leftcenterrightdel
Các cô giáo lắng nghe chuyên gia tại một buổi tập huấn cho giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt. Ảnh: Ngô Chuyên 

Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức nhiều khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên, tình nguyện viên là người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Theo bà Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT, các khóa tập huấn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ

- Bà đánh giá thế nào về nhu cầu học tiếng Việt của người Việt Nam ở nước ngoài?

- Nhu cầu học tiếng Việt của NVNONN ngày càng tăng, tác động sâu sắc đến sự phát triển toàn diện của cộng đồng kiều bào. Học tiếng Việt vì nhiều mục tiêu khác nhau: Để giao tiếp trong gia đình, cộng đồng nhằm gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, văn hóa Việt Nam. Học để học tập và làm việc.

Nhiều người nước ngoài khi thực hiện hợp tác kinh doanh với người Việt Nam hay kiều bào muốn về đất nước đầu tư đều có nhu cầu học tiếng Việt để nghiên cứu thị trường. Hay việc trao đổi chuyên môn học thuật giữa các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế với Việt Nam cũng thúc đẩy nhu cầu học tiếng Việt. Nhiều người nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, con người Việt Nam có thể trong quá trình đó có nhu cầu học tiếng Việt.

- Dạy tiếng Việt cho NVNONN không thể thiếu vai trò của các tình nguyện viên, giáo viên. Công tác tập huấn cho đội ngũ này ra sao, thưa bà?

- Các khóa tập huấn được tổ chức thường niên, nghiêm túc với sự tham gia của Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao) và Bộ GD&ĐT. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyên môn, chúng tôi đã có những thay đổi, bổ sung nhằm từng bước chuẩn hóa chương trình, hoạt động tập huấn.

Cụ thể, từ năm 2015 đến nay, Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản ban hành liên quan đến Khung năng lực tiếng Việt, định dạng đề thi tiếng Việt theo Khung năng lực tiếng Việt, Chương trình tiếng Việt cho NVNONN và gần đây nhất là Chương trình và tài liệu bồi dưỡng giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho NVNONN.

Giai đoạn tới, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ rà soát ban hành quy định cấp chứng chỉ năng lực giảng dạy tiếng Việt cho học viên hoàn thành chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, tình nguyện viên. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN yêu cầu các nhà khoa học, chuyên gia tập huấn thống nhất quan điểm tiếp cận trong vấn đề dạy học, công tác bồi dưỡng giáo viên, học liệu, tài liệu. Học viên tham gia có kiểm tra, đánh giá đầu vào và đầu ra.

Giai đoạn 2015 - 2020 theo nhu cầu của kiều bào và được Ủy ban Nhà nước về NVNONN lựa chọn, đề xuất học viên tham gia, chúng tôi tổ chức được 4 khóa học trực tiếp cho 290 kiều bào. Giai đoạn này, đối tượng tập huấn bao gồm cả giáo viên và tình nguyện viên.

“Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên, tình nguyện viên là người Việt Nam ở nước ngoài” theo tinh thần phổ cập, động viên bà con kiều bào nuôi dưỡng tình yêu tiếng Việt và duy trì trong gia đình, cộng đồng NVNONN. Tất cả kiều bào tham gia khóa học đều được cấp chứng nhận hoàn thành.

Giai đoạn 2021 - 2022, khóa học được đổi tên thành “Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên là người Việt Nam ở nước ngoài”. Ban tổ chức lớp quy định về tiêu chuẩn học viên tham gia lớp học (bậc 4 theo Khung năng lực tiếng Việt), yêu cầu bài kiểm tra đầu vào và bài kiểm tra kết quả khóa học…

Năm 2021, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, khóa học được tổ chức trực tuyến. Khóa tập huấn được tổ chức thành hai đợt dành cho học viên thuộc địa bàn châu Á - châu Úc gồm 148 người và dành cho học viên thuộc địa bàn châu Âu - Bắc Mỹ gồm 85 người. Năm 2022, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức khóa tập huấn cho 80 kiều bào theo hình thức trực tiếp.

Đối với các khóa tập huấn năm 2021, 2022, mặc dù đã có một số điều kiện về tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra, xong các khóa này vẫn tạo điều kiện cho tất cả học viên đã đăng ký với Ủy ban Nhà nước về NVNONN được tham gia theo tinh thần phổ cập và nếu bảo đảm yêu cầu chuẩn đầu ra thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.

leftcenterrightdel
 Bà Vũ Thị Tú Anh phát biểu tại một buổi tập huấn cho giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho người Việt. Ảnh: Ngô Chuyên

Xây dựng kho học liệu số về giáo trình, bộ đề thi

- Dạy tiếng Việt dù ở trong nước hay nước ngoài đều cần giáo trình thống nhất. Vậy tài liệu phục vụ giảng dạy cho NVNONN hiện ra sao?

- Bên cạnh việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thì cung cấp học liệu cũng rất quan trọng. Hiện các tài liệu phục vụ giảng dạy tiếng Việt cho NVNONN được nhiều trường đại học; nhóm chuyên gia; trường dạy tiếng Việt ở nước ngoài; trung tâm dạy tiếng Việt ở nước ngoài biên soạn, sử dụng nội bộ.

Bước đầu đã có một số bộ giáo trình mang tính chất là sự chuẩn bị của Bộ GD&ĐT như: “Tiếng Việt vui”, “Quê Việt” được biên soạn và in ấn cấp cho kiều bào trong nhiều năm qua. Các bộ sách đã mang lại kết quả nhất định.

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cũng được giao chuẩn bị một bộ sách cho bà con kiều bào ở Lào. NXB Giáo dục Việt Nam gần đây có một số bộ sách dạy tiếng Việt cho NVNONN khá đầy đủ.

Năm 2020 - 2021, chúng tôi phát động “Cuộc thi biên soạn sách và tài liệu dạy tiếng Việt cho NVNONN” qua đó lựa chọn được một số bộ tài liệu có giá trị và đang cấp miễn phí bằng file PDF, người học có thể in ra sử dụng.

- Việc soạn thảo giáo trình, các bộ đề thi tiếng Việt thực hiện đến công đoạn nào?

- Với chương trình, tài liệu, bộ đề thi tiếng Việt khi các ngữ liệu mang tính chất nền tảng đã được biên soạn. ĐH Quốc gia Hà Nội đang chủ trì xây dựng cổng thông tin điện tử, sau khi hoàn thành sẽ đẩy các học liệu, khóa học lên nhằm đa dạng hóa nguồn học liệu và cập nhật thường xuyên cho người học.

Chúng tôi cũng mong muốn tiếp tục biên soạn bổ sung các tài liệu dạy tiếng Việt song ngữ để giúp người học dễ dàng tiếp cận trong quá trình học. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi sự đầu tư của Nhà nước, tham gia của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo GD&TĐ