Zhuo phải đặt lịch hẹn với các cửa hàng váy cưới trước nhiều tháng và phải chạy khắp các cửa hàng để so sánh giá cả để có được mức giá tốt nhất trong khi cô rất bận rộn với công việc.
Vì vậy, giáo viên mỹ thuật này đã quyết định mua váy sau bữa trưa, tại một cửa hàng quần áo gần nơi làm việc.
Trong lễ cưới của mình, diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cô và chồng cũng quyết định bỏ việc chụp ảnh cưới, bỏ dàn phù dâu, phù rể và xe cưới để tiết kiệm thời gian và công sức.
Những gì từng được coi là phong tục cưới hỏi bắt buộc đang dần thay đổi ở Trung Quốc, khi những người trẻ như Zhuo không còn hứng thú với những nghi lễ truyền thống rườm rà và tốn kém nữa.
Thậm chí, họ còn từ chối lì xì, không mời người dẫn chương trình cho tiệc cưới.
Thay vào đó, họ lựa chọn những đám cưới đơn giản hơn, một số dùng rau và trái cây để trang trí rồi sau đó khách có thể mang về nhà. Họ thay thế những chiếc ô tô sang trọng bằng xe đạp chung để đón cô dâu và tổ chức tiệc mừng tại các nhà hàng thức ăn nhanh.
Cuộc khảo sát 1.251 thanh niên Trung Quốc do tờ China Youth Daily thực hiện vào ngày 26/6 cho thấy, 78,4% ủng hộ đám cưới đơn giản hơn và 63,4% ủng hộ việc hủy bỏ các phong tục xưa cũ.
|
Tiffany Ma và chồng đã quyết định không nhận bao lì xì trong lễ cưới |
Chủ đề về đám cưới đã trở thành tâm điểm chú ý ở Trung Quốc vào đầu tháng 10, khi một người đàn ông ở tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc phàn nàn trên mạng rằng anh đã nhận được 8 lời mời cưới trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 7 ngày.
Cư dân mạng tỏ ra thông cảm với người đàn ông này khi anh than thở về số tiền phải bỏ ra trong những phong bao lì xì bằng 1 tháng lương.
Hashtag “8 lời mời trong 7 ngày” đã thu hút 34 triệu lượt xem, lọt vào danh sách tìm kiếm phổ biến nhất trên nền tảng blog nhỏ phổ biến Weibo.
Ở Trung Quốc và nhiều nước châu Á, người ta thường tặng bao lì xì cho cô dâu chú rể mới cưới, ngay cả khi những người được mời không tham dự đám cưới. Bao lì xì có thể dao động tùy thuộc vào mối quan hệ của khách mời với cặp đôi trong lễ cưới.
Khi Tiffany Ma, 28 tuổi, lên kế hoạch cho đám cưới của mình ở tỉnh Sơn Tây, miền bắc Trung Quốc vào tháng 6/2024, cô và chú rể tương lai đã quyết định nói với bạn bè rằng đừng lì xì cho họ. Ma cho biết, suy nghĩ này đến từ bản thân vì khi tham dự đám cưới của bạn bè, cô cảm thấy không thoải mái khi phải “định lượng tình bạn bằng tiền bạc”.
Cô Ma hiện đang làm việc tự do trong ngành công nghệ, cho biết: “Là chủ lễ cưới, tôi thấy rất khó để mời bạn bè đến dự đám cưới của mình vì biết rằng họ sẽ phải trải qua suy nghĩ tương tự như mình trước đây”.
Theo báo cáo của giới truyền thông, chi phí trung bình cho một đám cưới ở Trung Quốc là khoảng 330.000 nhân dân tệ vào năm 2023, tăng so với mức 174.000 nhân dân tệ vào năm 2020.
Phó giáo sư Mu Zheng thuộc khoa xã hội học và nhân chủng học của Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ rằng những người trẻ Trung Quốc cảm thấy chi phí cho đám cưới là gánh nặng và có thể cảm thấy việc nhận lì xì có thể khiến đám cưới trở nên mang tính giao dịch.
Bà cho biết, những đám cưới đơn giản hơn đã trở nên phổ biến ở các thành phố, nhưng ở một số vùng nông thôn, tục lệ về tiệc cưới, tiền sính lễ và có nhà trước khi kết hôn vẫn còn phổ biến.
Cô Wendy Wang, 31 tuổi và chồng, cả hai đều làm việc trong ngành công nghệ tại Hàng Châu làm lễ cưới mình bằng cách dành nghỉ hai tuần đi du lịch. Sau đó, cặp đôi đã tổ chức lễ cảm ơn cha mẹ và họ hàng tại mỗi quê hương.
Buổi lễ bắt đầu bằng bữa ăn trưa lúc 11g. Đôi vợ chồng mới cưới có bài phát biểu cảm ơn và phát video về lễ kỷ niệm chuyến đi của họ. Sau đó, họ tổ chức một cuộc rút thăm may mắn, nơi khách có thể giành được các giải thưởng như đồ gia dụng, hộp quà tặng và thực phẩm.
Nhưng việc chuyển sang tổ chức đám cưới đơn giản cũng có những lúc khiến chủ nhân mệt mỏi. Cô Zhuo cho biết một người hàng xóm ở quê cô tại Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc đã hỏi liệu đây có phải là đám cưới thứ 2 của cô không, lý do là vì nó đơn giản và không phô trương. Ngoài ra, phải mất một thời gian mẹ cô mới chấp nhận được những gì diễn ra ở lễ cưới của cô nhưng đến giờ bà nói rằng thật đáng tiếc khi Zhuo không chụp ảnh cưới.
“Sau khi kết hôn, tôi bắt đầu chia sẻ cách tôi và chồng cùng nhau nấu ăn và tận hưởng cuộc sống hôn nhân. Cuối cùng, mẹ tôi không còn bận tâm nhiều nữa" - Zhuo cho biết.
Theo phụ nữ TPHCM