He Jun vẫn cảm thấy khá khó xử khi mọi người hỏi anh đang làm gì. Khi nhận được câu trả lời của ông bố 40 tuổi, phản ứng đa số thường nghĩ He Jun hẳn rất giàu có. Nhưng sự thật không phải vậy.

“Họ nói rất ngưỡng mộ, nhưng tôi nghĩ mọi người bắt đầu nhìn nhận tôi khác đi. Rốt cuộc, xã hội cũng không chấp nhận điều này, cho rằng không đáng mặt đàn ông”, He Jun, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, trả lời phỏng vấn của Sixth Tone.

Jun là số ít đàn ông Trung Quốc đang làm công việc nhiều người khó tin. Đó là bỏ việc, trở thành ông bố nội trợ toàn thời gian.

Hy sinh và thông cảm

Mỗi sáng, Jun thức dậy chuẩn bị đồ cho cậu con trai đi học mẫu giáo. Trong khi đó, vợ anh sẽ tới văn phòng ở trung tâm Bắc Kinh. Sau khi đưa con đến lớp, Jun dành toàn bộ thời gian trong căn hộ, làm việc nhà, cập nhật trang riêng có tên: “Ông bố nội trợ lo lắng”.

He Jun và vợ gặp nhau khi còn học đại học những năm 2000. Sau khi tốt nghiệp, cả hai đều tìm được công việc văn phòng ở Bắc Kinh và kết hôn vào năm 2010. Sáu năm sau, họ lập gia đình.

Ban đầu, cặp đôi không có kế hoạch để He trở thành ông bố nội trợ. Song, vợ Jun trải qua ca sinh mổ khiến sức khỏe yếu đi nhiều. Anh quyết định nghỉ làm, dành thời gian chủ yếu để chăm sóc vợ.

Bốn tháng sau, khi cả hai trở lại văn phòng, họ thảo luận về cách chăm sóc trẻ trong tương lai. Hầu hết cặp vợ chồng Trung Quốc đều chọn tự chăm con hoặc nhờ ông bà vì dịch vụ đắt đỏ.

Khi vợ Jun kiếm được mức lương cao hơn nhiều, họ bắt đầu suy nghĩ về việc cô cần được ưu tiên phát triển sự nghiệp. Vì vậy, Jun quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm con trai.

“Không có bất kỳ cuộc tranh cãi nào giữa chúng tôi trong suốt quá trình này. Quyết định đó đến tự nhiên”, anh nhớ lại.

 
 
 
ong bo dam dang anh 2

Quyết định trở thành ông bố nội trợ, bỏ việc để chăm con toàn thời gian vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Bản thân cha mẹ của họ cũng phản đối gay gắt. Ảnh:VCG.

Nhưng gia đình đôi bên phản ứng không mấy tích cực. Cha mẹ Jun ở một ngôi làng hẻo lánh tại khu tự trị Nội Mông. Họ rất vui khi con trai trúng tuyển Học viện Khoa học Trung Quốc - ngôi trường danh tiếng ở Bắc Kinh. Mặc dù không dám nói với cha mẹ về quyết định từ bỏ sự nghiệp, anh biết họ sẽ rất thất vọng. Bố mẹ vợ cũng không tán thành quyết định này.

“Hầu hết mọi người vẫn sẽ chỉ coi trọng nếu bạn kiếm được tiền”, anh nói.

Vài năm làm công việc nội trợ khiến Jun He nhận ra cuộc sống của những bà mẹ ở Trung Quốc khó khăn thế nào. Mặc dù khó chấp nhận những ông bố nội trợ, xã hội vẫn “rất khoan dung” với họ. Nhiều ngày liền họ không giặt quần áo cho con trai, cũng không ai trách mắng. Nếu người ở tình huống đó là một phụ nữ, chắc chắn bà mẹ đó sẽ bị đánh giá, coi là người kém cỏi.

Công việc này cũng có những thách thức riêng. Sau 5 năm ở nhà với con trai, He Jun tâm sự anh như đang mắc kẹt. Anh ấy cảm thấy mình nên đóng góp nhiều hơn về mặt tài chính, tâm trạng cũng lên xuống thất thường. Đôi khi anh nghĩ về việc quay trở lại văn phòng nhưng lo lắng cơ hội này khá mong manh. Bởi không thực tế nếu muốn làm ở doanh nghiệp lớn, trong khi các công ty nhỏ trả lương khá ít ỏi.

