Lớp học tiếng Việt có lúc lên đến 30 học viên

Ngôn ngữ là sợi dây gắn kết một con người với nguồn cội của mình. Muốn hiểu, muốn gần với quê hương, tất cả và trước hết phải bắt đầu từ cây cầu ngôn ngữ.

Hiểu được mong muốn của đa phần kiều bào ta ở nước ngoài muốn giữ được văn hóa nguồn cội cho con em của mình, đáp ứng nguyện vọng của bà con kiều bào có nguồn gốc Việt Nam và bạn bè người Algérie mong muốn tìm hiểu về Việt Nam, tháng 5/2018, Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Alger, Algérie (ĐSQ) đã tổ chức một lớp dạy tiếng Việt mở, miễn phí.

Và từ lớp học tiếng Việt này, những tình bạn được xây dựng, những quan hệ được kết nối – không chỉ giữa học viên với nhau, mà còn là giữa bà con và cội nguồn.


Từ lớp học tiếng Việt…

Lớp học tiếng Việt được chúng tôi tổ chức ngay tại trụ sở ĐSQ; giáo viên chính là cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam tại Algérie; còn giáo trình là các sách học tiếng Việt phổ thông nhất. 

Cứ vào sáng thứ Bảy hàng tuần, đội ngũ “giáo viên tình nguyện” đều nhiệt tình, tích cực tham gia lên lớp. Học viên theo học ở lớp lúc đông nhất là gần 30 người, lúc vắng thì 5-7 người. Chúng tôi xác định đây là lớp học mở để bà con và bạn bè Algérie tự giác theo học và tìm hiểu thêm về Việt Nam, tùy theo sự sắp xếp thời gian của họ. 

Đến với lớp tiếng Việt, chúng tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm và sự trân trọng mong muốn học tập của các học viên. Lớp có những “gia đình học viên” gồm mẹ và con cái cùng tham dự lớp học như gia đình chị Chettab Zouina (còn gọi là chị Thủy, Việt kiều thế hệ thứ 2); gia đình chị Minh Nguyệt (Việt kiều thế hệ thứ 2) có lúc cả mẹ và con trai, con dâu (người Algérie) đều đến lớp học mặc dù nhà họ ở cách Alger đến 90 km. 

Một học viên đặc biệt khác của lớp là cháu Hadjer Khizane (Việt kiều thế hệ thứ 3). Năm 2017, chị em Hadjer Khizane được ĐSQ giới thiệu về Việt Nam tham dự Trại hè 2017 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức (UBNNVNVNONN). Chuyến trở về đã để lại trong lòng cháu những ấn tượng khó phai về quê hương. Các cháu được trải nghiệm, được tìm hiểu về phong tục, tập quán và tình cảm của người Việt Nam nên khi biết có lớp tiếng Việt, Hadjer Khizane quyết tâm theo học để thêm kiến thức về Việt Nam. Nhà ở thành phố Boufarik, cách Alger gần 40 km nhưng cứ mỗi sáng thứ Bảy, cháu lại bắt xe buýt về Alger để đến ĐSQ học tiếng Việt, tan học lúc hơn 12 giờ trưa, cháu lại đi xe buýt về, đến nhà cũng hơn 15 giờ chiều. 

Lớp học được tổ chức tại trụ sở ĐSQ Việt Nam tại Algérie

Vào tháng lễ Ramadhan của người Hồi giáo, họ nhịn ăn uống vào ban ngày, nhưng thật cảm động, một số người vẫn quyết tâm đến lớp bất chấp mệt mỏi. Đồng cảm với các học viên, chúng tôi - những người tham gia dạy tiếng Việt, cũng không ăn uống gì khi mình lên lớp. 

Lớp học của chúng tôi còn có những học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý, võ sư, võ sinh, trọng tài... thuộc các Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam của Algérie (Liên đoàn VOVINAM Vietvodao, Sơn Long quyền thuật, Thanh Long quyền thuật, Quán khí đạo/Qwankido...). Khi đến với lớp học, các bạn Algérie cũng tuân theo phong cách như các võ sinh Việt Nam, chắp tay chào nhau và nói rất sõi từ “chào” để chào hỏi những người có mặt trong lớp. Một số “học viên võ sinh” (thường được mời về Việt Nam tham dự các giải thi đấu do Liên đoàn Võ thuật Việt Nam tổ chức), đề nghị chúng tôi dạy bài hát về Việt Nam. Khi được học bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, họ hứa sẽ học thuộc để khi tham dự các giải võ cổ truyền Việt Nam, họ sẽ hát điệp khúc “Việt Nam - Hồ Chí Minh”.

