Không ít người vợ than phiền ngày xưa mới yêu thì anh ta đi đưa về đón, mỗi ngày nhắn tin, gọi điện hàng chục lần, xa nhau có nửa ngày đã nhớ cồn cào, câu nói “Anh yêu em” luôn trên cửa miệng. Ôi ngày đó còn đâu?
Khi kết hôn ai chẳng mong tình yêu say đắm sống mãi trong đời sống vợ chồng. Nhưng chúng ta lại quên mất một điều quan trọng là tình yêu trước hôn nhân và tình yêu vợ chồng là hai dạng tình yêu khác nhau.
Chúng là hai chị em nhưng cũng như hai chị em, chúng vừa giống nhau lại vừa khác nhau. Một đằng là tình yêu trai gái lãng mạn, bồng bột vô tư, chẳng mấy trách nhiệm và một đằng là tình vợ chồng đầm ấm đầy trách nhiệm và nghĩa vụ bền bỉ qua nhiều năm tháng. Hai thứ tình yêu ấy hoàn toàn không phải là một.
Sự đam mê cháy bỏng buổi ban đầu giữa hai con người như muốn hòa vào nhau làm một trải qua thời gian chung sống bên nhau sẽ dần dần lắng dịu xuống một cách rõ rệt. Bởi vì cơ thể con người không thể sống thường xuyên liên tục trong trạng thái căng thẳng tột độ của tình yêu say đắm suốt một thời gian dài.
Sau khi kết hôn chúng ta sống cùng nhau hết ngày này qua tháng khác, mọi ham muốn được thoả mãn một cách dễ dàng vì nó không gặp trở ngại nữa, cho nên thần kinh chúng ta lại trở về trạng thái bình thường. Có thể nói, hoà bình khác với chiến tranh thế nào thì tình yêu vợ chồng khác với tình yêu trước hôn nhân hay ngoài hôn nhân như thế. Chiến tranh đòi hỏi những chiến công, xương máu, hy sinh. Hoà bình lại đòi hỏi sự bền bỉ, cần cù, kiên nhẫn.
Trong nhiều năm làm tư vấn hôn nhân, tôi đã nghe rất nhiều người vô cùng tiếc nuối cái thời họ yêu nhau khi chưa kết hôn. Họ kể hàng tiếng đồng hồ về những kỷ niệm tình yêu mê say và cuồng nhiệt biết bao, nó khác hẳn với bây giờ.
Thậm chí có người nói nếu nó chưa chết hẳn thì cũng đang ngắc ngoải. Nó nhạt nhẽo như phải đọc nốt một cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính đã chết ở chương đầu. Họ đâu biết rằng đó là quy luật. Cái gì nhiều thì không quý nữa. Trong bao nhiêu định nghĩa về tình yêu, có một định nghĩa được nhiều người tâm đắc: “Yêu là điên nhất thời được chữa khỏi bởi hôn nhân”. Quả vậy dù yêu điên cuồng rồ dại đến đâu cứ cho kết hôn với nhau về ở một nhà chỉ ít ngày là hết điên ngay.
Không có gì ảo tưởng hơn, nếu ai đó nghĩ rằng có thể duy trì tình yêu say đắm suốt cả cuộc đời. Điều đó không bao giờ xảy ra.
Ai nói: “Tôi lấy vợ 20 năm mà vẫn yêu say mê như thuở ban đầu” là nói xạo để nịnh vợ thôi. Các nhà Shakespeare học đã phát hiện hai nhân vật Roméo và Juliette được tác giả xây dựng từ những nguyên mẫu có thật ngoài đời. Nhưng trong cuộc đời thực, họ không chết ngay trong lúc đang yêu say đắm mà về sau họ lấy được nhau và hai ông bà này cũng đôi khi bất hoà giận dỗi như bao nhiêu đôi vợ chồng khác trên đời.
Cho nên những người làm điện ảnh kinh nghiệm thường cho hai nhân vật yêu si mê lên thác xuống ghềnh vượt qua bao khó khăn trắc trở để cuốn hút người xem nhưng đến khi họ dìu nhau lên xe hoa là hết phim. Có lẽ bởi vì nếu còn kéo dài đoạn tiếp theo sẽ rất nhạt. Chả nhẽ, chiếu cảnh hai vợ chồng nấu cơm ăn rồi lên giường đi ngủ mai lại đi làm thì ai xem làm gì.
