Bố mẹ hỏi bằng tiếng Việt, con trả lời bằng tiếng nước ngoài

-Ông có thể cho biết về thực trạng tiếng Việt và tiếng nước ngoài trong các gia đình Việt ở xa Tổ quốc?

Có gần 10 năm sống ở châu Âu, bên cạnh bà con Việt kiều, tôi rất hiểu nỗi khổ tâm, day dứt của ông bà, bố mẹ khi con cháu họ không nói được tiếng Việt. Tình huống rất thường xuyên xảy ra trong một gia đình người Việt là bố mẹ hỏi con bằng tiếng Việt các con trả lời bằng tiếng nước ngoài.

Các em hiểu nhưng vì không được học tiếng Việt đến nơi đến chốn, phát âm có đôi phần ngọng nghịu, nên tâm lý chung là ngượng ngập khi phải nói một thứ tiếng Việt không chuẩn. Khi các em không chịu nói thì sẽ không tạo được một cộng đồng sử dụng tiếng Việt bền vững.

- Ông cảm nhận như thế nào về việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

Cảm xúc đối với tiếng mẹ đẻ ở nơi xa xôi Tổ quốc thật là mạnh mẽ. Ở trong nước có thể chúng ta không cảm nhận hết. Tuy nhiên, khi chúng ta ra nước ngoài, đến đâu mà thấy cộng đồng người Việt chỉ nói tiếng nước ngoài thì cảm thấy thật lạnh lẽo, xa lạ; Còn ở đâu mà cộng đồng bà con ta nói tiếng Việt thì như thấy quê hương, Tổ quốc hiển hiện nơi đây. Vào một gia đình có các thế hệ đều nói tiếng Việt thì thấy thật ấm lòng, xúc động.

Không phải là bà con ta không muốn cho con em mình học tiếng Việt, nhưng những điều kiện khách quan và chủ quan cụ thể đặt ra rất nhiều khó khăn cho các vị phụ huynh.

Để con em Kiều bào học tiếng Việt mọi nơi mọi lúc bằng hình thức trực tuyến
PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

-Có nhiều hoạt động tôn vinh tiếng Việt sau 1 năm triển khai Đề án Tôn vinh ngày tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đánh giá của ông về các hoạt động này như thế nào?

Kết nối các hoạt động tôn vinh ở các nước sở tại, thúc đẩy hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam ở tại các địa bàn là một hướng đi tích cực, phù hợp. Đồng thời là giải pháp hiệu quả góp phần hướng bà con ta ở nước ngoài về với Tổ quốc, giữ gìn hồn cốt, truyền thống dân tộc, là cách làm sáng tạo hỗ trợ kiều bào ta, nhất là các thế hệ trẻ, gìn giữ, bảo tồn và phát triển tiếng mẹ đẻ trong bối cảnh mới, trong điều kiện mới tại các nước sở tại.

Đây là một công việc lâu dài, liên tục, đòi hỏi sự chung tay góp sức của nhiều lực lượng trong xã hội, trong và ngoài nước, sự quan tâm vào cuộc cao của lãnh đạo các ban ngành và người dân trong nước cũng như các Hội-Đoàn người Việt ở ngoài nước.

 

 

Trong những năm qua, sự nỗ lực bền bỉ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNNVNVNONN) - Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ cộng đồng người Việt ở nước ngoài dạy và học tiếng Việt là rất lớn, mang lại những kết quả thực tế được kiều bào đánh giá cao.

-Xin ông cho biết cụ thể hơn các hoạt động tôn vinh tiếng Việt?

Bộ GD-ĐT cũng có những hướng đi cụ thể, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao.

Một trong những giải pháp được Ủy ban đề ra và triển khai rất hiệu quả đó là thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các liên hoan (festival), các cuộc thi tiếng Việt, từ thi hùng biện, thi đọc thơ, thi viết, viết văn, viết truyện ngắn, thi làm thơ, thi làm clip... đến những hoạt động nghệ thuật, ca hát, ngâm thơ, đặt lời tiếng Việt cho các ca khúc nước ngoài, sáng tác ca khúc, viết kịch bản bằng tiếng Việt...

Các hoạt động này đã tạo nên cảm xúc mới, làn sóng mới, nét đẹp mới trong Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hướng về cội nguồn, nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy và tôn vinh tiếng Việt.

Bản thân Ủy ban NNVNVNONN, ngoài việc ra chủ trương, định hướng, hỗ trợ hiệu quả bà con ở ngoài nước triển khai các hoạt động này, đã trực tiếp tổ chức các hoạt động tôn vinh đa dạng, thu hút được đông đảo bà con, nhất là thế hệ trẻ, tham gia vào các hoạt động này.

Để con em Kiều bào học tiếng Việt mọi nơi mọi lúc bằng hình thức trực tuyến
PGS.TS Nguyễn Lân Trung làm Trưởng ban giám khảo cuộc thi tiếng Việt tại Đài Loan vào tháng 8/2023.

Học tiếng Việt trực tuyến

-Với vai trò là Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư kí Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, theo ông trong thời gian sắp tới cần làm gì để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát triển tiếng Việt?

Tôi gặp phụ huynh bên Nhật, họ nói: Con cháu chúng tôi ít thời gian lắm, đầu tiên là phải học tiếng Nhật, và nếu còn thời gian thì phải trau dồi tiếng Anh, còn đâu thời gian đi đến các lớp tiếng Việt!

Thế nên chúng tôi muốn có được những công cụ phù hợp hơn, hiệu quả hơn để dạy và học tiếng Việt không phải chỉ là các bản sách cứng, lúc nào cũng phải học tập trung thành lớp.

Ở Thái Lan, các anh chị trong Hội kiều bào đưa tôi đến cơ sở dạy tiếng Việt, đúng là trong kho chứa hàng chồng sách học tiếng Việt mà không có người sử dụng.

Kiều bào ta mong muốn, bên cạnh sách và lớp học truyền thống, có được học liệu điện tử, trực tuyến để các cháu có thể tự học, để phụ huynh có thể giúp các cháu thực hành tiếng Việt mọi nơi mọi lúc, lúc rỗi rãi ở nhà, trong bữa ăn, lúc đi nghỉ, đi chơi... lúc đó các cháu dễ dàng tiếp thu.

-Ông có thể cho biết thêm những khó khăn, thách thức trong dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài?

Bà con ta ở nước ngoài, với các điều kiện sinh sống và làm ăn đa dạng, cũng muốn việc tiếp xúc và học tiếng Việt cần có nhiều hình thức hơn, loại hình phong phú hơn nữa, các cách tiếp cận tự nhiên hơn, lôi cuốn hơn, giàu cảm xúc hơn, kể cả các cuộc thi, các hoạt động văn hóa nghệ thuật có sử dụng tiếng Việt... để tạo động lực đến với tiếng Việt, nhất là đối với các em nhỏ, từ đó cảm thấy yêu tiếng Việt hơn, muốn học và thực hành tiếng Việt hơn.

Những phân tích trên đây cho thấy việc xây dựng các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt Nam tại các địa bàn là vô cùng quan trọng nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức.

Về phần mình, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, trong những năm qua đã có những đóng góp nhất định, sát cánh cùng các lực lượng trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh và tạo điều kiện thuận lợi nhất về chuyên môn cũng như về truyền thông để phát triển mạnh mẽ hơn nữa việc dạy và học tiếng Việt trong Cộng đồng kiều bào.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các ban ngành, các tổ chức trong và ngoài nước, để đẩy mạnh hơn nữa công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát triểng tiếng Việt thân thương của chúng ta.

Theo thoidai