leftcenterrightdel
Các đại biểu trình bày tham luận về gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. (Ảnh: Nguyễn Hồng) 

Chiều 22/8, trong khuôn khổ Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần thứ 4 đã diễn ra phiên chuyên đề "Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”.

Tại buổi chuyên đề, các tham luận và ý kiến đã khẳng định Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị là nền tảng và kim chỉ nam cho công tác hỗ trợ cộng đồng NVNONN, nhất là trong lĩnh vực gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc và tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Giữ gìn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hoá Việt Nam

Thời gian qua, việc duy trì, phát huy tiếng Việt và bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng người NVNONN luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và được khẳng định thành chủ trương trong các văn bản chỉ đạo như Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc”.

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng được coi trọng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật không ngừng được đẩy mạnh, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước Việt Nam với thế giới, đồng thời tạo sự gắn kết giữa bạn bè quốc tế, cũng như cộng đồng NVNONN với quê hương, đất nước.

Đối với cộng đồng NVNONN, văn hóa có ý nghĩa quan trọng vì nó tạo ra bản sắc riêng, phân biệt với những cộng đồng nhập cư khác. Việc giữ gìn, bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc có mục tiêu kép, vừa vì lợi ích cộng đồng và sự gắn kết với quê hương, đất nước, vừa quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

leftcenterrightdel
Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Trần Nhất Hoàng trình bày tại chuyên đề “Kiều bào - Sứ giả văn hóa và ngôn ngữ Việt”. (Ảnh: Nguyễn Hồng) 

Về mặt chính sách, các cơ quan hữu quan, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành nhiều giải pháp, đưa vào triển khai và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Theo đó, trong lĩnh vực văn hóa, Bộ VHTTDL đã có “Hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động của tủ sách tiếng Việt, góc Việt Nam, thư viện Việt Nam tại cộng đồng NVNONN” và Kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là các Tuần/Ngày Văn hóa Việt Nam, kỷ niệm các năm tròn, năm chẵn quan hệ ngoại giao Việt Nam với các nước…Kiều bào được tạo điều kiện thuận lợi về nước tham gia sáng tác, giảng dạy, làm phim, biểu diễn nghệ thuật trong các chương trình văn hóa, nghệ thuật…

Duy trì và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN

Xác định tiếng Việt là “phương tiện” kết nối với quê hương và là cầu nối giữa các thế hệ, giúp những người sống xa quê hương vẫn có thể duy trì liên kết với nền văn hóa và bản sắc dân tộc, nhiều bộ, ban ngành, các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài cũng đẩy mạnh việc dạy học tiếng Việt cho kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trong dạy và học tiếng Việt, Bộ GD-ĐT đã phát hành 2 bộ sách song ngữ dạy tiếng Việt là Tiếng Việt vui và Quê Việt. Bộ GD-ĐT và Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho giáo viên và tình nguyện viên, đến nay đã có hơn 600 người được tập huấn.

Đài Truyền hình Việt Nam đã sản xuất và phát sóng chương trình Xin chào Việt Nam với 36 chương trình/năm, tiếp đó chương trình Chào tiếng Việt, phát sóng hàng tuần trên kênh VTV4 và nền tảng số.

Bộ Ngoại giao đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 – 2030” vào tháng 8/2022.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan, hội đoàn tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng, trong đó có chương trình tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài, bước đầu đã thu hút được sự tham gia tích cực của kiều bào.

leftcenterrightdel
Buổi chuyên đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp của kiều bào. (Ảnh: Nguyễn Hồng) 

Trong cộng đồng NVNONN, tại nhiều địa bàn, các hội đoàn rất tích cực hoạt động và đạt được những kết quả nhất định, với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo bà con kiều bào và người dân sở tại. Trong khả năng của mình, nhiều kiều bào đã phát huy tốt vai trò cầu nối, sứ giả văn hóa Việt Nam, không ngừng nỗ lực quảng bá nét đẹp văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Công tác giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN đạt được những tiến bộ nhất định, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ ngày càng hiệu quả của các cơ quan trong nước, còn nhờ tới sự tận tâm, giàu nhiệt huyết của nhiều kiều bào và hội đoàn.

Tuy nhiên, cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu kinh phí tổ chức, thiếu cơ sở vật chất và phương tiện, thiếu nguồn lực chuyên môn. Các hoạt động chưa thực sự có chiều sâu, khoảng cách địa lý và cộng đồng sống phân tán gây khó khăn cho việc tổ chức hoạt động và quy tụ.

Ngoài ra, khó khăn còn đến từ sự suy giảm ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống ở giới trẻ, hay đến từ sự tương đồng văn hóa với một số cộng đồng người nhập cư châu Á khác. Việc dạy và học tiếng Việt vẫn còn gặp những khó khăn do thiếu tài liệu giảng dạy phù hợp và sự cạnh tranh từ ngôn ngữ chính tại nơi cư trú.

Tại phiên chuyên đề, các kiều bào đã nêu kiến nghị tập trung vào việc đề nghị có sự hỗ trợ về tài chính từ trong nước (Nhà nước hoặc các quỹ, hội về bảo tồn văn hóa truyền thống ở Việt Nam) để cộng đồng NVONN có thể xây dựng và tổ chức các chương trình về văn hóa Việt Nam chất lượng hơn, đều đặn hơn.

Các hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống có thể làm theo tính chất tổng hợp, lồng ghép cả quảng bá du lịch, nông sản… để mang lại hiệu quả nhất. Về việc dạy và học tiếng Việt, có thể tham khảo kinh nghiệm của các trường song ngữ dạy tiếng Việt trong việc kết hợp giữa dạy lý thuyết và thực tế, học trên lớp với trải nghiệm, đa dạng hóa các hình thức dạy và học.

Trong thời gian tới, tiếp tục bồi dưỡng giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt, tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình dạy trực tuyến và trên truyền hình, áp dụng những thành tựu công nghệ vào dạy và học. Hoàn thiện chính sách, có hình thức động viên, khuyến khích giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Đảm bảo tính chuẩn mực và linh hoạt của hệ thống học liệu và tài liệu giảng dạy. Tiếp tục xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hoá Việt Nam tại các nước.

Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 – 2030” cần được quảng bá sâu rộng, có nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo sự lan tỏa và hấp dẫn để ngày càng có nhiều người tham gia.

Theo baoquocte