Thông tin một quán cà phê ở Đà Nẵng không nhận khách là trẻ em dưới 12 tuổi gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều bình luận cho rằng việc làm của quán là không hợp lý. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến nhận định đây là quy định phù hợp với đối tượng khách hàng. Ai không thích có thể bỏ qua dịch vụ của quán.
No kids zone (tạm dịch: khu vực hạn chế trẻ em) là một khái niệm khá mới ở Việt Nam nhưng ở nước ngoài, đặc biệt ở Hàn Quốc thì không. Rất nhiều quán cà phê, cửa hàng, quán ăn ở Hàn Quốc treo biển "No kids zone".
Biển hiệu "No kids zone" được treo nhiều ở các quán cà phê, nhà hàng tại Hàn Quốc từ năm 2014. Điều này bắt nguồn từ vụ việc xảy ra vào năm 2012 bởi một bài đăng trên mạng. Người phụ nữ chia sẻ sự việc con mình bị một người đổ canh nóng vào mặt, gây bỏng khi đi ăn ở nhà hàng. Tuy nhiên, camera giám sát cho thấy đứa trẻ chạy lung tung trong nhà hàng và va phải vị khách kia nên mới xảy ra tai nạn.
Sự việc gây nhiều tranh cãi và ý kiến về việc cấm trẻ em vào các nhà hàng bắt đầu nổi lên từ đó.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu thị trường Embrain với 1000 nam giới và phụ nữ trưởng thành ở độ tuổi 20 đến 60 tuổi, 75% số người ủng hộ việc hạn chế trẻ em ở một số nơi công cộng.
Cứ 10 người trưởng thành thì có 6 người (60,9%) cảm thấy không thoải mái khi ở những nơi công cộng có tiếng ồn do trẻ em dưới 13 tuổi gây ra. Nhà hàng là nơi có nhiều sự bất tiện nhất nếu có trẻ nhỏ đến. Tiếp đó là quán cà phê, tàu điện ngầm, nhà hát và siêu thị…
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 65,8% phụ huynh có con dưới 13 tuổi cảm thấy lo lắng việc con mình có thể làm phiền người khác. Họ cũng cảm thấy không thoải mái khi các đồ dùng của nhà hàng không “thân thiện” với trẻ em như ghế quá cao hay thìa quá dài.
Nhiều doanh nghiệp cho thấy doanh số bán hàng của họ tăng lên kể từ khi đưa ra "khu vực hạn chế trẻ em". Một nhân viên của quán cà phê thực hiện việc "hạn chế trẻ em" gần ga Hapjeong (Hàn Quốc) cho biết, họ ra quy định này gần một năm nhưng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh. Bởi đối tượng khách hàng của họ chủ yếu là giới trẻ. Ngoài ra, tỉ lệ khách hàng quay lại quán cũng tăng lên nhờ quy định này.
Người đàn ông họ Park chia sẻ với The Korea Times về trải nghiệm của mình khi đến ăn tại một quán bít tết gần nhà. Một nhóm gồm 3 đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học chạy xung quanh các bàn ăn một cách mất kiểm soát. Ông Park nói: "Các bậc cha mẹ không quan tâm đến con cái của họ. Mọi người trong nhà hàng đều cau mày với bọn trẻ nhưng cha mẹ của chúng lại không bận tâm vì họ đang mải nói chuyện riêng".
Ngoài ông Park, nhiều người khác cũng có trải nghiệm tương tự khi đi ăn. Vì vậy một số cửa hàng ra quy định không đón tiếp trẻ em đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi.
Tờ Korea Times cũng từng đưa tin về vụ việc hai trẻ em bị bỏng do chạy lung tung trong một nhà hàng. Một bé bị bỏng nước nóng do va phải nhân viên phục vụ. Bé còn lại bỏng than khiến nhà hàng phải bồi thường số tiền lớn. Điều này khiến không chỉ nhà hàng mà bố mẹ của những đứa trẻ cũng hết sức lo ngại.
Do đó, từ năm 2014, nhiều địa điểm kinh doanh ở Seoul, Busan... treo biển "No kids zone". Đến năm 2016, thuật ngữ này bắt đầu rộ lên và gây ra nhiều tranh cãi.
Nhiều ý kiến cho rằng các khu vực hạn chế trẻ em là biểu hiện của phân biệt đối xử. Thay vào đó, các quán cà phê, nhà hàng... nên tạo ra các không gian riêng cho trẻ nhỏ. Đồng thời yêu cầu các bậc phụ huynh kiểm soát con mình chặt chẽ hơn.
Một số phụ huynh sau khi đưa con vào nhà hàng, quán cà phê và để trẻ tự ý nô đùa, tạo tiếng ồn ảnh hưởng lớn đến những khách hàng xung quanh. Một phần do tính cách hiếu động của những đứa trẻ, phần khác do cha mẹ không quản lý được con cái của mình.
Chuyên gia nhận định, việc tạo ra một khu vực riêng cho trẻ em sẽ là một biện pháp tốt hơn và thực tế hơn là tạo ra các khu vực cấm trẻ em nhằm tách biệt chúng.
Bằng cách này, chúng ta có thể tạo ra một môi trường mà cuối cùng trẻ em và người lớn có thể cùng vui vẻ trong một không gian, không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Theo vietnamnet