Tại sao lại có hiện tượng đó?
Các nhà khoa học cho rằng có hai nguyên nhân khiến tình yêu say đắm không thể tồn tại mãi trong hôn nhân. Một là, trạng thái yêu say đắm là một trạng thái tâm sinh lý kích thích cao độ, nó không bình thường và cái gì không bình thường thì không bao giờ tồn tại được lâu. Nếu sau khi kết hôn, người vợ vẫn đòi hỏi chồng mỗi ngày phải nhắn tin gọi điện vài chục lần, chiều chuộng từng ly từng tí như thưở mới yêu chứ không vô tâm như bây giờ, nếu người chồng muốn đôi môi vợ lúc nào cũng run rẩy như nụ hôn đầu là điều không tưởng. Nụ hôn lần đầu tiên có thể khiến nàng đê mê ngây ngất, mắt long lanh lệ, nhưng nụ hôn thứ một trăm, một nghìn sẽ không bao giờ như thế nữa mà mong.
Hai là, trong trạng thái say đắm, người con trai và người con gái đều biến đổi đi. Kẻ keo kiệt có thể thành hào phóng. Kẻ đam mê danh vọng, tiền tài có thể vứt bỏ, nếu người yêu muốn thế. Những bản chất vốn có trong con người có thể yếu đi trong trạng thái yêu say đắm, nhường chỗ cho lòng vị tha, sẵn sàng làm bất cứ cái gì để vừa lòng người yêu. Nhưng khi đã thành vợ chồng, mối quan hệ trở lại trạng thái bình ổn thì bản chất mỗi cá nhân lại trỗi dậy và bộc lộ mạnh mẽ. Các thói hư tật xấu vốn có lại xuất hiện, làm cho tình yêu suy giảm. Thế là họ tưởng vợ hay chồng lật lọng và họ cho là mình bị lừa. Những đôi vợ chồng ly hôn ngay ở những năm đầu của hôn nhân phần lớn rơi vào trường hợp này.
Trong năm đầu tiên chung sống, không mấy đôi vợ chồng trẻ cảm thấy hợp nhau mọi thứ, điều đó không có gì lạ. Phải có thời gian và lòng khoan dung chấp nhận nhau, họ mới dần dần giúp nhau cùng điều chỉnh đi đến hòa hợp được. Họ sẽ có những hứng thú, thói quen, quan điểm giống nhau, sẽ có những nguyên tắc ứng xử tương tự nhau và hai người mới hòa hợp dần dần. Trên mảnh đất đó, tình yêu vợ chồng nảy nở. Tình yêu say đắm có thể đến ngẫu nhiên nhưng tình yêu vợ chồng không phải ngẫu nhiên mà do chúng ta tạo dựng.
Thời nay kết hôn chẳng khó, cái khó là làm sao có được hạnh phúc lâu bền. Không ít cuộc hôn nhân tuy không đổ vỡ, vẫn sinh con đẻ cái nhưng vợ chồng thực sự yêu nhau, cảm thấy bạn đời là người không thể thay thế, đâu phải là nhiều lắm.
Có những đôi ra tòa án ly hôn, khi thẩm phán hỏi lý do xin ly hôn? Họ trả lời: Vì tình yêu đã hết! Thực ra nó không hết mà nó chuyển sang dạng khác thôi. Cho nên để hôn nhân bền vững, bạn phải có kỹ năng nhận biết sự khác nhau của hai thứ tình yêu trước và sau kết hôn để không thất vọng.
Sau khi kết hôn, không phải tất cả những người trẻ tuổi đều trải qua một cách êm đềm giai đoạn biến tình yêu sục sôi cháy bỏng thành tình cảm vợ chồng thanh thản, đầm ấm. Nếu bạn đòi hỏi vợ chồng phải luôn say mê nhau như thuở ban đầu sau nhiều năm chung sống là hoang tưởng.
Thật ra tình yêu vợ chồng có vẻ đẹp riêng của nó. Đó là thứ tình yêu có chiều sâu và đa diện hơn nhiều. Nó không phải là thứ “tình yêu loại 2”. Nó xứng đáng được các nhà thơ ngợi ca mãi mãi cho dù chúng ta sống ở bất cứ thời đại nào.
Theo giadinhonline