Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em năm nay 36 tuổi, đã 1 lần kết hôn và đổ vỡ, hiện đang nuôi con gái 8 tuổi. Thời gian đầu sau khi ly hôn, em rơi vào trầm cảm nặng vì những di chứng từ cuộc hôn nhân cũ.
Từ chỗ là một người thương yêu, chiều chuộng em hết mực, sau lần thất bại trong chuyện làm ăn, chồng cũ của em đổi tính, trở thành người cộc cằn, thô lỗ, hễ em nói lại nửa câu là nổi nóng, bạo lực với cả 2 mẹ con dù lúc đó con gái em còn rất nhỏ. Mỗi lần như vậy, anh ta không tiếc lời nhục mạ em.
Cuối cuộc hôn nhân đó em trở thành một người luôn co rúm, sợ hãi, mất hết sự tự tin. Phải 4 năm sau khi ly hôn, em mới dần dần hồi phục.
Nhờ ba má gửi gắm người quen, em tìm được một công việc đơn giản, rồi từ từ trở lại cuộc sống bình thường. Em cũng gặp và quen vài người nhưng đều là tình cảm thoáng qua, không lâu bền, cho đến khi gặp người bạn trai hiện tại.
Em và anh ấy quen nhau đã hơn 1 năm. Anh ấy rất quan tâm, ngọt ngào với em và tâm lý với con gái em. Chúng em đã có những chuyến đi chơi xa, đi nghỉ như một gia đình nhỏ. Anh ấy muốn chính thức hóa quan hệ, rồi dọn về ở chung với mẹ con em để tiện chăm sóc. Hiện nay, anh ấy đang thuê nhà, hơi xa nhà em, cũng nhiều bất tiện.
Em muốn có người đàn ông trong nhà nhưng từ kinh nghiệm của cuộc hôn nhân trước, em nghĩ phải thử thì mới biết người đó có hợp với mình không. Khi sống chung với nhau, người ta mới bộc lộ nhiều tính cách, thói quen. Khi đó, mình mới có thể hiểu con người thật của họ, còn nếu chỉ đi chơi vài ngày, ai cũng thể hiện mặt tốt của mình.
Em ngại bởi người ta nói yêu mình, đề nghị đăng ký kết hôn đàng hoàng với mình nhưng mình là phụ nữ lại đề nghị “sống thử”, thấy có vẻ kỳ cục, ngược đời. Mấy hôm nay em suy nghĩ mãi, không biết có nên nói với anh ấy không, xin chị cho em lời khuyên.
Trần Nga (TPHCM)
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Em Trần Nga thân mến,
Thường thì trường hợp này gọi là “sống chung” hay “sống thử” cũng được. Cũng là 2 người chia sẻ đời sống gia đình nhưng chưa đăng ký kết hôn - tức là chưa có sự công nhận của luật pháp và cũng chưa công khai với gia đình lớn - tức là chưa có sự công nhận của cộng đồng, xã hội. Người ta thường không tán thành, sẽ chỉ ra ngay thiệt thòi thuộc về phía người nữ.
Tuy nhiên, thư em cho thấy một điều rất quan trọng: em đang chủ động suy nghĩ, cân nhắc chứ không phải để cho lời đề nghị của người khác (dù đó là người mình yêu) cuốn mình đi theo. Em cố gắng giữ lấy sự chủ động đó. Đây không phải chỉ là chuyện cưới hay không, thử hay không mà là em muốn điều đó, em dành đủ thời gian để suy nghĩ về điều đó và em đã đủ chín chắn trong quyết định quan trọng của cuộc đời mình.
Khi đã qua 1 lần đau vì đổ vỡ, mình sẽ biết cách tự bảo vệ mình, tránh những nguy cơ có thể làm tổn thương mình lần nữa. Sự cân nhắc về tài sản, tài chính của em bây giờ không chỉ liên quan đến cá nhân em mà còn liên quan đến con em.