Đặc biệt, khi con trai lớn hơn, việc nuôi dạy càng khó khăn. Anh phải đấu tranh để tìm ra sự cân bằng giữa việc quá nghiêm khắc và chiều chuộng con. Với He Jun, làm cha mẹ thực sự không dễ dàng.

Thay đổi

Chen, 38 tuổi, cũng cho rằng xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Sau khi kết hôn với một nữ nhà văn người Thượng Hải vào năm 2012, Chen và vợ cùng nhau đưa thỏa thuận. Ai kiếm được nhiều tiền hơn sẽ tiếp tục sự nghiệp. Người còn lại đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc con cái.

Vợ của Chen là tác giả của hàng loạt tiểu thuyết lãng mạn ăn khách, kiếm được số tiền khá lớn. Phải mất một thời gian Chen mới quen với cuộc sống này. Anh tôn trọng thỏa thuận và quyết định từ chức vào năm 2018, khi con trai của họ được 5 tuổi. Sau đó 2,5 năm, họ có thêm một cô con gái.

“Vợ tôi phải gánh vác trách nhiệm tài chính nên tôi cố gắng dành thời gian để cô ấy tập trung vào sự nghiệp”, Chen chia sẻ. Ngay từ đầu, họ đã coi vai trò của Chen là công việc nghiêm túc. Sau đó, trong một cuốn sách, Mao - vợ của anh - viết về trải nghiệm này.

Cuốn sách có tựa đề “Những ông bố toàn thời gian”, mô tả việc “thuê” Chen và đồng ý trả cho anh mức lương cố định 20.000 nhân dân tệ (3.200 USD) một tháng.

Chen chấp nhận cách tiếp cận này. Là nhân viên bán hàng, anh đã đi rất nhiều nơi và đôi khi chỉ gặp các con mỗi tháng một lần. Anh ấy cảm thấy sự thiếu gắn kết của mình đang làm tổn hại đến sự phát triển của con cái. Lựa chọn này là cách anh sửa chữa vấn đề.

 
ong bo dam dang anh 3

Một người cha hôn đứa con mới sinh tại bệnh viện ở Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, năm 2016. Ảnh:Gong Bo/VCG.

Quyết định lớn đầu tiên của họ là chuyển nhà. Thời điểm đó, cả hai đang sống với bố mẹ vợ vì ông bà có thể hỗ trợ việc chăm con. Nhưng Chen cảm thấy cần phải có không gian giữa các thế hệ. Họ thường có quan điểm, mong muốn khác nhau khi nuôi dạy con cái.

“Ông bà thường quan tâm đến bữa ăn, quần áo mà bỏ qua sự phát triển về nhân sách, hành vi của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần tự mình chăm sóc chúng”.

Trong cuốn sách của mình, Mao mô tả “thử nghiệm đảo ngược vai trò” là thành công giúp gia đình họ xích lại gần nhau hơn. Chen đồng ý.

“Định kiến tiêu cực về những ông bố ở nhà chủ yếu đến từ các thế hệ cũ của Trung Quốc”, Chen tiết lộ hầu hết bạn bè và đồng nghiệp cũ đều khá ghen tị với cuộc sống hiện tại của anh. Việc ở bên con, chơi với chúng mỗi ngày là điều các ông bố đều muốn nhưng không thể đạt được vì thực tế của công việc, cuộc sống.

"Bất kể ông bố nội trợ làm gì, mọi người sẽ nghĩ rằng đó là lòng dũng cảm đáng ngưỡng mộ. Điều đó không công bằng với phụ nữ. Có lẽ từ từ, khi các ông bố nội trợ nhiều hơn, sự bất công này với phụ nữ sẽ thay đổi", Chen nói thêm.

Thách thức cho cả hai giới

Cuộc sống này gần như rất hiếm ở Trung Quốc. Xã hội truyền thống Trung Quốc khá gia trưởng và nam giới trở thành trung tâm. Thậm chí, nhiều gia đình vẫn giữ quan niệm đàn ông là trụ cột chính trong nhà.

Năm 2021, câu hỏi “bạn có muốn trở thành ông bố nội trợ toàn thời gian không” trên Weibo, trong hơn 170 triệu lượt xem, đa số câu trả lời là không. Nhiều người cho rằng cả hai giới sẽ bị đánh giá và chỉ trích vì phá vỡ truyền thống. Những ông bố ở nhà thường bị chế giễu là “đàn ông yếu mềm”, “không cáng đáng được gia đình”, trong khi người vợ bị gắn định kiến “độc đoán và thiếu quan tâm”.

