Từ tháng 9/2021, Dương Hà Anh, 19 tuổi, cựu học sinh THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, trở thành sinh viên Đại học Brown (Mỹ) theo học bổng trị giá 7,5 tỷ đồng trong bốn năm. Theo US News and World report, Đại học Brown xếp thứ 14 trong nhóm trường quốc gia tốt nhất nước Mỹ, đồng thời là một trong tám trường của khối Ivy League.
Vào thời điểm Hà Anh đến Mỹ, hai đại học Ivy League là Bown và Princeton bắt đầu cung cấp các lớp học tiếng Việt trình độ sơ cấp và trung cấp cho sinh viên. Giảng viên thỉnh giảng, cô Trang Trần tại Brown, trực tiếp dạy các lớp đầu tiên vào mùa thu 2021.
Trong một lần tình cờ tìm kiếm việc làm thêm trên website của trường, Hà Anh thấy lớp tiếng Việt tuyển trợ giảng. "Lúc đó, mình rất ngạc nhiên, không nghĩ lại có thể tìm thấy một lớp dạy tiếng mẹ đẻ ở Brown", Hà Anh nhớ lại.
Hồ sơ tuyển trợ giảng gồm một biểu mẫu để ứng viên điền các thông tin cơ bản và một video dài ba phút giới thiệu bản thân. Thay vì phải nói tiếng Anh như lúc làm hồ sơ du học hay tham gia các cuộc thi, Hà Anh lần đầu được dùng tiếng Việt trong video giới thiệu bản thân. Điều này khiến cô cảm thấy thích thú. Sau khi hoàn thành hồ sơ, Hà Anh trải qua một cuộc phỏng vấn với cô Trang Trần và trở thành một trong hai trợ giảng của lớp tiếng Việt.
Học kỳ mùa thu 2021, lớp có 9 sinh viên trình độ sơ cấp và 7 người trung cấp, độ tuổi trải từ 18 đến 22. Trong đó, hai sinh viên đến từ Đại học Princeton, còn lại của Brown. Hà Anh cho biết, hầu hết sinh viên là Việt kiều, có bố hoặc mẹ là người Việt Nam. Các bạn sinh ra và lớn lên ở Mỹ nên việc học và sử dụng tiếng Việt gặp hạn chế. Do đó, sinh viên đăng ký khoá học để có thể giao tiếp với bố mẹ, ông bà bằng tiếng mẹ đẻ. Khoá học diễn ra kết hợp giữa hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Hàng tuần, Hà Anh có hai buổi "TA hours" và một buổi "Language table" với các sinh viên, mỗi buổi kéo dài một tiếng và được tổ chức trực tiếp. Trong buổi "TA hours", cô sẽ hỗ trợ học viên luyện nói và củng cố ngữ pháp, còn thời gian "Language table" để giới thiệu về những nét đặc trưng trong văn hoá Việt Nam.
Lớp trợ giảng đầu tiên của Hà Anh diễn ra vào dịp Trung thu nên cô lồng ghép giới thiệu nguồn gốc của ngày lễ này với các từ vựng liên quan. Nữ sinh cùng giáo viên tổ chức một buổi phá cỗ với bánh trung thu, các loại hoa quả nhiệt đới mà người dân Việt Nam thường sử dụng, đồng thời dạy học viên hát bài "Chiếc đèn ông sao".
Hà Anh nhận định, tiếng Việt là một ngôn ngữ khó, đặc biệt trong phần xưng hô. Có lần, một học viên đã dịch từ "she" (cô ấy) thành "con ấy" khi mô tả một người bạn. "Lúc đầu mình nghĩ bạn ấy đùa, nhưng hoá ra bạn nhầm lẫn thật. Khi mình giải thích cách dùng đúng, cả nhóm bật cười vì sự nhầm lẫn", Hà Anh kể.
Bên cạnh đó, cô thấy các học viên còn lúng túng với dấu câu, gặp khó khăn khi phát âm một số vần na ná như "an", "ăn", "ân". Để hỗ trợ, Hà Anh dựa vào bảng phiên âm để chỉ ra sự khác biệt giữa các âm này. Cô tìm những từ tiếng Anh có cách nói hoặc chứa âm tương tự trong tiếng Việt để giúp học viên nói chính xác hơn.
Trong lớp, Hà Anh ấn tượng và thân với Charles Nguyễn, một nam sinh Việt kiều. Khi ở nhà, bố mẹ và ông bà đều nói chuyện bằng tiếng Anh với Charles nên anh biết rất ít từ tiếng Việt và gần như không có trải nghiệm về văn hoá Việt Nam. Mong muốn tìm hiểu về nguồn cội của mình, Charles đã ghi danh vào lớp tiếng Việt.
Charles ấn tượng với giờ học mà Hà Anh giới thiệu về Tò he. Khi được cô cho xem những bức ảnh mà trẻ em Việt Nam chơi cùng Tò he, anh đã rất thích thú. "Đây là điều tôi chưa từng biết đến. Thật dễ thương", Charles chia sẻ. Suốt học kỳ, mỗi khi có thắc mắc về bài học, Charles thường tìm đến Hà Anh và nhờ cô giải đáp. "Cô ấy sẵn sàng nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt và trả lời bất kỳ câu hỏi nào khi có thể. Tôi rất trân trọng sự hỗ trợ và nhiệt tình của Hà Anh", anh nói.
Hà Anh đánh giá, vì là tiếng mẹ đẻ, cô không gặp khó khăn trong việc hỗ trợ học viên cũng như tìm tư liệu cho các bài giảng. Sau một học kỳ đồng hành cùng lớp tiếng Việt, cô gái 19 tuổi cảm thấy trải nghiệm này mang lại nhiều ý nghĩa. "Được dùng tiếng Việt tại một đất nước cách nhà nửa vòng Trái đất, ngoài niềm vui, mình còn vơi đi nỗi nhớ nhà. Mình rất khâm phục và cảm động trước cố gắng và nỗ lực học tập của các bạn trong hành trình tìm về cội nguồn", Hà Anh nói.
Với cô gái sinh năm 2002, được quen biết bạn bè gốc Việt, có cơ hội chứng kiến và hỗ trợ họ kết nối với quê hương là trải nghiệm quý giá. "Mình rất muốn gắn bó với lớp lâu dài", Hà Anh khẳng định.
Kỳ học đầu tiên của lớp tiếng Việt đã kết thúc. Cuối tháng 1, sinh viên tại Đại học Brown trở lại trường sau thời gian nghỉ đông, bắt đầu một học kỳ mới. Hà Anh và các học viên của lớp sẽ tiếp tục công việc của mình. Cô dự định tổ chức các buổi giới thiệu và cho học viên qua các hình ảnh về Tết cổ truyền Việt Nam.
Theo vnexpress