|
|
Lớp tiếng Việt ở Brussels, Bỉ |
Từ chuyện “tôi và chúng ta”
Nhìn sinh viên đọc truyện Kiều, hát tuồng và diễn Xúy Vân giả dại, cô Lê Thị Bích Hường - giảng viên tiếng Việt (Bộ môn Đông Nam Á học, Khoa Châu Á và Bắc Phi học, Đại học Ca’ Foscari Venezia, Italy) đôi lúc cũng không tin nổi mình làm được điều mà không ít người từng cho là vô ích.
“Người ta ngủ 8 tiếng một ngày thì mình ngủ 2 tiếng thôi. Không có tiền thuê lớp ngoài thì đón học sinh về nhà, vừa dạy vừa phục vụ ăn uống. Một hay chục học sinh cũng phải soạn giáo trình cẩn thận. Nghe chị em ở đâu gom được vài học sinh, mở lớp dạy tiếng Việt, mình cũng xắn tay soạn bài giảng giúp họ. Rồi tự nghĩ ra hoạt động ngoại khóa như tập chèo, tuồng, quan họ để rót thêm văn hóa vào các giờ học tiếng Việt ít ỏi” - đấy là cách “tự bỏ vốn” cho dự án Điều mình muốn làm của cô Lê Thị Bích Hường ở Bologna, Italy.
Nhắc đến Italy là hiểu ngay việc dạy - giữ tiếng Việt khó rồi. Đất nước hình chiếc ủng trải dài theo đường biển, mỗi thành phố lác đác vài chục người Việt/gốc Việt định cư, cộng dồn mới được khoảng 5.000- 6.000 người, thật chẳng thấm gì so với số người Việt tại các thành phố lớn ở Ba Lan hay Đức, Czech, Pháp, Mỹ...
“Sinh viên học 3 năm nhưng tổng thời gian học riêng tiếng Việt chỉ ba tháng. Tôi đi - về mất 4 tiếng/ngày chặng Bologna - Venezia, cộng thêm tự đầu tư ngoại khóa nên cô trò lúc nào cũng ở tình trạng chạy. Tôi rất tự hào đã có 9 em nhận bằng cử nhân khóa đầu tiên 2019 - 2022. Tháng 6 năm nay, thêm 6 em tốt nghiệp. Tháng 9 chuẩn bị đón lứa mới”.
Ngay tại Bỉ, đất nước tròn trịa xinh xắn đi lại thuận tiện và đang có khoảng 13.000 người Việt/gốc Việt, việc tổ chức lớp cũng không hề dễ. Hè nào cũng mong đủ học sinh để khai giảng tháng 9. Lớp tiếng Việt là dự án khởi thủy từ năm 2012 do Liên minh Bỉ - Việt (BVA) tổ chức, có công lớn của ông Huỳnh Công Mỹ - hiện là Chủ tịch của Tổng hội Người Việt Nam tại Bỉ. Khoảng một năm sau, cô Nguyễn Bích Diệp sang Brussels (Bỉ) và rồi gắn bó với cái dự án mặc định “chỉ có lỗ” này.
Cô Diệp kể: “Tôi tham gia được một năm thì bắt đầu có hai lớp người lớn, và một lớp trẻ em vẫn được duy trì ngay từ đầu. Nguồn chi gồm thuê địa điểm, trả lương giáo viên, mua giáo trình... khó mà cân đối được với nguồn thu từ mức học phí vừa phải. Không thể hòa vốn, nhưng BVA có 3 trụ cột kinh tế - văn hóa - xã hội nên họ vẫn duy trì lớp tiếng Việt là trụ cột về văn hóa. Ngữ pháp tiếng Việt không quá khó nhưng âm vần lại khó. Để có cách dạy hiệu quả nhất, tôi phải chọn giáo trình trung tính nhất, lựa từ ngữ cũng trung tính nhất”.
Nhắc đến dạy tiếng Việt ở nước ngoài, người ta thường mang chuyện Ba Lan dựng được Trường Lạc Long Quân ra để đối chiếu. Mỗi năm, Trường Lạc Long Quân (thành lập năm 2007) tuyển từ 150- 200 học sinh, đúng là cộng đồng lớn thì học trò đông. Nhưng liệu tình yêu tiếng mẹ đẻ và biết bao giá trị Việt thông qua phương tiện giao tiếp là tiếng Việt có tích hợp đủ rung động để lan tỏa? Thế nên, có câu chuyện tiếp theo về ý tưởng thành lập diễn đàn “Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài” do thầy Lê Xuân Lâm - Chủ tịch HĐQT Trường Lạc Long Quân cùng một số thầy cô khởi xướng.
