|
|
Bài kiểm tra tính cách MBTI phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc. Ảnh minh họa:@newjeans_official. |
Mặc dù thường bị coi là "giả khoa học", bài kiểm tra tính cách Myers-Briggs Type Indicator (MBTI) lại cực kỳ phổ biến ở Hàn Quốc, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, như một công cụ giúp họ hiểu bản thân và cả người khác.
Phân loại mọi người thành 16 loại tính cách khác nhau, MBTI về cơ bản là một mã bốn chữ cái, chẳng hạn như ISTP hoặc ENFJ, với mỗi chữ cái gợi ý một đặc điểm tính cách nhất định.
Nhưng chữ cái thứ ba - T là "suy nghĩ" hoặc F là "cảm xúc" - đang gây chú ý hơn cả, được nhiều người xem như một thước đo về năng lực cảm xúc của một người, theo The Korea Herald.
"Bạn là T à?"
Theo định nghĩa, những người có chữ cái thứ 3 thuộc loại T thường dựa vào logic, tiêu chuẩn khách quan, phân tích thông tin để ra quyết định, trong khi những người thuộc loại F có xu hướng nhạy cảm và biểu lộ cảm xúc nhiều hơn.
Câu "Bạn là T à?" được kênh hài kịch Mimgorithm trên YouTube làm cho lan truyền vào năm 2023. Mọi người thấy buồn cười khi nữ diễn viên hài dùng tông giọng mỉa mai hỏi một người bạn được xem là quá trung thực, nói chuyện ít cảm xúc làm hỏng tâm trạng của cô.
Ẩn sau câu đùa cợt là cảm giác khó chịu từ người nói, thất vọng vì bạn mình không thể phản ứng theo cách cô kỳ vọng.
Câu hỏi mỉa mai này nhanh chóng nổi tiếng ở Hàn Quốc, tạo ra một làn sóng chế ảnh trên mạng xã hội hay thậm chí được lồng ghép vào các sản phẩm ngoài đời thực. Vào tháng 10, thương hiệu kem Baskin Robbins đã tung ra một hương vị kem có tên gọi tinh nghịch là "Are You Tea?".
Hiện, câu hỏi này thường được dùng như một lời chỉ trích dành cho những người có vẻ không có khả năng đồng cảm với người khác.
Song, sinh viên ngoài 20 tuổi, tự nhận mình là người có kiểu tính cách INFP. Cô cho biết nhiều người trẻ Hàn Quốc muốn tìm người yêu có chung tần số cảm xúc, đồng điệu với nhau.
"Những người sống logic luôn tìm kiếm giải pháp, nhưng đôi khi người yêu của họ có thể chỉ cần sự hỗ trợ về mặt cảm xúc mà thôi", Song nói. Khi cô và bạn bè nói về vấn đề hẹn hò, mọi người thường hỏi nhau: "Người yêu của bạn có phải là T không đấy?".
Theo thống kê, người có đặc điểm tính cách T chiếm thiểu số, mặc dù con số khá đáng kể.
Theo khảo sát năm 2021 từ NERIS Analytics Limited - công ty đứng sau bài kiểm tra tính cách online - thực hiện với 70.266 người Hàn Quốc, tỷ lệ số người có đặc điểm T - F là 3,3 - 6,7. Tại Mỹ, một phân tích với tệp dữ liệu lớn hơn, được thu thập từ năm 1972 đến năm 2002 cho thấy tỷ lệ rõ rệt hơn là 4 - 6.
Kim Bum-jun (26 tuổi, Seoul) không còn lạ với những lời mỉa mai chỉ vì có kiểu tính cách ISTP.
"Nhiều người hỏi tôi câu 'Cậu là T à?' theo kiểu nửa đùa nửa thật bất cứ khi nào tôi đưa ra những nhận xét lạnh lùng và thực tế. Ngay cả khi tôi nỗ lực đưa ra những câu trả lời chu đáo và quan tâm, mọi người vẫn dán nhãn tôi là 'vô cảm xúc'", Kim nói.
