẳng lầm lỗi gì.
Với B., đứng về mặt tình, họ cũng không sai. Họ gặp nhau sau khi B. và người đàn ông đó đã ly hôn. Nói như người xưa thì họ có duyên có số mới gặp nhau, mới nảy sinh tình cảm với nhau. Mà khi đã có duyên có số thì không gặp nhau ở đây, trong đám cưới này thì họ cũng gặp nhau ở chỗ khác mà thôi.
Vậy thì, việc khó chịu, tức giận của B. hoàn toàn chỉ là cảm xúc riêng của cô ấy; nó thể hiện sự ích kỷ, tự tôn quá đáng của cô ấy mà thôi.
Cô ấy thấy người cũ có tình yêu mới, có hạnh phúc mới, nghĩa là không có cô ấy thì đời anh ta vẫn ổn, cô ấy không thích? Hay cũng có thể vì cô ấy chưa nguôi ngoai nỗi đau ly hôn, nên thấy người đó có niềm vui mới, cô ấy không chịu được?
Việc B. cho rằng cô ấy “bị đâm sau lưng” là hết sức vô lý. Thật ra, cả 2 người họ bây giờ, trên mọi phương diện, đều không đứng sau lưng hay trước mặt cô ấy, để mà đâm sau lưng hay… đánh trực diện. Sự giấu giếm của họ, hay nói đúng hơn là chưa nói ra, có thể vì chưa cần thiết, chưa đến lúc; mà cũng có thể vì sự tế nhị, họ không muốn cô ấy buồn mà thôi.
Xác định được sự đúng sai của sự việc rồi thì việc “chọn phe” của em vẫn chẳng dễ dàng, bởi yêu hay ghét, thích hay không thích ở đây cũng chẳng theo lý lẽ nào cả, chỉ là cảm tính mà thôi.
Nhưng cách cư xử đúng là em và người bạn còn lại nên trò chuyện, giải thích cho B. hiểu, rằng cô ấy đã buông một lần thì mắc gì phải cột thêm lần nữa cảm xúc của mình vào người cũ.
Hãy coi họ đều là những người bạn, chia vui và chúc phúc cho họ, có phải là mình nhẹ lòng mà người cũng nhẹ lòng. Khi nghĩ và cư xử được như thế, tình bạn được giữ gìn, thậm chí nghĩa tình với chồng cũ, trong đó còn liên quan đến con cái, họ hàng… cũng sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ hơn.
Theo phụ nữ TPHCM