Những lời động viên của con trai nhỏ như dòng nước mát làm lòng tôi dịu lại (Ảnh minh họa)

Gần nửa đêm, khi hai con đã ngủ, tôi định dậy mở máy tính làm việc thì con gái bỗng ho sặc sụa. Chưa kịp đỡ dậy, bé đã ói tung tóe ra giường. Nhìn một mớ hỗn độn, tôi bật khóc ngon lành, bao dồn nén những ngày qua tuôn theo dòng nước mắt.

Tiếng khóc của tôi làm con trai lớn thức giấc, con ngơ ngác nhìn mẹ. Ánh mắt thảng thốt của con khiến tôi khóc to hơn, không nín được. Tôi thấy mình cô đơn chơi vơi, không biết tựa vào đâu. Con lập tức nhổm dậy, níu lấy tay mẹ hỏi: “Sao mẹ lại khóc?”.

Lời nói của con như khơi dòng những cảm xúc ào ạt trong tôi chảy ra.

Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn: “Mẹ mệt quá con ơi, làm sao mẹ chịu đựng nổi, mẹ thấy mình kiệt sức rồi…”. Cứ thế, tôi tiếp tục kể lể dù biết con chẳng thể nào hiểu hết. Đã gần ba tháng nay, tôi vừa chăm hai đứa con, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ mới 8 tháng và làm việc online.

Chồng đi tham gia chống dịch bốn tháng chưa về, người thân không thể đến giúp đỡ. Một mình với hai con nhỏ bình thường đã vất vả, giờ lại đối mặt với nỗi lo dịch bệnh, thiếu thực phẩm, tôi càng áp lực.

Mỗi ngày trôi qua, tôi rã rời khi phải tự mình xoay xở với nhiều công việc không tên. Tôi không dám than vãn với chồng vì sợ anh lo lắng, tôi hiểu anh đang ở tuyến đầu cũng áp lực mệt mỏi.

Ông bà nội ngoại ở xa, thương con cháu cũng chỉ có thể gửi thực phẩm tiếp tế. Nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp lần lượt gặp chuyện, có người phải đi cách ly, họ cũng phải gánh nhiều nỗi lo.

Tôi vẫn tự an ủi bản thân, những gì mình đang trải qua không là gì cả, ngoài kia còn biết bao nhiêu người gặp tình cảnh éo le hơn. Tôi chỉ cần có một giấc ngủ sâu, chỉ muốn tắm rửa hay ăn một bữa cơm thong thả.

Tôi sợ cảnh vừa làm việc vừa canh chừng con rồi làm sai số liệu, phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Những nỗi niềm đó dù nhỏ nhưng không biết giãi bày cùng ai làm tôi thấy uất ức trong người.

Tôi hiểu rằng, dù than khóc, tôi vẫn phải tự làm mọi việc chứ chẳng ai có thể gánh vác giúp. Vậy mà, khi tôi trút nỗi niềm với con trai, bất ngờ con bảo: “Sao mẹ không nhờ con”.

Câu nói ngây thơ của con làm tôi bật cười trong nước mắt, tôi hỏi: “Con có thể giúp mẹ làm gì”. Con kể, mình có thể dọn nhà, phơi áo quần, nấu cơm, trông em, cho em uống sữa…

Tôi không nghĩ đứa trẻ chuẩn bị vào lớp Một lại có thể nghĩ ra nhiều việc như thế. Những lời nói của con như một dòng nước mát làm lòng tôi dịu lại. Tự nhiên tôi thấy nhẹ nhõm hẳn, chẳng còn cảm giác uất ức dồn nén.

Một lúc sau, tôi bình tĩnh lại, pha nước ấm lau người thay quần áo cho con gái trong khi con trai tháo ga giường, vỏ gối bị bẩn. Sau khi dọn giường xong, ba mẹ con đi ngủ.

Trong ánh sáng mờ của đèn ngủ, bàn tay bé xíu của con trai liên tục sờ lên mặt mẹ rồi nhắc: “Mẹ đừng khóc nữa nhé”. Đêm đó, tôi đã ngủ một giấc thật ngon.

Những ngày sau, con trai háo hức giúp mẹ việc nhà, bàn tay nhỏ nhắn vụng về của con chưa thành thạo nhưng rất nhiệt tình.

Tôi nhờ con trai phơi áo quần trong khi tôi dỗ con gái ngủ rồi hai mẹ con cùng dọn nhà, nấu cơm. Khác hẳn những ngày trước, tôi đưa cho con điều khiển tivi để ngồi yên cho mẹ làm việc rồi sẵn sàng trút hằn học khi con lỡ tay rơi đồ chơi làm em thức giấc.

Tôi nhận ra, con có thể làm được nhiều việc khi được mẹ hướng dẫn. Rõ ràng tôi có một bờ vai mà lâu nay tôi không biết để dựa vào. Chỉ sau một tuần, con trai đã quét nhà, phơi quần áo thành thạo, cho em bú bình sữa để mẹ nấu cơm hay tắm rửa. Nhờ sự giúp đỡ của con mà tôi đã vượt qua những áp lực về mặt cảm xúc để đối mặt với giai đoạn khó khăn trước mắt.

Theo phunuonline