Khi Shaili Bhat - một luật sư 28 tuổi đến từ thành phố Mumbai - đi thử váy cưới cho đám cưới của mình vào tháng 12 sắp tới, người bán hàng cho biết cô phải trả thêm tiền vì “người to béo, size váy to hơn nên tốn thêm nhiều vải để may”.
“Câu nói ấy nói ra như thể lẽ hiển nhiên. Trong những năm qua, tôi đã học cách chấp nhận cơ thể mình không thon gọn như nhiều người khác. Nhưng lời lẽ của người bán hàng diễn ra ngay trước mắt chồng tương lai khiến tôi xấu hổ”, Bhat nói với Vice News.
Tại Ấn Độ, các cô gái chuẩn bị cưới chịu áp lực nặng nề là phải trông thật thon gọn trong ngày kết hôn. Ảnh: India Times.
Fat shaming - hành động chỉ trích hoặc thu hút sự chú ý đến cân nặng, kích thước cơ thể hoặc thói quen ăn uống của một người nào đó - là vấn đề phụ nữ ở khắp nơi phải chịu.
Tại Ấn Độ, miệt thị ngoại hình người ngoại cỡ hay mở rộng ra việc phụ nữ bị soi mói và bình phẩm vẻ bề ngoài vẫn là chuyện diễn ra thường ngày. Với những cô gái sắp hoặc mới kết hôn, hành vi này càng nặng nề hơn.
Trầm cảm vì áp lực giảm cân
“Có rất nhiều áp lực buộc cô dâu phải giảm cân trước đám cưới. Bạn bè, gia đình sẽ hỏi tại sao tôi không ăn kiêng trước ngày cưới. Một số thậm chí còn cố gắng gửi cho tôi trà giảm béo”, Tanaya Narendra, thường được biết đến với cái tên tiến sĩ Cuterus, chia sẻ câu chuyện bản thân lên mạng xã hội.
Lần khác, Tanaya bị nhân viên cửa hàng “nhìn từ trên xuống dưới” và hỏi “ồ, bạn chuẩn bị kết hôn sao” khi cô đi thử váy cưới.
Bài đăng của nữ tiến sĩ nhận được chia sẻ nhiều trên mạng và thu hút nhiều cô gái vào kể lại trải nghiệm tương tự.
Nhiều cô dâu ngoại cỡ đi may váy cưới thường gặp tình cảnh chung: Bên may yêu cầu trả thêm tiền vì tốn vải hơn. Ảnh: Pinterest.
“Hình ảnh những cô dâu thon gọn xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông. Điều đó ảnh hưởng đến cách tôi nhìn nhận bản thân.
Với kích cỡ quần áo 2XL, bước vào bất kỳ cửa hàng nào, bạn cũng sẽ bị đánh giá. Một số thậm chí trực tiếp nói rằng họ không có cỡ vừa cho bạn. Tôi cũng bị yêu cầu trả 780 USD thay vì 540 USD cho váy cưới vì mặc size to hơn”, Shriya Momaya (27 tuổi), người đang chuẩn bị cho đám cưới vào tháng 11, cho hay.
Mẹ chồng tương lai từng nói với cha của Momaya rằng cô nên nghỉ làm 6 tháng và tập trung vào việc giảm cân. Lần khác, cô tình cờ nghe được mẹ chồng nói rằng những phụ nữ như cô trông to ra gấp đôi khi mặc váy cưới truyền thống của Ấn Độ.
“Dù thông minh, có sự nghiệp kinh doanh thành công, tôi vẫn không làm hài lòng bà ấy. Điều duy nhất quan trọng là tôi thừa cân”.
Momaya cho biết cô có tiền sử trầm cảm và tự làm hại bản thân. Những lời chỉ trích liên tục về cơ thể từ những người thân và không thân khiến chứng trầm cảm tái phát.
“Tôi suýt nữa đã tự làm hại bản thân nhưng may mắn kiểm soát lại được".
Đám cưới của nữ tiến sĩ Cuterus. Ảnh: Indian Express.
Cuộc tranh luận xung quanh việc tính phí nhiều hơn cho quần áo cỡ lớn - được gọi là "thuế ngoại cỡ" - khiến hai bên liên quan tranh cãi qua lại sôi nổi.
Các nhà bán lẻ lập luận rằng việc sử dụng nhiều vải hơn và trong trường hợp trang phục cô dâu ở Ấn Độ, thường là thêu hoặc trang trí nhiều hơn, làm tăng chi phí.
Ở phía những cô dâu ngoại cỡ, họ cho rằng nếu size bé không được giảm giá vì ít tốn vải hơn, thì họ cũng không đáng phải trả thêm tiền.
"To béo đồng nghĩa với không lấy được người tử tế"
Lý giải về áp lực cô dâu phải có vóc dáng mảnh mai vào ngày cưới, nhà tâm lý học Hvovi Bhagwagar giải thích: "Ở Ấn Độ, chúng tôi lớn lên trong một nền văn hóa rất tập thể. Nhu cầu và mục tiêu của nhóm đặt lên trên nguyện vọng cá nhân".
Điều này dẫn tới chuyện không có ranh giới giữa những gì nên nói và không nên nói với người khác. Lớp trẻ được cho là cần nghe lời người lớn tuổi và làm theo chỉ dẫn của họ.
Của hồi môn trong các cuộc hôn nhân sắp đặt thường dựa trên ngoại hình cô dâu, với các tiêu chuẩn là người thanh mảnh, da trắng, mặt xinh. Ảnh: WedMeGood.
Ngoài ra, hôn nhân sắp đặt ở quốc gia Nam Á này vẫn còn rất phổ biến. Phái nữ không có nhiều quyền định đoạt về việc mình sẽ cưới ai.
"Theo kinh nghiệm, tôi thấy rằng của hồi môn nhiều hay ít trong các cuộc hôn nhân sắp đặt thường dựa trên chiều cao, cân nặng, màu da và ngoại hình của cô dâu. Tức là vẻ ngoài được chú trọng hơn tính cách", Bhagwagar nói.
Nhà tâm lý học cho biết nhiều khách hàng nữ vốn có vấn đề về sức khỏe tâm thần từ trước càng dễ rơi vào lo âu, trầm cảm hơn khi gần đến đám cưới. "Nhiều khi, họ nhịn ăn nhịn uống để cố làm vừa lòng mọi người".
Zeenat (32 tuổi) kết hôn theo hình thức mai mối. "Một phụ nữ rất có ảnh hưởng trong cộng đồng nơi tôi sống kiêm người dắt mối nói rằng tôi chỉ kiếm được chàng trai tử tế, công việc và gia đình tốt, chỉ khi tôi giảm ít nhất 20 kg".
Trước đó, Zeenat mắc bệnh cường giáp, khiến cô tăng cân nhanh chóng.
"Việc nói rằng tôi không xứng đáng lấy chồng tử tế chỉ vì nặng cân đã giết chết hoàn toàn lòng tự trọng. Mọi chuyện tồi tệ hơn khi tôi bị hơn chục chàng trai từ chối. Dưới áp lực, tôi đồng ý với một người đàn ông tôi thực sự không hoàn toàn thích, chỉ vì anh ấy chịu chấp nhận vẻ ngoài của tôi. Đến cuối, người mai mối vẫn nói rằng tôi có thể kiếm người tốt hơn nhiều nếu chịu nghe lời khuyên giảm cân".
Theo Zing