"Thầy Tiến, cho Toshi hỏi", giọng nói tiếng Việt còn ngượng nghịu nhưng tương đối dễ nghe của thanh niên 28 tuổi vang lên trong giờ nghỉ, khiến Trương Thời Tiến, 21 tuổi, chú ý. Tiến nhận ra người hỏi là Toshi, học viên lớp học tiếng Việt VieTalk, đã bảo vệ tiến sĩ và đang làm quản lý dự án tại một công ty Mỹ.
Lớp học tiếng Việt miễn phí của Tiến có 145 học viên đến từ 9 quốc gia gồm Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Australia, Đức, Nga, Anh, Pháp và Canada. Người trẻ nhất 18 tuổi, lớn nhất 35, làm nhiều ngành nghề nhưng có tình yêu với đất nước và con người Việt Nam. "Em nghĩ đó là mục tiêu và động lực lớn nhất để những học viên của VieTalk cố gắng học tiếng Việt mỗi ngày", Tiến nói.
Trương Thời Tiến, người sáng lập dự án VieTalk. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sinh tại TP HCM, Trương Thời Tiến học hết lớp 10 tại trường THPT Gia Định, sau đó du học Mỹ. Trong thời gian ở Mỹ, Tiến nhận thấy nhiều bạn bè có bố mẹ hoặc ông bà là người Việt Nam nhưng vì sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên không biết tiếng Việt. Đến khi là sinh viên của Cao đẳng Lone Star, vốn quan tâm đến giáo dục, Tiến nghĩ "cần làm gì đó" để đóng góp cho cộng đồng.
"Lúc đấy, vốn liếng mạnh nhất của em chính là tiếng Việt và em tự đặt câu hỏi Tại sao mình không dạy tiếng Việt cho những người gốc Việt hoặc yêu Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài?", Tiến kể.
Giữa năm 2020, chàng trai sinh năm 2000 bắt đầu liên lạc với những người bạn học cùng cấp ba, chia sẻ ý tưởng về dự án dạy tiếng Việt, lấy tên là VieTalk. Đang là sinh viên tại các đại học trong và ngoài nước, gần 20 bạn bè của Tiến rất hứng thú với dự án, nhận lời hỗ trợ cho lớp học xuyên biên giới.
Tiến tìm đến các hội nhóm cộng đồng người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài, nói rõ mục đích của VieTalk và mở đơn đăng ký học. Chỉ nghĩ được khoảng 50-60 người tham gia là cùng nên khi thấy số đơn đăng ký học lên tới 600 chỉ trong một ngày, Tiến hốt hoảng. "Em phải khóa đơn đăng ký lại vì biết sức mình có hạn, không thể dạy được hết số học viên nhiều như vậy. Nhìn con số 600, em vừa mừng vừa lo, không biết mình có làm tốt không", Tiến nói.
Dành ra một buổi đọc hết đơn đăng ký và lý do muốn học tiếng Việt của học viên, Tiến đặc biệt ấn tượng với câu chuyện của Beth Trinh, công dân Anh, lấy chồng người Anh gốc Việt Nam. Ngay cả khi sống tại Anh, chồng của Beth luôn dùng tiếng Việt để nói chuyện với bố mẹ, gia đình. Trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, Beth thấy người dân thân thiện, cởi mở, luôn sẵn sàng giúp cô khám phá văn hóa bản địa. "Tôi muốn sau này khi có con, lũ trẻ có thể nói, hiểu tiếng Việt và kết nối được với cội nguồn. Khi biết tiếng Việt, dù ở mức rất cơ bản, tôi thấy mình có thể giao tiếp tốt hơn với người dân Việt Nam", Beth chia sẻ.
Ngoài Beth, Tiến còn bắt gặp câu chuyện của Toshi Pau, 28 tuổi, mang trong mình bốn dòng máu, mẹ gốc Việt - Trung, bố người Nhật - Hàn. Cả bố và mẹ Toshi đều thành thạo tiếng Việt vì từng học trong trại tị nạn. "Dù bố mẹ chưa từng dạy tôi tiếng Việt, tôi nghĩ nếu biết ngôn ngữ này sẽ phần nào hiểu những vất vả và hy sinh của họ, từ đó trở thành một người nhân ái hơn", Toshi nói.
Đọc tâm sự của các học viên, Tiến xúc động và có thêm niềm tin dự án mình đang làm thực sự có ý nghĩa với cộng đồng. Hơn cả môn ngôn ngữ, tiếng Việt đối với những học viên của VieTalk còn là công cụ để tìm về nguồn cội, hiểu thêm về bản sắc và con người Việt Nam.
Tiến (đứng giữa) trong một buổi sinh hoạt trại hè thanh niên tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong quá trình xây dựng giáo án, Tiến nhận thấy những người không biết chút nào tiếng Việt sẽ không thể học theo sách giáo khoa đang được sử dụng trong các trường tiểu học ở Việt Nam. Thay vào đó, nam sinh tham khảo giáo trình, học liệu của môn Tiếng Việt trong các đại học Mỹ. "Thông qua người quen, em xin được sách dạy tiếng Việt của Đại học California, Los Angeles, Mỹ, sau đó dựa vào để tiếp tục soạn ra giáo án của riêng VieTalk", Tiến nói.