Xen kẽ giữa các buổi học, bằng thứ tiếng Việt nói thật chậm rãi kết hợp với giải thích bằng tiếng Pháp, chúng tôi cũng thường kể cho lớp nghe về những chiến thắng, chiến công của quân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Các học viên đặc biệt thích thú trước những câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954 và chiến thắng “Điện Biên phủ trên không’’ tháng 12/1972 ... 

Qua các buổi học như vậy, các bạn học sinh, sinh viên gốc Việt thấy thêm yêu quý, tự hào về đất nước Việt Nam - nơi mà bà nội, bà ngoại của họ đã sinh ra, lớn lên và sau này các bà đã trở thành những đại diện đầu tiên của Cộng đồng người Việt Nam tại Algérie khi theo chồng hồi hương về Algérie sinh sống. 

 Đến về với cội nguồn

Bên cạnh học ngôn ngữ, những bài giảng và nói chuyện của chúng tôi đã khơi dậy tình cảm đối với cội nguồn và mong muốn được gần hơn với quê hương của các bạn trẻ kiều bào thế hệ sau này. Các em quyết tâm học thêm tiếng Việt để có dịp được về thăm, du lịch, tìm lại người thân tại Việt Nam và nhất là hàng năm được về dự hoạt động Trại hè do UBNNVNVNONN tổ chức. Liên tục trong các năm từ 2017, 2018 và 2019, năm nào Ủy ban cũng chấp thuận đón các bạn học sinh, sinh viên gốc Việt tại Algérie về dự Trại hè, không những thể hiện sự quan tâm, tình cảm của quê hương mà cũng còn là niềm vinh dự, tự hào của học sinh, sinh viên gốc Việt tại Algérie.

Cũng qua lớp học tiếng Việt, một số anh chị em kiều bào thế hệ thứ 2 cũng bày tỏ mong muốn nhờ ĐSQ giúp tìm thân nhân của mẹ họ ở Việt Nam để có dịp sẽ về thăm lại họ hàng quê mẹ, để thêm tình cảm thương yêu hướng về Việt Nam. Thảng hoặc cũng có người bày tỏ nguyện vọng được cấp hộ chiếu Việt Nam hoặc Giấy miễn thị thực cho con cháu họ để thuận tiện khi về thăm thân, du lịch tại Việt Nam... 

Năm 2017, ĐSQ đã phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương trong nước giúp gia đình anh Ali Khizan tìm kiếm thân nhân của mẹ anh là bà Vũ Thị Nam ở Hoa Lư, Ninh Bình. 

Tháng 5/2019, chị Chettab Zouina, sinh 1964, con gái thứ ba của bà Pham Thi Thu Fatma (Việt kiều thế hệ thứ nhất, đã mất năm 2002) cung cấp thông tin và ngỏ ý nhờ ĐSQ giúp tìm thân nhân của mẹ chị ở Việt Nam. Theo đó, năm 1958, bà Pham Thi Thu kết hôn với ông Chettab Rabah, người Algérie (nguyên là lính trong quân đội Pháp hoạt động ở Việt Nam trước những năm 1954; sau ông trở về với hàng ngũ Việt Minh và giúp đỡ Quân đội Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp cho đến thắng lợi Điện Biên Phủ tháng 5/1954; rồi ông ở lại miền Bắc Việt Nam, tham gia lao động tại một nông trường ở Ba Vì). Ngày 5/1/1960, ông Chettab Rabah đã được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng "Huy chương Chiến thắng hạng Hai" (do chính Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký) do đã có thành tích trong thời kỳ kháng chiến. Năm 1964, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, được sự thỏa thuận của 2 Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ CH Algérie Dân chủ và Nhân dân, một số gia đình vợ Việt Nam, chồng Algérie được hồi hương về Algérie sinh sống. (Theo bà con cộng đồng ở đây cho biết, lúc đó có khoảng 46 - 48 gia đình như vậy được hồi hương về Algérie, sau này gia đình của họ và các con cháu chắt tạo thành cộng đồng người Việt Nam tại Algérie như hiện nay). 

