leftcenterrightdel
 Nhà văn Kiều Bích Hương (bên trái) tại chương trình Tết Việt tại Bỉ. (Ảnh: NVCC)

Ngôn ngữ của hạnh phúc

Nhà văn Kiều Bích Hương, chủ kênh Kênh Việt Happiness station tại Bỉ:

Đối với tôi, dù có biết thêm bao ngôn ngữ thì từ trong sâu thẳm, ngôn ngữ vang lên vẫn là tiếng Việt bởi tôi có thể hiểu và thấm nó nhất. Sinh sống ở nước ngoài, mỗi khi được giao tiếp bằng tiếng Việt, chúng tôi cảm thấy nó rất thân thương và ý nghĩa.

Cũng vì lý do này mà chúng tôi đã thống nhất cùng gọi kênh Việt là “Trạm hạnh phúc” - nơi để mọi người cùng chia sẻ, giãi bày, trao nhau những kinh nghiệm và niềm vui trong cuộc sống thông qua tiếng Việt.

Họ là bác sĩ thú y ở Bỉ, nhân viên bán hàng ở Scotland, người kinh doanh ở Anh và Ba Lan, giáo viên tại Thái Lan, học sinh trung học từ Czech, cô chủ tiệm móng ở Đức, một dịch giả tại Pháp, bà nội trợ ở Italy... Sự đa giọng điệu này khiến các podcast trên kênh có nhiều cảm xúc hơn, khoảng cách địa lý ngắn lại khi người nghe dễ dàng tiếp cận trên nền tảng Facebook, Spotify, YouTube...

Nỗi sợ quên tiếng mẹ đẻ

Anh Đặng Xuân Lộc, doanh nhân Việt kiều tại Romania:

Tôi sang Romania từ năm 1994, lúc đó thông tin liên lạc về quê nhà rất khó khăn nên tôi gần như không có cơ hội nói tiếng Việt. Bởi vậy, khả năng nói tiếng Việt của tôi ngày càng kém đi, nhiều khi thấy rất tủi thân vì sợ quên mất tiếng mẹ đẻ.

Phải 14 năm sau, tôi mới có dịp trở lại quê hương. Tuy nhiên, khi về thăm gia đình, nghe người thân nói tiếng Việt, tôi gần như chỉ có thể hiểu chứ không có khả năng giao tiếp, không thể hiện được tình cảm dành cho họ. Điều này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và luôn đau đáu với câu hỏi phải làm sao để sau này có thể dạy tiếng Việt cho con mình.

leftcenterrightdel
 Khai giảng lớp học Hè tiếng Việt năm 2023 tại Romania. (Nguồn: Hội người Việt Nam tại Romania)

Trở lại Romania, tôi quyết tâm rèn luyện và trau dồi tiếng Việt để có thể tự tin giao tiếp và truyền cảm hứng cho con mình, cùng những người bạn Romania quan tâm đến văn hoá và đất nước Việt Nam.

Tôi cho rằng, việc tổ chức Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (8/9) hằng năm là một sự kiện rất có ý nghĩa cho việc nâng cao ý thức gìn giữ và tôn vinh giá trị của tiếng mẹ đẻ với cộng đồng. Đây là thông điệp ý nghĩa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chung tay tổ chức thêm nhiều các hoạt động thiết thực và hiệu quả.

Tiếng mẹ đẻ chính là cội nguồn, gốc rễ

TS. Trần Hồng Vân, Đại học Charles Sturt, Australia:

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh về ngôn ngữ ở trường Đại học Wollongong, Australia (2007-2011), tôi thường xuyên nghe hai con nhỏ của mình nói chuyện với nhau kiểu “ba rọi”, như “Em cứ cầm cái pencil knock vào head con”, hay “Mẹ don’t listen to anh Tôm, anh’s nói dối ing”. Dần dần, chị cảm nhận được tính nghiêm trọng của vấn đề.

Bạn có thể để mặc con muốn “ba rọi” hay muốn dùng hoàn toàn tiếng Anh trong gia đình cũng được, miễn là đến trường con nói được tiếng Anh, để không thua kém bạn bè. Song, thực chất là bạn đang vô tình làm mất đi năng lực song ngữ của con, bỏ rơi nhiều lợi ích của việc giữ tiếng mẹ đẻ khi sinh sống ở nước ngoài.

leftcenterrightdel
 TS. Trần Hồng Vân, Đại học Charles Sturt, Australia. (Ảnh: NVCC)

Bởi vậy, giữ được tiếng mẹ đẻ với những ai sinh sống ở nước ngoài còn có nghĩa là giữ được bản dạng của mình. Những đứa trẻ gốc Việt lớn lên ở nước ngoài sẽ có lúc tự hỏi mình là ai, mình thuộc về đâu.

Giữ tiếng Việt không đơn thuần là nói thêm một ngôn ngữ mà còn giúp mỗi đứa trẻ hiểu được cội nguồn, gốc rễ của mình và không bị chông chênh khi lớn lên. Ngoài ra, giữ tiếng Việt cũng giúp gắn kết bố mẹ với con cái, con cháu với ông bà, người thân ở Việt Nam.

Nguồn tài nguyên cho trẻ em

Cô Phạm Phi Hải Yến, sáng lập lớp học “Líu lo tiếng Việt” tại Nhật Bản:

Tôi tin rằng, dù sống ở bất kỳ quốc gia hay lãnh thổ nào trên thế giới, con trẻ cũng đều có quyền được học tập và duy trì tiếng mẹ đẻ.

Lớp học ra đời chính là để cùng với phụ huynh gìn giữ nguồn “tài nguyên” ngôn ngữ cho trẻ em, bởi lẽ nó đẹp và đáng trân quý.

Khi hình dung đến hình ảnh con trẻ tíu tít nói cười, chuyện trò cùng với bố mẹ về những thứ trên trời dưới đất, ta thấy giống như hình ảnh chú chim xanh líu lo vui tươi cất vang tiếng hót, không có gì đáng yêu hơn. Tiếng hót ấy sẽ vẫy gọi đàn chim xa đến, cùng hòa nên một khúc ca rộn rã, tưng bừng mỗi sớm mai.

leftcenterrightdel
 Cô Phạm Phi Hải Yến với dự án của lớp học "Líu lo tiếng Việt". (Ảnh: NVCC)

Cái tên “Líu lo tiếng Việt” đã ra đời như thế. Đó là cái tên gửi gắm ước mong trẻ em gốc Việt tại Nhật có thể sử dụng tiếng Việt một cách lưu loát, có thể tự tin líu lo cùng với bố mẹ, ông bà và cộng đồng người Việt trong quãng đường con lớn lên”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài:

"Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam nước ngoài là Đề án mang tính đột phá, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tiếng Việt. Việc triển khai Đề án trong năm 2023 với những hoạt động thiết thực đã ghi nhận kết quả tích cực, đặt nền móng triển khai hoạt động các năm tiếp theo.

Điều vui mừng trước hết là việc triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt năm 2023 của Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của các bộ, ban, ngành trong nước, các cơ quan đại diện NVNONN, các hội đoàn, cá nhân người Việt Nam ở khắp các châu lục.

Có thể thấy rằng, các hoạt động phong phú này đã tạo được sân chơi, môi trường giao lưu cho bà con kiều bào; tạo cơ hội nâng cao năng lực tiếng Việt, đặc biệt với thế hệ trẻ sinh ra ở nước ngoài; đồng thời, khích lệ lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc thông qua việc kết nối mạng lưới hội đoàn kiều bào, qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc".

Theo baoquocte