leftcenterrightdel
Cô Trần Thị Út, giáo viên dạy môn Tiếng Việt, Trường THPT Hữu Nghị Lào - Việt Nam, tỉnh Savannakhet cùng học sinh của mình. Ảnh: NVCC 

Các cơ sở này đón nhận 45.000 lưu học sinh (LHS) nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam chủ yếu là trình độ đại học và các khóa ngắn hạn.

Hỗ trợ lưu học sinh

Vốn thích học tiếng Việt, sau khi tốt nghiệp THPT, cô Phouvilay Phimvongsa (công tác tại Trung tâm Tiếng Việt tỉnh Savannaket, Sở giáo dục và thể thao tỉnh Savannaket, Lào) đã chọn chuyên ngành tiếng Việt. Theo đó, để có cơ hội nghiên cứu sâu về ngành học này, cô Phouvilay Phimvongsa quyết định sang Việt Nam du học tại khoa Tiếng Việt của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Năm 2010 tốt nghiệp đại học, cô trở về Lào công tác tại Trung tâm Tiếng Việt tỉnh Savannaket. Sau nhiều năm giảng dạy, cô nhận thấy khó khăn lớn nhất của người Lào khi học tiếng Việt là phát âm, đặc biệt những âm chứa “dấu ngã và hỏi”. Để hỗ trợ học viên khắc phục điểm yếu, cô Phouvilay Phimvongsa ngoài dạy trên lớp đã thành lập các nhóm học qua mạng. Học viên theo học có thể đưa ra câu hỏi, chia sẻ những vướng mắc trong quá trình học.

Ngoài giáo trình Quê Việt dùng làm tài liệu học tập, trong các buổi học, cô Phouvilay Phimvongsa còn giới thiệu về nền văn hóa, con người Việt Nam theo từng chủ đề. Với chủ đề ẩm thực, cô thường tổ chức hoạt động ngoại khóa làm món ăn truyền thống của người Việt như: Nem rán, bún chả, bún đậu mắm tôm…. Các nhóm sau khi hoàn thành món ăn sẽ dùng tiếng Việt để thuyết trình. Hay chủ đề Tết, học viên sẽ tìm hiểu Tết cổ truyền của Việt Nam và Tết ở Lào, từ đó có sự so sánh và trình bày những điểm khác nhau.

“Hai năm qua, dù đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng nhu cầu học tiếng Việt ở Lào vẫn rất lớn. Vì vậy, trung tâm đã duy trì các khóa học bằng hình thức trực tuyến. Học viên theo học tiếng Việt tại Trung tâm sau 130 tiết học sẽ tự giới thiệu được bản thân, công việc, sở thích và giao tiếp cơ bản”, cô Phouvilay Phimvongsa chia sẻ đồng thời cho biết: Hằng năm, Trung tâm Tiếng Việt tỉnh Savannaket có khoảng 300 học viên tham gia học tiếng Việt. Đa phần học viên học để phục vụ nhu cầu sang Việt Nam du học, làm nghiên cứu sinh hoặc thành thạo tiếng Việt sẽ thuận lợi cho việc công việc kinh doanh, buôn bán với đối tác là người Việt Nam.

leftcenterrightdel
Học sinh Trường THPT Hữu Nghị Lào - Việt Nam, tỉnh Savannakhet viết tiếng Việt. Ảnh: NVCC 

Sợi dây lưu giữ cội nguồn

“Khi học tiếng Việt, tôi cảm nhận được những âm trầm, bổng như một bài hát vậy. Bên cạnh đó, tiếng Việt rất cần thiết với người dân Lào trong quá trình giao thương, buôn bán phát triển kinh tế, đó cũng là một động lực thúc đẩy tôi học tiếng Việt”, cô Phouvilay Phimvongsa chia sẻ.