Từ những thông tin chị Chettab Zouina cung cấp, ngày 27/5/2019, Đại sứ quán Việt Nam tại Algérie đã có văn thư gửi UBNNVNVNONN - Bộ Ngoại giao và Bộ Công an nhờ giúp tìm kiếm địa chỉ của ông Phạm Xuân Diễn là em trai bà Pham Thi Thu. ĐSQ cũng hướng dẫn chị Chettab Zouina gửi thông tin tới chuyên mục "Như chưa hề có cuộc chia ly" của Đài Truyền hình Việt Nam để đề nghị tìm giúp người thân. Song song với đó, một người bạn tôi là ông Nguyễn Mạnh Trường, nguyên cán bộ Nhà xuất bản Văn học, cũng nhanh chóng đưa tin tìm kiếm người thân lên trang Facebook. 

Chỉ trong thời gian ngắn khoảng 1 tháng, các tin vui dồn dập được gửi về cho ĐSQ. Đầu tiên là các facebooker nhiệt tình, tốt bụng đã biết và cung cấp thông tin, số điện thoại của ông Phạm Xuân Diễn. Tiếp đó là sự quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ của các cơ quan chức năng trong nước (như UBNNVNVNONN, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Sở Ngoại vụ Điện Biên, Ủy ban Nhân dân huyện Mường Chà - Điện Biên, Bộ Công an, Công an tỉnh Điện Biên, Công an huyện Mường Chà...) đã phối hợp tìm kiếm, cung cấp thông tin, địa chỉ, số điện thoại của ông Phạm Xuân Diễn. Thì ra ông Diễn là cán bộ dưới xuôi, được cử lên Lai Châu làm công tác giáo dục, sau nghỉ hưu về quê sinh sống, nay ở cùng gia đình tại Ý Yên, Nam Định. Về phần mình, ông Diễn cho biết gia đình ông đã mất liên lạc với chị là bà Pham Thi Thu từ hơn năm chục năm qua, nay nghe tin nối lại được liên lạc với các cháu con bà Thu, ông rất xúc động và mong các cháu về thăm để có dịp đoàn tụ...

Những thông tin về người thân, họ hàng của chị Chettab Zouina ở Việt Nam đã được ĐSQ thông báo ngay cho chị và niềm vui của gia đình như được nhân đôi khi các con, cháu của gia đình cũng được mời về dự chương trình Trại hè 2019 do UBNNVNVNONN tổ chức.

Và thế là trong tháng 7/2019 này, cả gia đình chị háo hức về nguồn. Vợ chồng chị thì về thăm gia đình 2 ông cậu ở Nam Định kết hợp du lịch Việt Nam; còn 2 con, cháu sẽ tham dự Trại hè. ĐSQ hết sức quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để gia đình chị đạt nguyện vọng như: cấp Giấy miễn thị thực và cấp thị thực cho 4 thành viên của gia đình, tư vấn cho gia đình những thông tin cần thiết khi về thăm Việt Nam, giới thiệu người đón tiễn, phiên dịch khi cần thiết và giải thích, nhắc nhở các cháu chấp hành tốt các chương trình, quy định của Trại hè.

 

Qua quá trình giảng dạy ở lớp học tiếng Việt, các buổi gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng ta tại Algérie... đến việc giúp bà con tìm lại người thân, họ hàng ở Việt Nam sau hơn nửa thể kỷ xa cách, mất liên lạc, chúng tôi nhận thấy người Algérie nói chung và người gốc Việt, lai Việt tại Algérie nói riêng đều có tình cảm yêu mến đối với Việt Nam, tự hào về Việt Nam. Tuy xa xôi, cách trở về địa lý, nhưng bà con đều mong muốn có dịp trở về thăm lại cội nguồn. Còn chúng tôi, những “giáo viên tình nguyện” thì chỉ hy vọng rằng họ sẽ học tốt tiếng Việt, sẽ tìm hiểu sâu hơn về Việt Nam, sẽ về thăm Việt Nam nhiều hơn để góp phần đưa quan hệ hai nước Việt Nam - Algérie ngày càng gắn bó thân thiết, hữu nghị hơn...

                                                                                                                                                                                                                                                                        Theo Quê Hương