Tới bài học mang tên cộng đồng
Ngay sau lễ bế giảng năm học 2022-2023 tại Trường Lạc Long Quân, thầy Lê Xuân Lâm xúc động kể với tôi: “Mùa xuân 2021, dịch Covid-19 còn chưa kiểm soát được, tôi và một số thầy nữa nghĩ đằng nào trường cũng đang dạy trực tuyến rồi, vậy thì nối tuyến luôn với người dạy tiếng Việt ở các nước khác xem sao. Biết đâu, cũng có người quan tâm và dạy tiếng Việt như mình để trao đổi phương pháp. Được dạy là mừng rồi, hỗ trợ được nhau nữa thì lại càng ý nghĩa”.
Thầy Lê Xuân Lâm đã liên lạc với cô Trần Thu Dung bên Pháp, rồi đồng nghiệp ở Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp bên Nga... Mọi người nhiệt tình giới thiệu, kết nối rộng ra. Hội thảo đầu tiên vào ngày 27-6-2021 có tới hơn 100 thầy cô giáo, giảng viên, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ... thuộc 28 nước tham gia. Sau hội thảo đó, ngày 15-7-2021 chính thức trở thành ngày thành lập diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài.
Nay, diễn đàn Gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài tròn hai năm sau ngày thành lập. Sự kiện kỷ niệm hai năm ngày thành lập diễn đàn diễn ra trong hai ngày 15 và 16-7 tại Ba Lan, trong đó có hội thảo và tọa đàm trực tuyến vào 15-7 với chủ đề “Tham luận về tình hình dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài”. Từ khóa ban điều hành đặt ra để thảo luận là cơ sở, lớp học, người dạy - học, tình hình giáo trình, kinh nghiệm tổ chức trường học ở nước ngoài.
Nhìn số lượng tác giả từ Ba Lan, Bỉ, Đức, lãnh thổ Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc, Italy, Slovakia, Pháp đăng ký các tham luận như “Sứ mệnh truyền cảm hứng - Tiếng Việt: vẻ đẹp yêu thương và trí tuệ”, “Kỳ thi năng lực tiếng Việt quốc tế và những con số thống kê”, “Tình hình học tập và giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ tại Pháp”, “Kinh nghiệm viết giáo trình tiếng Việt và kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt”... có thể thấy, diễn đàn đang sở hữu một mỏ quặng về tiếng Việt ở nước ngoài với trữ lượng lớn, giàu giá trị tham khảo, vận dụng cũng như thuận tiện cho nghiên cứu, hoạch định chính sách phát triển. Từ đây, đã thấy rõ hơn bóng dáng một dự án của cộng đồng.
Còn dự án “Điều mình muốn làm” của mỗi cá nhân dạy tiếng Việt ở nước ngoài sẽ phát triển tiếp hướng nào? Cô Lê Thị Bích Hường gợi ý: “UNESCO có hẳn Ngày tiếng mẹ đẻ quốc tế - International Mother Language Day vào 21-2 hàng năm. Vấn đề di dân đang là quan tâm của cả thế giới. Cứ tích cực hoạt động tại nơi mình ở, tìm hiểu qua các trung tâm văn hóa địa phương, thế nào cũng có cơ hội để dạy và truyền bá tiếng Việt”.
Còn cô Hà Thị Vân Anh, Bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngữ văn Viễn Đông và Đông Nam Á thuộc Viện Ngôn ngữ, Đại học Tổng hợp Taras Shevchenko (Ukraine) vui vẻ cho tôi đọc tin của một sinh viên mới tốt nghiệp nhắn: “6 năm này thật hữu ích, hy vọng rằng chúng em sẽ sử dụng những kiến thức thu được một cách có ích và hiệu quả nhất. Khoa của chúng ta là tốt nhất và tất cả giáo viên tận tâm nhất… Em luôn cảm nhận được điều đó và em rất biết ơn cô ạ!”.
Theo sggp