Mình có cần làm giấy tờ xác nhận tài sản riêng, hình thành trước hôn nhân? Mình có nên nói chuyện với con về việc có ai đó sẽ dọn đến sống chung với 2 mẹ con? Em hãy thử hình dung nếu sau khi sống chung một thời gian, 2 người quyết định không tiếp tục nữa thì sự chấm dứt đó ảnh hưởng đến mình như thế nào. Đó là những việc cần làm trước khi quyết định đề cập đến chuyện “sống chung” với anh ấy.
Cũng như các thí nghiệm khác, cuộc thử của em cũng nên xác định trước thời gian. Sau 2 tháng, 6 tháng hay bao lâu thì phải đọc kết quả và quyết định. Nếu không có thời hạn, có thể mình không đủ kiên nhẫn hoặc cũng có thể mình bị dây dưa kéo dài. Nên có thời gian, có kế hoạch để tìm hiểu nhau và cố gắng cùng nhau xây dựng cuộc sống chung, chứ không chỉ thử để cho biết. Em cần chủ động trong tất cả những việc này.
Chúc em thu được kết quả tốt sau quá trình thử nghiệm.
Hạnh Dung
|
Ảnh minh họa |
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
HOÀNG HẢI (QUẢNG TRỊ): HÃY TÍNH CHO RA MỌI THỨ TRƯỚC KHI SỐNG THỬ
Đây là một tình huống khá khó khăn để đưa ra lời khuyên. Đã qua một lần đổ vỡ hôn nhân dù từng có một tình yêu đẹp thì việc bạn cẩn trọng trước một mối quan hệ mới cũng là điều bình thường.
Tôi nhớ mình từng đọc một bài viết, trong đó tác giả đặt câu hỏi về việc bao lâu sau khi ly hôn thì có thể hẹn hò lại. Thực tế ai cũng hiểu là khi nào tình yêu đến thì cứ hẹn hò nhưng cũng nên cần thời gian để vết thương liền sẹo. Có lẽ vết thương của bạn đã lành. Thế nên, sống chung với người mình yêu cũng là việc rất bình thường. Chỉ có 2 điều tôi nghĩ rằng sẽ góp ý được cùng bạn.
Thứ nhất, bạn đừng xem đây là quá trình thử nghiệm. Sao không xem đó là cơ hội để tìm hiểu nhau cho kỹ, điều chỉnh những chỗ chưa hợp lý trong hành trình chung sống? Cái lợi của việc này là không có ràng buộc pháp lý. Chúng ta chỉ đặt 1 chân vào thì có thể dễ dàng nhón chân đi hơn.
Thứ hai, bạn nên tự hỏi mình cần gì, đã sẵn sàng cho cuộc sống chung này hay chưa, con cái sẽ đón nhận việc này ra sao, công tác chuẩn bị tư tưởng cho con thế nào, chi phí sinh hoạt phân chia ra sao, trách nhiệm của 2 người thế nào… Hãy tính cho ra và sẵn sàng mọi thứ trước khi cùng nhau sống.
CẨM LY (HUẾ): BẠN NÊN RẠCH RÒI MỌI THỨ TRƯỚC QUYẾT ĐỊNH NÀY
Tôi nghĩ mình vẫn chưa hoàn toàn thoải mái với quan niệm sống thử trước hôn nhân. Thế nhưng, sự phân tích của bạn trong thư cho tôi một suy nghĩ khác, rằng cuộc chung sống này rất hợp lý, ít nhất nó cũng tránh được những cuộc chia ly bằng pháp luật một cách mệt mỏi và nhiều tổn thương (nếu có). Vì thế, bạn có thể mạnh dạn quyết định việc này.
Nếu có thể, hãy thông báo với cha mẹ về kế hoạch của bạn và nói cho con biết việc 2 mẹ con sắp sống chung với “chú” hoặc về một đám cưới trong tương lai. Nên nhớ, mọi hành động của bạn ở hiện tại đều có thể ảnh hưởng đến con bạn sau này.
Hãy trao đổi cẩn thận, rõ ràng mọi thứ với bạn trai dù sẽ có những việc hơi tế nhị như tiền bạc, lối sống, thói quen… và đừng quên ngừa thai một cách cẩn thận vì nếu thêm 1 đứa bé, mọi thứ sẽ khác.
Theo phụ nữ TPHCM