Nhảy vào đoàn tàu đang chạy để tự tử: Trầm cảm, những cái chết đau đớn
Cập nhật lúc 22:21, Thứ năm, 28/11/2019 (GMT+7)
Vừa thấy thông báo có một tai nạn, nhà ga sẽ bị ngừng trệ trong ít giờ, có nhiều cái lắc đầu, thở dài. Một người bản địa mở điện thoại: 'Mới có một người chết. Lại là tự tử, có thể vì trầm cảm'.
Tàu điện vào ga Nishitetsu-Kurume, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản
Ngày 25.11, khi chúng tôi tới ga tàu Yakult, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản là 19 giờ. Cuối tháng 11, trời lạnh buốt, nhà ga sẽ tạm dừng hoạt động trong khoảng 2 giờ đồng hồ nhưng mọi thứ vẫn rất trật tự, dù lúc này phía trong đã đông kín người. Những người địa phương đọc được thông báo về tai nạn trên đường ray, họ kiên nhẫn chờ đợi.Ga Yakult ngày 25.11 bị tạm thời ngưng hoạt động khi có người tai nạn |
“Nhảy vào đoàn tàu đang chạy để chắc chắn chết”
Chị Lê Thủy, phiên dịch viên, người Việt Nam định cư tại Nhật Bản, cho biết không lạ với những tin tức mà phương tiện truyền thông đưa như có người nhảy vào đoàn tàu đang chạy. Thường nguyên nhân là họ tự sát, bởi chắc chắn sẽ chết nếu nhảy vào một đoàn tàu đang lao vút đi trên đường ray.
“Một lần, tai nạn xảy ra ngay tại ga gần nhà tôi, ga tàu tê liệt trong nhiều giờ, nhiều chuyến tàu phải dừng. Tôi không thể tiếp tục hành trình bằng tàu điện và phải đi taxi trở về. Mỗi một chuyến tàu chở khoảng 1.000 hành khách, 10 phút có một chuyến tàu, vậy thì nếu cứ có một người nhảy vào đoàn tàu đang chạy sẽ ảnh hưởng tới hàng chục ngàn con người”, chị Thủy nói.
Theo chị Thủy, chính vì thiệt hại này mà tại Nhật, những người tự sát bằng cách nhảy vào đoàn tàu, thì người thân, gia đình của nạn nhân này phải bồi thường cho nhà nước, mỗi vụ lên đến vài tỉ đồng tiền Việt Nam.Nhiều người Nhật Bản tự tử vì quá áp lực trong công việc, dẫn tới trầm cảm |
Số người tự tử giảm, nhưng ám ảnh về nó thì chưa dừng lại
Trao đổi với người viết bên lề một khóa học của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang diễn ra tại Nhật Bản, ông Sugimoto Takao, phòng quan hệ quốc tế, Bệnh viện Thánh Maria cho biết vấn đề người Nhật tự tử vì trầm cảm đáng lo ngại. Nhảy vào đoàn tàu đang chạy là một trong những cách mà người trầm cảm tìm đến cái chết.
Đỉnh điểm số người tự tử tại Nhật Bản là năm 2003 với 34.427 người và sau đó có giảm dần theo các năm. Năm 2018, toàn nước Nhật có 20.840 người tự tử, và gần về mức thấp nhất trong suốt hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, nó vẫn đang là vấn đề chưa bao giờ thôi ám ảnh. Ngoài những câu chuyện về cái chết khi lao đầu vào đoàn tàu đang chạy, người dân địa phương kể về khu rừng Aokigahara, nơi những người vào đó để tự sát. Đó là mặt “âm” của núi Phú Sĩ. Nếu mặt “dương” của ngọn núi huyền thoại này tươi sáng, với nhiều ngôi đền, nơi diễn ra nhiều hoạt động của người sống, thì mặt âm là khu rừng đẹp nhưng âm u, người bước vào sẽ không tìm thấy đường ra…
Trầm cảm là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới hành vi tự tử
Theo số liệu báo cáo từ cơ quan Bộ y tế lao động và phúc lợi; Cục cảnh sát quốc gia Nhật Bản, những nguyên nhân dẫn tới tự tử được xác định là: vấn đề kinh tế cuộc sống khó khăn, nợ nần; gia đình bất hòa; áp lực vì công việc, quan hệ với mọi người nơi làm việc; những vấn đề ở trường học; thất tình, trăn trở về chuyện tình yêu; còn lại là vấn đề sức khỏe, trầm cảm. Trong đó, trầm cảm luôn là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới hành vi tự tử trong vòng 10 năm qua. Năm 2018, có tới 10.423 người tự tử vì trầm cảm tại Nhật, trong tổng số 26.459 người tự tử.
Tại Nhật Bản, tự tử trở thành vấn nạn được quốc gia quan tâm. Đất nước này có ban phòng chống tự sát, thuộc Phòng tổng hợp, Cục hỗ trợ xã hội, Bộ y tế lao động và phúc lợi. Đồng thời, tại đây cũng có Phòng kế hoạch an ninh cuộc sống, Ban an ninh cuộc sống, Cục cảnh sát quốc gia Nhật Bản. Theo số liệu thống kê từ 2 cơ quan này từ 2009 đến 2018, số người tự tử dưới 50 tuổi ở Nhật đang dần có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, nó vẫn ở mức cao. Năm 2018, số này chiếm 42,55%.Để giảm số người tự tử mỗi năm, nước Nhật áp dụng nhiều biện pháp |
Ông Sugimoto Takao cho phóng viên hay, để đối phó với vấn nạn tự tử, từ năm 2000, trên toàn nước Nhật đã kê khai thêm danh mục kiểm tra stress trong kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ với tất cả các nhân viên trong tất cả các công ty.
“Khi phát hiện ra nhân viên có vấn đề về tâm lý, nguy cơ bị stress, trầm cảm… họ sẽ được theo dõi và có những biện pháp để giúp người này tránh khỏi những diễn biến xấu hơn. Trong các trường học cũng có phòng y tế học đường, nơi những y tá cộng đồng đảm trách tư vấn tâm lý cho các học sinh, sinh viên. Một phần nguyên nhân của trầm cảm là do áp lực công việc, Nhật Bản đã có những cải cách như giảm giờ làm việc, giảm giờ làm thêm…”, ông Sugimoto Takao nói.
Theo Thanh Niên