Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và anh ấy quen nhau được 6 tháng. Anh ấy hiền lành, chiều chuộng và thương yêu em. Em cũng rất yêu anh.

Thế nhưng, có một điều khác nhau giữa tụi em là gia đình em khá giàu, ba mẹ em có công ty, nhà máy... Tất cả những điều này, anh đều biết và không suy nghĩ gì. Vì nhà anh tuy bình thường, ba mẹ chỉ là cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu, nhưng đều là giảng viên đại học, và anh từng là du học sinh.

Thế nhưng tuần vừa rồi, lần đầu tiên em đưa anh về ra mắt gia đình, thì mới nảy sinh vấn đề. Ba mẹ em đón tiếp anh rất vui vẻ, vì em cũng kể về anh khá nhiều. Ba mẹ em luôn coi trọng những người thuộc tầng lớp trí thức, chưa bao giờ nghĩ con mình phải lấy người giàu có thì mới tốt đẹp.

Thế nhưng, sau buổi gặp mặt, anh có vẻ suy nghĩ nhiều, rồi hỏi vì sao nhà em phải có nhiều người giúp việc thế (nhà em có một quản gia và một đầu bếp, một lái xe vừa là người làm vườn). Anh hỏi ở nhà em có làm việc nhà không?

Khi biết rằng em hoàn toàn không phải đụng tay vào việc nhà, và đặc biệt không biết nấu ăn, ủi đồ, dọn dẹp nhà cửa... anh có vẻ hết sức bất ngờ. Quả thật, suốt thời gian quen nhau, tụi em không bao giờ đề cập đến những vấn đề này.

Anh hỏi nếu em lập gia đình, thì làm sao em chăm sóc chồng con và quán xuyến nhà cửa? Câu hỏi của anh cũng làm em bất ngờ, em nói rằng em chưa từng nghĩ tới điều đó. Em quen có người giúp việc từ nhỏ tới lớn rồi, và chắc là em sẽ thuê người giúp việc như ba mẹ em.

Anh nói sợ rằng mức thu nhập của anh sẽ không đủ để mua một căn nhà lớn có phòng cho người giúp việc riêng, và trả lương cho họ làm tất cả mọi việc mà một người vợ phải làm.

Anh nói rằng bản thân anh cũng biết nấu ăn và tự dọn dẹp nhà mình, nhất là thời kỳ du học, anh còn đi làm thêm kiếm tiền... Em nói chuyện nhà cửa và người giúp việc chắc là ba mẹ em sẽ lo giùm cho hai đứa. Ba mẹ em có vài căn hộ cao cấp cho thuê, và em sẽ không phải lo nghĩ gì về tương lai.

Thật bất ngờ, anh nói sẽ không bao giờ chấp nhận sống trong nhà của gia đình vợ mua cho, và nhận những ưu đãi kiểu như thế từ gia đình vợ. Anh không thích sống phụ thuộc trong cảnh "chó chui gầm chạn". Anh muốn vợ chồng cùng nhau chăm sóc gia đình, vợ nấu cơm, chồng rửa chén bát, vợ giặt đồ, chồng lau nhà. Có con thì cùng nhau chăm sóc và dạy dỗ, phải như thế mới tạo nên sự gắn bó và trách nhiệm...

Dù em giải thích rằng tất cả những điều mẹ em nói, thật ra là phần tài sản nghiễm nhiên em được thừa hưởng. Nên anh hãy coi đó là việc bình thường. Chuyện gắn bó và trách nhiệm không nằm ở chuyện có làm việc nhà hay không, mà nằm ở nhận thức, suy nghĩ về trách nhiệm của mình.

Đến lúc cãi nhau căng lên, thì anh nói giàu có không phải là một đặc ân vĩnh viễn của trời ban, nếu gia đình em lâm vào cảnh như vậy, thì gia đình nhỏ của tụi em sẽ ra sao khi mà em không biết làm gì hết...