Cô Trần Thị Út (giáo viên dạy môn tiếng Việt ở Trường THPT Hữu Nghị Lào - Việt Nam, tỉnh Savannakhet) sinh ra và lớn lên ở Lào. Bố mẹ làm nghề kinh doanh, vì vậy tuổi thơ của cô gắn bó với bà ngoại. “Dù sống ở Lào nhiều năm nhưng trong tim bà luôn nhớ về quê hương. Vì vậy, bà dạy tiếng Việt cho con cháu để không quên cội nguồn”, cô Út kể.

Khi cô Út lên lớp 3, bà qua đời, việc giao tiếp, học tiếng Việt bị hạn chế dù bản thân luôn mong muốn được học và hiểu hơn về tiếng Việt. Rất may, một lần theo chị đi chơi, cô Út phát hiện gần nơi mình sống có ngôi chùa của người Việt. “Để có cơ hội học tiếng Việt, tôi thường xuyên đến chùa nghe các sư cô tụng kinh bằng tiếng Việt; học thêm tiếng Việt từ nhà sư”, cô Út nhớ lại.

Nghe, giao tiếp nhiều cô Út cảm nhận được cái hay, giá trị của tiếng mẹ đẻ và nguyện gắn bó lâu dài. Tốt nghiệp THPT, cô đăng ký học ngành Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên.

Kết thúc 5 năm học đại học ở Việt Nam, cô trở về Lào giảng dạy môn tiếng Việt tại Trường THPT Hữu nghị Lào - Việt Nam. Trường cô công tác, học sinh học tiếng Việt không chỉ là Việt kiều mà cả học sinh Lào. Do vậy, để học trò hứng thú với môn học, trước mỗi tiết học, cô giáo trẻ dành 5 đến 7 phút mở bài nhạc trẻ hoặc dân ca bằng tiếng Việt. Có hôm, cô sử dụng video giới thiệu về con người văn hóa Việt Nam, phim hoạt hình Việt Nam để khởi động trước khi bước vào bài học.

“Quá trình dạy học, giáo viên hạn chế sử dụng những từ khó với học sinh; khi dạy từ mới sẽ nhấn mạnh, nhắc lại từ đó nhiều lần trong tiết học. Nếu em nào không hiểu, tôi sẽ dùng cử chỉ, hành động để diễn đạt”, cô Út kể.

Tại Trường THPT Hữu Nghị Lào -Việt Nam, mỗi tuần học sinh lớp 1 và lớp 2 được học 10 tiết tiếng Việt. Học sinh lớp 3, 4, 5 học 6 tiết. Ngoài giờ học trên lớp, nhà trường còn tổ chức chương trình “Tôi yêu tiếng Việt”. Học sinh thi theo từng khối lớp. “Cuộc thi là cơ hội để học sinh được vận dụng kiến thức của mình vào thực tế, đồng thời có thêm cơ hội để giao tiếp với nhau và kích thích hứng thú học tiếng Việt trong các em nhiều hơn”, cô Út nói.

Theo chia sẻ của Anna Chanthana - nữ sinh người Lào, đang học ngành Y đa khoa, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Trước khi sang Việt Nam du học, em được học tiếng Việt 9 tháng tại Trung tâm Tiếng Việt tỉnh Savannaket (Lào). Ngoài học ngữ pháp tiếng Việt em cũng được thầy cô rèn luyện 4 kỹ năng nghe – nói - đọc - viết, văn hóa của Việt Nam. Hoàn thành khóa học, em thi để lấy chứng chỉ trước khi sang Việt Nam du học. Nhờ học tiếng Việt ở Lào nên em không phải học một năm dự bị đại học. Bên cạnh đó, khi đã biết tiếng Việt và thành thạo 4 kỹ năng, em rất thuận lợi trong quá trình nghiên cứu giáo trình, giao tiếp, tương tác với thầy cô và bạn bè. Em cũng hiểu được một phần văn hóa của người Việt nên không bỡ ngỡ hay sốc văn hóa khi thay đổi môi trường học tập và sinh sống. 

Theo GD&TĐ