leftcenterrightdel
Ngay khi tốt nghiệp thầy Phương đã chọn cho mình cuộc sống xa nhà. - NVCC 

Cuộc sống trên đất Lào

Tốt nghiệp Trường đại học Phú Xuân (TP.Huế), năm 2011 khi vừa ra trường thầy giáo Trương Văn Phương (35 tuổi, xã Sơn Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình) biết được Sở GD-ĐT tỉnh đang tuyển giáo viên dạy tiếng Việt, đưa sang Lào giảng dạy cho cộng đồng người Việt sinh sống tại đất nước này, thầy Phương không ngần ngại đăng ký tham gia.

Được cảnh báo trong vòng ứng tuyển sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi sang Lào giảng dạy, nhưng với sức trẻ và sự động viên của gia đình, thầy Phương vững tâm, khăn gói sang Lào. Tại nước bạn, thầy Phương công tác tại Trường tiểu học Thống Nhất (Thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn) - một trường học dành cho Cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Lào.

“Khi tìm hiểu về chương trình này, tôi vẫn đắn đo khi biết cuộc sống xa nhà chưa bao giờ là dễ. Nhưng được bố động viên tôi mạnh mẽ thử thách, tôi có thêm động lực. Thời gian đầu sang Lào, tôi gặp rất nhiều khó khăn từ ngôn ngữ cho đến văn hóa. Nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi đã cố gắng để sớm hòa nhập với họ”, thầy Phương kể lại.

Trước giờ lên lớp, thầy Phương thường đến hỏi các thầy cô giáo đã công tác lâu năm, hỏi han hôm nay bài giảng của mình có những vấn đề gì cần đặt ra với học trò, cách đặt vấn đề đó bằng tiếng Lào như thế nào, rồi ghi chép lại để dễ dàng trao đổi với học sinh.

leftcenterrightdel
Thầy Phương luôn nỗ lực tìm cách để các em học sinh có thể tiếp thu được nhiều kiến thức. - NVCC 

Thầy Phương không ngại tham gia các lễ hội, tập sống theo phong tục của người Lào để hiểu hơn về họ. Thầy giáo trẻ cũng rất ấn tượng về phong tục tát nước đón tết của người Lào.

“Tôi bị cảm hàn nặng sau năm đầu tiên tham gia đón tết theo phong tục của người Lào. Ốm đau ở một vùng đất lạ thường gặp phải áp lực tinh thần rất lớn. Nhưng may mắn thay, tôi nhận được sự quan tâm của bà con, họ hỏi thăm, mua thuốc mua bánh khiến tôi rất cảm động. Người Lào sống rất tình cảm và tôi thực sự thích cuộc sống nơi đây!”, thầy Phương chia sẻ.

Nỗ lực truyền cảm hứng học tiếng Việt

Theo thầy Phương, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một chương trình, sách giáo khoa cụ thể về tiếng Việt được đưa ra giảng dạy tại Lào. Chương trình mà các em học sinh ở đây được học được lấy từ sách giáo khoa, đang ứng dụng ở Việt Nam, nên trong quá trình dạy phải lồng ghép thêm hình ảnh, âm thanh để các em dễ hiểu.

Bên cạnh giảng dạy chuyên môn thầy Phương còn dành nhiều thời gian để kể lại những câu chuyện lịch sử, văn hóa của người Việt Nam để các em có cái nhìn sâu hơn, hiểu biết nhiều hơn về ngôn ngữ mà các em đang được học.

leftcenterrightdel
Thầy Phương nhận bằng khen từ Tỉnh trưởng tỉnh Khăm Muộn. - NVCC 

“Tôi dành nhiều thời gian để trò chuyện cùng học sinh, các em rất thích thú khi nghe tôi kể về lịch sử Việt Nam nhất là những thời điểm hai nước Việt-Lào hỗ trợ nhau trong kháng chiến. Tôi vẫn cố gắng hết mình để vừa gieo chữ, vừa tạo ấn tượng tốt của nước mình cho nước bạn!”, thầy Phương nói.

Trong hơn 10 năm tham gia giảng dạy, đến nay không ít học sinh của thầy Phương đã nói, viết thành thạo tiếng Việt. Nhờ sự truyền lửa của thầy nhiều bạn học sinh người Lào, Việt Kiều Lào đã chọn Việt Nam là nơi lập nghiệp, có những bạn ước mơ được học chuyên sâu hơn để có thể về giảng dạy tại quê nhà cùng thầy Phương.

leftcenterrightdel
 Thầy Phương (đeo kính) tham gia tát nước trong dịp tết của Lào. - NVCC

Trong tương lai, thầy Phương vẫn muốn tiếp tục gắn bó với công việc giảng dạy cho đến khi chương trình kết thúc. Hiện thầy đã lập gia đình với chị Đậu Thị Lệ Hải (25 tuổi, H.Cam Lộ, Quảng Trị), cũng là giáo viên tham gia giảng dạy tại trường, cả hai đều đang cố gắng “cõng” tiếng Việt vượt biên giới, phủ sóng nhiều hơn trên đất Lào.

Cô Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khăm Muộn chia sẻ, trường hiện có 24 giáo viên người Việt đang thực hiện công tác giảng dạy. Trong đó, thầy Phương là tấm gương tiêu biểu khi đạt được nhiều thành tích xuất sắc. "Hơn 10 năm công tác thầy Phương đã đóng góp rất nhiều trong nhiệm vụ giảng dạy tiếng Việt tại nước bạn Lào, nỗ lực của thầy Phương chính là điều quý giá đóng góp vào việc giữ gìn, phát huy văn hóa Việt cho người Việt sinh sống tại Lào”, cô Thương nói.

Theo thanhnien