Điều anh nói khiến mâu thuẫn của tụi em thành ra không kiểm soát. Em bênh vực và tin vào sự đúng đắn, đàng hoàng của gia đình mình, ba mẹ mình. Còn anh thì cho rằng những người giàu có của Việt Nam đều "có vấn đề", như từ trước tới nay ai cũng thấy...

Khi em nói chuyện này với mẹ em, thì mẹ khuyên em nên chia tay với anh. Mẹ nói mẹ không chê anh giàu hay nghèo, thậm chí mẹ rất thích cách anh cư xử đàng hoàng, chững chạc, nhưng hoàn cảnh hai người khác nhau sẽ tạo nên những mâu thuẫn khó giải quyết. Mẹ nói bố mẹ phấn đấu cả đời là để các con được sống hạnh phúc đầy đủ...

Em còn rất thương anh, nhưng em cũng không biết làm sao để xóa đi khoảng cách giữa hoàn cảnh sống của em và anh. Làm theo điều anh nói, học nữ công gia chánh và tự chăm sóc gia đình, em thấy không phải là quá khó. Nhưng cách nhìn của anh về ba mẹ em và những gì gia đình em có, em thấy không có sự tôn trọng và tin tưởng.

Em cảm giác rằng với sự bướng bỉnh và suy nghĩ của anh về người giàu hiện giờ, anh sẽ tìm cách tách em ra khỏi gia đình em. Em nên làm gì để anh thay đổi, và hiểu em cùng gia đình em hơn ạ?

Mai Thu

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Em Mai Thu thân mến,

 Thật bất ngờ khi được đọc một bức thư xin tư vấn với câu chuyện như bước ra từ... phim ảnh thế này: Tiểu thư gia đình giàu có yêu một chàng trai bình thường và từ chối những đặc ân của gia đình vợ...

Trong câu chuyện của em, thật ra cả ba người, anh ấy, em và mẹ đều có những lý lẽ riêng đúng đắn, từ lập trường, hoàn cảnh của chính mình. Người yêu em là một chàng trai độc lập, bản lĩnh và tự trọng. cậu ấy không thích dựa dẫm và nhận ơn phước từ gia đình vợ, để có thể có một gia đình riêng trọn vẹn xây dựng từ chính bàn tay mình.

Em là một cô gái ngoan hiền của một gia đình giàu có, và việc em không biết nội trợ, bếp núc không phải là lỗi của em. Mẹ em cũng có những lời khuyên chẳng sai, vì là người mẹ, bà cũng chỉ mong con mình hạnh phúc trong bình an và được hưởng thành quả lao động của bố mẹ...

Khi mà hoàn cảnh và những điều kiện có sẵn khiến nảy sinh mâu thuẫn, thì tất cả đành phải giải quyết dựa trên bức tranh về hạnh phúc của ai sẽ thuyết phục hơn và đẹp đẽ hơn đối với người kia.

Nếu cả em và cậu ấy đều chỉ muốn vị trí của mình, thấy mình chỉ phù hợp với những gì mình đã mặc định về hạnh phúc gia đình, thì cũng chẳng nên cưỡng ép nhau phải thay đổi, để rồi sau này lại ân hận.

Hạnh Dung cũng đã xem khá nhiều phim với chủ đề đôi tình nhân có cách biệt về vị trí xã hội và hoàn cảnh yêu nhau. Thường thì phim sẽ có 2 kiểu kết: Hoặc là họ quay trở về với vị trí của mình, và nhìn về nhau như những kỷ niệm đẹp trong đời. Hoặc họ vững vàng vượt qua khoảng cách đó, mỗi người tự thay đổi một chút về phần mình, và cảm nhận được hạnh phúc của mình nằm trong trái tim người kia, chứ không phải trong vị trí và điều kiện xã hội...

Kết thúc nào của phim cũng mang đến cảm xúc đẹp, dù vui hay buồn, hợp hay tan, vì họ hiểu nhau, chấp nhận quyết định của nhau, và tôn trọng những khác biệt của nhau. Khi đó cả hai đều thấy bình yên và thanh thản.

Theo phụ nữ TPHCM