Hình minh họa - XFRAME
Khi chúng tôi bàn chuyện giới thiệu thành viên nhóm quản trị lên trang Facebook của dự án chung, mọi người tham gia bàn bạc sôi nổi để có một phương án xuất hiện ấn tượng nhất. Sau một vài phương án rất thú vị, thì một cô cộng sự của tôi bẽn lẽn đề xuất: “Đừng làm lung linh quá, coi chừng bị... bóc phốt!”.
Cả nhóm giật mình. Cô ấy nói thêm: “Giờ cái gì đẹp và hay cũng sẽ khiến tụi bóc phốt rình rập, qua thời đẹp thì đến thời bị bóc, mình quá rành rồi! Bây giờ tụi mình cứ xuất hiện xấu xấu, hài hài đi. Như thế thì may ra mới được buông tha”.
Đúng là "thời đại bóc phốt" đang chi phối tất cả mọi hành vi trên mạng. Và ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị bóc phốt. Trong khi đó, ai cũng có một đời sống riêng tư không bao giờ muốn bị lôi lên mạng. Việc “bị bóc phốt” cũng trở thành nỗi ám ảnh. Nhưng khi cô cộng sự nhắc đến “bóc phốt” như một rủi ro của một dự án tưởng chừng không liên quan đến một cá nhân nào, tôi sực nhớ ra, đã có hẳn một bộ phận dùng Facebook rất chừng mực, thậm chí chỉ dùng Facebook để tấu hài, để tự bôi xấu bản thân mà gây cười cho mọi người.
Họ có thể có những công việc và kiến thức hết sức ý nghĩa để chia sẻ với cộng đồng. Nhưng trên Facebook, họ tuyệt đối cự tuyệt việc chia sẻ nghiêm túc và trung thành với hình ảnh “xấu xí, vô dụng, thỉnh thoảng hài hước”, để tự vệ.
Xu hướng đó có ở chính tôi. Trước đây tôi hay dùng Facebook để chia sẻ những trải nghiệm công việc, viết những chiêm nghiệm đời sống, rồi thỉnh thoảng bày tỏ quan điểm với các vấn đề xã hội. Hồi ấy tôi còn trẻ, không ngại va chạm, và cũng không nghĩ mình sẽ va chạm với ai. Tôi tự tin rằng tôi có quyền bày tỏ thế giới quan trên Facebook cá nhân của mình.
Nhưng mọi chuyện thay đổi khi tôi sinh con. Khi làm mẹ, tôi chỉ muốn mình có một đời tư an toàn, êm ái. Dù không hề có một sự tính toán nào, nhưng cách sử dụng Facebook của tôi cũng thay đổi hẳn. Tôi chỉ còn kể những chuyện vô thưởng vô phạt, đăng hình của con, và không liên can đến bất kỳ một vấn đề xã hội nào. Tôi không bày tỏ quan điểm. Hoặc nếu vô tình gặp phải một bình luận phản biện một chi tiết nhỏ nào đó trong bài viết vốn vô thưởng vô phạt của mình, tôi cũng chỉ xuê xoa cảm ơn - điều mà trước đây tôi không bao giờ làm.
Tôi có nhận thấy sự thay đổi đó, nhưng không tự phân tích nguyên nhân. Đến khi nghe cô cộng sự nói “cứ xấu xấu, hài hài để được buông tha” - tôi nhận ra chính mình cũng đã dùng Facebook theo cách này một thời gian rất dài. Bởi tôi cần được an toàn, tôi không có nhu cầu phải thật đúng, thật đẹp và hay trên mạng xã hội.
Lối chơi Facebook này tôi từng gặp ở một người thầy. Thầy là một chuyên gia đầu ngành của một lĩnh vực khoa học xã hội, ngoài dạy học, thầy rất thường chia sẻ với giới trẻ ở các diễn đàn offline. Với tên tuổi của thầy, kênh Facebook của thầy lẽ ra phải là một kênh rất nổi tiếng. Thế nhưng, lên Facebook, thầy chọn cách lặng lẽ. Thầy xem Facebook như một trong những kênh để nắm bắt xu hướng xã hội, còn trang cá nhân của thầy lại đăng hình cây lá, lắm lúc nói một câu vu vơ chuyện thời tiết, con cháu…
Khi tôi đùa: “Thầy chơi phây theo phong cách chỉ nhận mà không cho”. Thầy nói: “Thầy cho ở chỗ khác, còn trên phây thì làm một ông già lẩn thẩn, vậy đi cho an toàn!”.
Ngày đó, tôi đâu ngờ có lúc tôi cũng cần một nhu cầu an toàn như thế. Và khi đề cao sự an toàn, người ta tự dưng sẽ dùng đến bí kíp “xấu xấu, vô dụng, hài hài, lẩn thẩn”… để an toàn. Có lẽ cũng vì cách chơi Facebook như thế mà mùa dịch này tôi được “yên thân”, dù vẫn đăng bài liên tục, nhưng chẳng ai bắt lỗi cái đứa “xấu xấu, hài hài”…
Mọi người có thể kiểm chứng điều này qua các mối quan hệ quanh mình. Chẳng phải những người hay tấu hài, hay tỏ ra vô dụng và xấu xí trên mạng xã hội là những người được... thông cảm, và thậm chí được yêu mến nhất sao? Đã vậy, nếu muốn an toàn, ta hoàn toàn có thể dùng cách này để chơi Facebook, vừa giải trí, vừa vô hại...
Theo phunuonline