Ngay cả phụ nữ cũng phản đối xu hướng này. Nhiều bà mẹ Trung Quốc chia sẻ họ cảm thấy như “góa phụ” vì phải chăm con một mình, trách nhiệm với gia đình quá lớn. Song, họ cũng không muốn chồng mình trở thành những ông bố nội trợ. “Nó tạo ra sự bất bình đẳng về địa vị. Anh ấy có thể có nhiều thời gian, cơ hội lừa dối tôi”, một tài khoản bình luận.

 
 
 
ong bo dam dang anh 4

Một ông bố nội trợ chơi với con gái tại nhà, ảnh chụp năm 2017. Ảnh:IC.

Theo He Jun, những ông bố nội trợ duy nhất tránh được sự kỳ thị là người giàu có. Một vài người bạn của Jun đã bỏ việc văn phòng sau khi có thu nhập thụ động từ chứng khoán hay sở hữu bất động sản đắt đỏ ở Bắc Kinh. Họ có thể ở nhà với con cái cả ngày mà không phải lo vấn đề tiền bạc.

Tuy nhiên, hầu hết ông bố nội trợ đều giống Jun. Họ không xuất thân từ gia đình khá giả, không có ông bà bên cạnh giúp chăm sóc con cái và thu nhập của họ cũng ít hơn vợ. “Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một người cha dành toàn thời gian cho con”, Jun tâm sự.

Những năm gần đây, thái độ tiêu cực về những ông bố đảm đang cũng đang thay đổi. Trung Quốc vẫn còn chênh lệch lương giữa các giới, song, nhiều phụ nữ đã đạt được thành tựu, có vị trí cao trong công ty và kiếm được thu nhập nhiều hơn chồng. Họ đặt ra câu hỏi vì sao phải hy sinh sự nghiệp sau khi làm mẹ nhiều hơn.

Trong khi đó, nam giới trẻ ở Trung Quốc ấp ủ ý tưởng trở thành ông bố hiện đại, đảm đang. Năm 2019, China Youth Daily thực hiện khảo sát về các cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn tại nước này cho thấy hơn 50% nam giới ủng hộ hình mẫu ông bố nội trợ.

Ông Li Xuan, Phó giáo sư tâm lý học tại Đại học New York, Thượng Hải, cho biết: “Các ông bố Trung Quốc ngày nay sẵn sàng tham gia vào việc chăm sóc và nuôi dưỡng tình cảm thân thiết với con cái hơn thế hệ trước”. Giới chức nước này cũng tích cực khuyến khích xu hướng đàn ông nội trợ, nhằm giảm bớt gánh nặng cho những bà mẹ trẻ. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ năm 2020, phụ nữ Trung Quốc dành hơn 2,5 giờ mỗi ngày cho việc gia đình, nhiều gấp đôi so với nam giới.

 
ong bo dam dang anh 5

Chăm sóc con cái luôn là công việc không dễ dàng và đây là áp lực khá lớn với nhiều ông bố dành toàn thời gian ở nhà. Ảnh:VCG.

Sự chênh lệch quá lớn này là lý do chính khiến số lượng phụ nữ Trung Quốc không kết hôn, sinh con đạt kỷ lục. Năm 2020, chỉ 8,1 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc gắn bó với nhau, giảm 40% kể từ năm 2013. Quốc gia này cũng ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất trong 4 thập kỷ.

Năm 2021, Trung Quốc thông qua một số biện pháp nhằm khuyến khích phụ nữ lập gia đình dễ hơn, như quy định về việc nghỉ phép chung của cả bố và mẹ. Các chuyên gia nhận định điều này mong muốn nhắn gửi tới công chúng việc chăm sóc con cái là trách nhiệm của cả cha và mẹ thay vì chỉ người mẹ như trước đây.

Tuy nhiên, các chuẩn mực văn hóa hàng thế kỷ khó có thể thay đổi ngay lập tức. Đàn ông Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực xã hội mạnh mẽ khi chọn trở thành ông bố nội trợ. Họ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan phải trở thành trụ cột chính hay gánh vác trách nhiệm gia đình. Và lựa chọn nào cũng không thể vẹn toàn.

Theo Zing