Biết rằng học ngôn ngữ không thể diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đồng thời muốn trong khoảng 2-3 tháng, người học có thể xưng hô và tham gia vào các cuộc hội thoại cơ bản trong tiếng Việt, Tiến xây dựng chương trình học kéo dài 10 tuần. Trong tháng đầu tiên, mỗi tuần em sẽ dạy lần lượt bảng 26 chữ cái tiếng Việt, các dấu, phụ âm ghép, cuối cùng là vần.
Với hơn 600 đơn đăng ký, Tiến chọn ra 145 người, chia vào 6 lớp và khai giảng vào đầu tháng 12/2020. Mỗi tuần, một lớp sẽ học một buổi, kéo dài hai tiếng do Tiến và bạn bè trực tiếp dạy. Với quan điểm không "cầm tay chỉ việc", Tiến xây dựng chương trình dựa trên việc gợi mở rồi để người học tìm hiểu. Nam sinh tận dụng các nguồn học liệu bằng tranh, ảnh, video để buổi học không nhàm chán.
Thời Tiến và một số học viên của VieTalk. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tiến kể, vui nhất là những tiết học xưng hô. Sở dĩ, tiếng Anh chỉ có hai đại từ nhân xưng là "I" và "you", còn trong tiếng Việt học viên phải làm quen với hàng chục cách xưng hô, tùy từng đối tượng và giữa hai miền Nam - Bắc của Việt Nam cũng có sự khác biệt trong một số ngôi, bậc. Lúc đầu, học viên thường xuyên nhầm lẫn, gọi "bà" xưng "em" hoặc gọi "thầy, cô" nhưng lại xưng "cháu".
Sau vài buổi luyện tập, học viên bắt đầu quen, gọi "thầy Tiến" và xưng tên mình một cách tự nhiên. "Em không yêu cầu mọi người gọi chúng em là thầy, cô, chỉ muốn giới thiệu cách xưng hô trong văn hóa học đường với mọi người nên khi được anh chị hơn tuổi gọi thầy Tiến, em hơi ngại nhưng cũng rất vui", Tiến kể.
Dịp Tết Nguyên đán, Tiến tổ chức nhiều hoạt động cho học viên được trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam. Chẳng hạn, Tiến đưa ra các từ như "chúc Tết", "thành công", "hạnh phúc", "may mắn", yêu cầu học viên ghép lại rồi dịch sang tiếng Anh. Ngoài ra, em cũng giới thiệu về tục lệ cúng ông Công ông Táo, tảo mộ, lì xì và mâm ngũ quả trong dịp Tết với mọi người.
Tiến thấy học viên có thái độ nghiêm túc và tiến bộ nhanh. Sau 10 tuần, đa số có thể đọc các âm, vần, biết xưng hô và dùng tiếng Việt trong hội thoại cơ bản.
Là học viên chăm chỉ của VieTalk, anh Toshi cho biết trước khi tham gia vào dự án chỉ có thể nói một số món ăn cơ bản như cơm tấm. Hiện, anh có thể giới thiệu rất nhiều về bản thân, gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, điểm mạnh và yếu. "Tôi thấy tự tin và có thể đến một cửa hàng Việt Nam, hỏi một số thứ", Toshi nói. Ngoài ngôn ngữ, anh cho biết còn được học thêm về văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Tết Nguyên đán. Anh bày tỏ hy vọng sẽ sớm được du lịch Việt Nam cùng bố mẹ và VieTalk có thể giúp đỡ nhiều người gốc Việt hơn.
Từ khi có VieTalk, Tiến phải "hy sinh" nhiều thời gian và thú vui cá nhân. Tiến ngủ ít hơn, hạn chế xem phim, đi chơi và lướt mạng xã hội để tập trung cho dự án. Trung bình mỗi ngày, Tiến dành 3 tiếng cho VieTalk, vừa dạy, chấm bài hoặc phản hồi thắc mắc của học viên. Tuy nhiên, nam sinh cho rằng sự hy sinh này hoàn toàn xứng đáng và hạnh phúc với việc đang làm. "Em có cơ hội gặp gỡ mọi người từ khắp nơi trên thế giới, lắng nghe những câu chuyện về tình yêu đất nước, con người Việt Nam của họ. Dù là người dạy nhưng em thấy mình cũng được học thêm về văn hóa bản địa tại quốc gia họ đang sống", Tiến nói.
Sắp tới, Thời Tiến dự định mở rộng quy mô của VieTalk, cả về đội ngũ giáo viên, nhân viên và người học. Em và cộng sự sẽ dạy thêm một khóa sơ cấp nữa, kéo dài 10 tuần, trước khi dạy khóa trung cấp cho những người có trình độ tiếng Việt cao hơn một chút. Một số học viên đề nghị ủng hộ tiền cho dự án, Tiến cho biết sẽ dùng tiền đó để duy trì, xây dựng website và mua bản quyền Zoom để lớp học ổn định, không bị gián đoạn. Em xác định, VieTalk luôn miễn phí và chào đón bất cứ ai dành tình yêu cho tiếng Việt.
Sau khi tốt nghiệp, Tiến khẳng định sẽ về Việt Nam làm việc, mong muốn đóng góp cho giáo dục trong và ngoài nước. "Em không coi VieTalk là công việc tình nguyện đơn thuần mà sẽ là đại sứ để giới thiệu Việt Nam với các nước bạn. Em hy vọng có thể tạo cộng đồng người Việt hoặc dành tình cảm cho Việt Nam trên toàn thế giới, mang Việt Nam đến gần hơn mọi người", Tiến chia sẻ.
Theo vnexpress