leftcenterrightdel
Phụ huynh nên thường xuyên đọc sách tiếng Việt cho con nghe. Ảnh: NVCC 

Vì nhiều lý do, tiếng Việt dần bị mai một, đặc biệt với trẻ nhỏ. Do vậy, ngoài nỗ lực mỗi gia đình, nhu cầu được học tiếng Việt bài bản rất lớn.

Giữ “gốc” cho con

Anh Trần Viết Linh (sinh sống ở thành phố Seoul, Hàn Quốc) chia sẻ, cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc phát triển mạnh với nhiều hoạt động. Tuy nhiên, do khoảng cách địa lý, công việc nên không phải ai cũng tham gia thường xuyên nên dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ, hầu hết gia đình đều tự dạy và vợ chồng anh Linh cũng vậy.

Theo đó, anh Linh đưa ra nguyên tắc, khi ở nhà, các thành viên sẽ giao tiếp, trò chuyện bằng tiếng Việt. Ngoài ra, để kích thích tình yêu tiếng mẹ đẻ, giúp trẻ hiểu văn hóa cội nguồn, anh Linh và vợ thường xuyên đọc sách tiếng Việt cho con nghe.

“Học tiếng Việt hay bất kỳ ngôn ngữ nào cũng cần rèn kỹ năng nghe. Theo đó, từ khi con còn nhỏ, tôi đã đọc truyện bằng tiếng Việt để con cảm nhận được ngữ điệu, cách phát âm. Nhờ thói quen đó, hiện các cháu giao tiếp tiếng Việt với bố mẹ khá thành thạo”, anh Linh chia sẻ.

Cũng như bao thế hệ sinh ra ở nước ngoài, con anh Linh chịu thiệt thòi khi đi học mẫu giáo không được học và nói tiếng mẹ đẻ. Nếu ở nhà bố mẹ lơ là, không dành thời gian để nói chuyện bằng tiếng Việt thì về lâu dài con sẽ chỉ giao tiếp với mình tiếng nước bản địa. Chia sẻ điều này, anh Linh nhấn mạnh: Muốn trẻ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, gia đình là trường học đầu tiên thông qua việc tạo môi trường để rèn luyện.

Sinh sống tại Nhật Bản, chị Phan Phương Thúy chia sẻ: Nhiều gia đình muốn giữ tiếng mẹ đẻ cho con. Vì vậy, họ đã nhờ người thân gửi SGK tiếng Việt sang Nhật Bản để họ tự dạy và gia đình chị cũng vậy.

Để rèn luyện kỹ năng nói tiếng Việt cho con, chị Thúy cũng đặt ra quy định khi về nhà phải giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Trong quá trình nói chuyện, thành viên nào nói tiếng Nhật sẽ nói lại câu đó bằng tiếng Việt. Nhờ vậy dù mới 6 tuổi nhưng khả năng giao tiếp tiếng Việt của trẻ khá lưu loát, có thể đọc được các bài tập đọc trong SGK. “Chữ viết dẫu không đẹp nhưng con cũng đã quen tay”, chị Thúy nói thêm.

leftcenterrightdel
 Chị Thúy cùng con trai 6 tuổi của mình. Ảnh: NVCC

Mỗi nhà một cách

Trước đó, để kích thích con học tiếng Việt, chị Thúy và nhiều gia đình nữa đến cuối tuần lại tổ chức gặp mặt. Tại đây, ngoài tăng cường giao tiếp, trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ, các mẹ sẽ thay nhau dạy tiếng Việt cho trẻ.

“Tuy nhiên, chúng tôi không duy trì được thường xuyên và lâu dài, bởi công việc bận rộn, không sắp xếp được thời gian. Theo đó, con lên ba tuổi tôi đã tự dạy cách tập đọc chữ cái, tập tô chữ. Đến 6 tuổi, tôi sử dụng SGK tiếng Việt bộ Cánh diều để dạy con tập đọc, đánh vần”, chị Thúy chia sẻ.

Tại Hàn Quốc, không chỉ tạo môi trường học trong gia đình, hàng tháng, gia đình anh Linh cùng nhiều đôi vợ chồng trẻ người Việt đang sinh sống, làm việc ở thành phố Seoul sẽ tổ chức gặp mặt. “Lúc này, con có cơ hội giao tiếp, trò chuyện bằng tiếng Việt với bạn bè cùng trang lứa. Còn bố mẹ chia sẻ với nhau cách dạy, trao đổi sách mình có”, anh Linh nói.

Sống tại thành phố Fukuoka, tỉnh Fukuoka (miền Nam Nhật Bản), anh Nguyễn Quốc Vũ kích thích việc sử dụng tiếng Việt bằng cách cùng con làm việc nhà, học bài hay đi dạo vào cuối tuần. “Khi không hiểu điều bố muốn nói, cháu sẽ dừng lại, gãi đầu. Lúc đó, tôi sẽ nhắc lại nhiều lần hoặc dùng hành động để miêu tả”, anh Vũ kể và chia sẻ: Gia đình thường xuyên tham gia hoạt động do hội đồng hương người Việt tổ chức; tìm lớp học dạy tiếng Việt trực tuyến cho con học.

Theo chia sẻ của nhiều người, không chỉ người Việt có nhu cầu học tiếng Việt mà người bản sứ cũng có nhu cầu. Chị Trương Thị Hảo (nghiên cứu sinh ngành Giáo dục và Sư phạm, ĐH Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va, Liên bang Nga) lúc ở trong nước đã hứng thú khi nhiều người nước ngoài đến làm việc và sinh sống ở Việt Nam muốn học tiếng Việt.

Từ thực tế đó, chị Hảo tự đặt câu hỏi “mình là người Việt ở nước ngoài tại sao không giới thiệu tiếng Việt đến với cộng đồng người Việt, bạn bè quốc tế”. Do vậy, trong quá trình học tập, sinh sống tại Nga, chị Hảo thường xuyên giới thiệu về quê hương, tiếng Việt cho bạn bè là du học sinh các nước.

“Khi những người bạn nước ngoài hay người Việt Nam ở nước Nga có nhu cầu học tiếng Việt, tôi luôn sẵn lòng chia sẻ, hướng dẫn họ tận tình. Bên cạnh đó, Nga là đất nước có nhiều kiều bào. Họ rất coi trọng văn hóa Việt Nam vì vậy nhu cầu học tiếng Việt rất lớn, sẵn sàng đầu tư cho con học để gìn giữ cội nguồn nên khi có điều kiện, bản thân sẵn sàng giúp đỡ”, chị Hảo cho biết thêm.

“Điểm chung của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đều lười giao tiếp vì tiếng Việt khó. Con tôi cũng từng như vậy. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm bản thân, sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với bố mẹ hay trẻ có hứng thú học hay không phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố gia đình. Hiểu được tầm quan trọng của tiếng Việt, cha mẹ sẽ có cách tạo môi trường, kích thích sự hứng thú ngôn ngữ mẹ đẻ cho con thay vì bắt ép”, chị Phan Phương Thúy chia sẻ.

Theo GD&TĐ