Điển hình là nhà khách Jeombonei trên hòn đảo du lịch nổi tiếng Jeju đã ra quy định không nhận khách trên 39 tuổi, với lý do khó có thể phục vụ tốt cho cả khách hàng trẻ tuổi lẫn người cao tuổi trong nhà nghỉ.

leftcenterrightdel
 Nhiều doanh nghiệp ở Hàn Quốc đang tập trung phục vụ giới trẻ, phân biệt đối xử với người cao tuổi dù hành vi này là bất hợp pháp - ẢNH: AFP

“Khách hàng trẻ tuổi thích thức khuya, trò chuyện và uống rượu, trong khi khách hàng lớn tuổi đi ngủ sớm. Những người trẻ tuổi và người cao niên không thích hòa nhập với các nhóm tuổi khác nhau và điều này tạo ra một tình trạng khó xử" - người điều hành ngoài 30 tuổi cho biết. “Đây không phải là vấn đề phân biệt đối xử mà liên quan đến sự khác biệt văn hóa giữa các thế hệ khác nhau” - anh nói thêm.

Jeombonei không phải là nơi duy nhất. Hiện nay, nhiều nhà nghỉ chỉ phục vụ khách hàng ở độ tuổi 20 và 30. Vào Ngày của Cha mẹ 8/5 vừa qua, một bức ảnh được chia sẻ gây sốc trên mạng xã hội chụp thông báo của một quán cà phê ở Jeju có nội dung: “Khu vực cấm người cao tuổi - những người từ 60 tuổi trở lên không được vào". Trong khi đó, một dòng chữ khác bên cạnh có nội dung: “Chó dẫn đường được chào đón".

Bức ảnh gây ra sự phẫn nộ và làm tổn thương những người cao tuổi. Một phụ nữ giấu tên cho biết: “Người già còn tệ hơn chó sao?”. Một người khác bức xúc: "Đừng quên tất cả chúng ta đều sẽ bước sang tuổi 60”.
“Khu vực không dành cho người cao tuổi” ở Hàn Quốc không phải diễn ra mới đây. Sự "ra đời" của nó đã gây chú ý vào năm 2019 khi một nhà hàng nhỏ ở quận Sillim-dong, phía nam Seoul, treo một tấm biển có nội dung: “Chúng tôi lịch sự từ chối phục vụ bất kỳ ai trên 49 tuổi”. Giải thích về lý do này, nữ chủ quán trung niên nói rằng, một số khách hàng nam đã thô lỗ và quấy rối cô.

Giáo sư phúc lợi xã hội Chung Soon-dul thuộc Đại học Ewha ở Seoul cho biết, dù không có nhiều doanh nghiệp công khai cấm người cao tuổi nhưng nhiều rạp chiếu phim và quán cà phê hiện nay ở các thành phố lớn chỉ tập trung vào giới trẻ. “Những nơi này đang được vận hành giống như được ngầm hiểu là những khu vực cấm người cao tuổi".

Bên cạnh việc không phục vụ người cao tuổi, tại Hàn Quốc cũng có hàng trăm quán cà phê, nhà hàng thậm chí là thư viện cấm trẻ em. Hur Joon-soo - giáo sư phúc lợi xã hội tại Đại học Soongsil của Seoul - cho biết, việc có các khu vực cấm người già và trẻ em là phân biệt đối xử và phản ánh sự phân biệt đối xử với các chủng tộc, giới tính và tôn giáo khác nhau. “Khoảng cách giữa người già và người trẻ đang mở rộng nhanh chóng khi những người trẻ tuổi nghĩ rằng người lớn tuổi đang cản trở nỗ lực kiếm việc làm của họ do người già từ chối nghỉ hưu sớm trong bối cảnh nền kinh tế chậm lại và khan hiếm việc làm" -  Hur cho biết.

Giáo sư Hur kêu gọi chính phủ ban hành luật cấm phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác, mở rộng không gian cộng đồng và tăng cơ hội cho các thế hệ giao tiếp, hòa nhập với nhau.

Theo phụ nữ TPHCM