“Một ngày tối thứ 7 nọ, con tôi lên cơn sốt cao giữa lúc hết tã và sữa. Tôi biết phải đem con đến phòng cấp cứu. Nhưng tôi không đủ tiền chi trả. Tôi nghi ngờ khả năng nuôi con của bản thân và tự trách mình rất nhiều", Kim Ji Hwan (tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) kể lại với Korea JoongAng Daily.
Làm mẹ đơn thân ở Hàn Quốc vốn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng đối với các ông bố đơn thân như Kim, câu chuyện thậm chí còn tệ hơn. Trước năm 2015, những người đàn ông "gà trống nuôi con" gần như không thể đăng ký khai sinh cho con mình.
Lý do là luật pháp Hàn Quốc quy định bắt buộc "báo cáo khai sinh của con ngoài giá thú phải do người mẹ khai".
|
Ông bố đơn thân Kim Ji Hwan (Hàn Quốc) bên cạnh con gái 8 tuổi. |
Không thể làm giấy khai sinh
Vì vậy, khi con gái Sa Rang ra đời vào năm 2013 và bị mẹ bỏ rơi trước khi đi khai sinh, Kim đã hoảng sợ.
Không có giấy khai sinh đồng nghĩa đứa trẻ không tồn tại hợp pháp về mặt pháp luật. Chúng không được tiếp cận với bất kỳ chính sách chăm sóc trẻ em hay phúc lợi nào của chính phủ, thậm chí không có bảo hiểm y tế.
Trẻ em dưới 12 tuổi được tiêm chủng miễn phí, nhưng đối với những đứa trẻ như Sa Rang, mỗi mũi tiêm có thể có giá 10.000-150.000 won.
“Trong 6 tháng đầu tiên, tôi đi khắp nơi để đăng ký khai sinh và nhận được câu trả lời chung: Tôi không có cách nào ngoài phải tìm mẹ con bé về", Kim kể lại.
May mắn đến với anh sau đó khi gặp được một ông bố đơn thân khác giúp đỡ. Vì người cha không thể đăng ký, Kim phải tạo hồ sơ mới, chứng minh mình là cha ruột của con gái.
Tuy vậy, mãi đến cuối năm 2014, con gái của Kim mới có giấy khai sinh, sau vô số lần tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan trợ giúp pháp lý lẫn các công ty luật cá nhân.
|
Mất gần 2 năm đấu tranh, Kim mới đăng ký được giấy khai sinh cho con gái mình. |
Kim gọi đó là khoảng thời gian "cay đắng" khi con anh mất nhiều thời gian cho một thứ những đứa trẻ đáng nhẽ ra đều có.
Trong khoảng thời gian đó, Kim cũng không thể gửi con đi nhà trẻ hay đăng ký dịch vụ trông giữ trẻ do chính phủ trợ cấp. Ba tháng đầu, anh mang theo con gái đi làm hàng ngày, kiếm tiền chăm con nhờ công việc chuyển bưu kiện.
Nhưng chỉ 3 tuần sau đó, anh bị sa thải vì công ty lo ngại nguy hiểm và không muốn chịu trách nhiệm về bất kỳ tai nạn nào.
Theo Naver Shopping, trung bình một chiếc tã có giá 123 won và một em bé thường cần 10-15 chiếc tã mỗi ngày, tương đương khoảng 1.230 won/ngày và 8.610 won/tuần. Một hộp sữa bột thường có giá khoảng 30.000 won và dùng hết trong chưa đến một tuần.
Kim nói rằng mình phải tìm kiếm các loại tã và sữa công thức rẻ tiền được giảm giá. "Tốt nhất chỉ nên cho con uống một loại sữa bột, song tôi không chi trả nổi", người cha cho hay.
Bất cứ khi nào ngơi việc, Kim tìm đến Hongdae, khu phố sầm uất ở phía Tây Seoul, để tự mình biểu tình. Anh giơ tấm biển kêu gọi bảo vệ quyền trẻ em của những đứa trẻ do bố đơn thân nuôi dạy. Câu chuyện sớm được nhiều người quan tâm.
|
Cục Thống kê Hàn Quốc thống kê 7.082 ông bố đơn thân ở nước này vào năm 2019. |
Nữ diễn viên Kim Hye Ri đề nghị chăm sóc Sa Rang miễn phí trong lúc anh đi làm. Nhà lập pháp Seo Young Kyo đưa ra sửa đổi Đạo luật Đăng ký Quan hệ Gia đình để các ông bố có thể đăng ký khai sinh cho con nếu họ không biết tên, nơi ở và thông tin liên lạc của người mẹ. Bản sửa đổi có hiệu lực kể từ tháng 11 năm ngoái.
"Không đứa trẻ nào đáng phải chịu đựng"
Tuy nhiên, bất chấp bản sửa đổi được gọi là “Luật Sa Rang”, thực tế đối với những ông bố đơn thân vẫn còn ảm đạm.
Hồi tháng 1, một người cha đơn thân đã đánh chết đứa con mới sinh của mình. Nhưng vì đứa bé không được đăng ký khai sinh nên bệnh viện không thể khám nghiệm tử thi và người cha có thể không phải đối mặt với cáo buộc hình sự.
Bệnh viện đã phải đệ đơn lên tòa án để tiến hành khám nghiệm và đòi lại công bằng cho đứa trẻ.
“Ngay cả khi chết, một đứa trẻ chưa có giấy khai sinh cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử", nhà lập pháp Seo Young Kyo nói về vụ việc.
Theo sửa đổi mới, các ông bố được quyền đăng ký khai sinh cho con mình nếu "người mẹ không chịu hợp tác mà không có lý do chính đáng". Mặc dù khái niệm “lý do chính đáng” còn mơ hồ, nhưng việc sửa đổi là một bước đi đúng hướng.
Đã 7 năm trôi qua kể từ khi Kim chiến thắng trong trận chiến pháp lý đấu tranh quyền lợi cho con gái mình. Người cha vẫn đang tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thay đổi luật pháp và hỗ trợ các bậc cha mẹ đơn thân cả về mặt pháp lý lẫn cá nhân.
"Không có em bé nào nên phải chịu đựng những gì Sa Rang từng trải qua", anh nói.
Theo Zing