Kim thừa nhận anh có xu hướng tiếp cận vấn đề từ góc nhìn thực tế, dựa trên lý lẽ và sự thật hơn là đồng cảm, phản ứng về mặt cảm xúc như nhiều người bạn anh mong đợi.
“Tôi thực sự cũng có cảm xúc”, anh nói, song cho biết việc diễn đạt chúng bằng lời không phải là điều dễ dàng.
Không phản ánh chính xác một con người
Kim Hyun-sung, ngoài 30 tuổi, là người hoài nghi về MBTI. Anh cho rằng con người quá phức tạp để có thể chỉ phân loại thành 16 nhóm tính cách. Ngay cả giữa những cá nhân có cùng loại tính cách, anh tin rằng vẫn có thể có những khác biệt đáng kể.
Một số còn lo ngại rằng mọi người có thể dùng loại tính cách "T" để biện minh cho hành động của mình.
Một người dùng trên Blind, nền tảng ẩn danh dành cho nhân viên văn phòng, tuyên bố rằng việc sống lý trí không đồng nghĩa với việc có ít cảm xúc. "Nếu họ tuyên bố rằng mình không thể làm gì đó vì là T, đó chỉ là cái cớ cho sự thiếu cảm thông và quan tâm của họ mà thôi".
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng tính cách không phải là bất biến.
Tham gia một chương trình trên đài KBS vào năm 2023, giáo sư tâm lý học Kim Kyung-il tại Đại học Ajou đặt câu hỏi về độ chính xác của các loại nhãn dán tính cách.
Kim tuyên bố kết quả kiểm tra MBTI phản ánh cách mọi người tự nhận thức về bản thân trong những tình huống xã hội nhất định. Thay vì gọi đó là "kiểu tính cách" của một người, ông thích mô tả nó như một công cụ cho thấy kiểu "mặt nạ nhân cách" mà mọi người đeo lên mình hoặc "vai trò xã hội" của một người (hành vi được mong đợi dựa trên địa vị của một người trong xã hội).
Han Min, nhà tâm lý học văn hóa và là tác giả của nhiều cuốn sách tâm lý, cũng cho rằng bài kiểm tra tính cách này không nhằm mục đích xác định tính cách mà nhằm mục đích hiểu "khuynh hướng" của một người.
|
|
Việc một người có "T" không đồng nghĩa với việc họ vô cảm, không tâm lý. Ảnh minh họa:Jean Chung/New York Times. |
Về lý do đặc điểm T lại được nhiều người dùng để hạ thấp người khác thời gian gần đây, Han cho biết mọi người tìm kiếm sự xác nhận cho cảm xúc của họ.
"Thực tế là câu hỏi hướng đến những người ngang hàng, người hỏi cho thấy mong muốn được đồng cảm và thấu hiểu từ những người có thể cũng trải qua tình huống tương tự họ", Han nói.
Theo Han, đây cũng không phải lần đầu tiên một nhóm người nhất định bị gắn nhãn như vậy. Trước cơn sốt MBTI, chiêm tinh học hay các lý thuyết về nhóm tính cách nhóm máu cũng được xem là phương tiện phổ biến để xác định tính cách của một người.
Tuy nhiên, Han cũng thừa nhận bài kiểm tra này có những ưu điểm nhất định.
"MBTI là lựa chọn khoa học và chính xác hơn so với một số phương thức khác. Nó có thể đóng vai trò là cầu nối thúc đẩy sự hiểu biết giữa các cá nhân".
Song cũng cho hay bài kiểm tính cách đã giúp cô hiểu rõ hơn về những người có vẻ trái ngược mình.
"Tôi đã chấp nhận những người có tính cách logic, thực tế. Bây giờ, tôi biết rằng họ không lạnh lùng, mà chỉ là suy nghĩ theo một cách khác", cô nói.
Theo lifestyle.znews