Amy Morin, nhà trị liệu tâm lý, tác giả của
“13 điều những người thần kinh thép không bao giờ làm” cho biết, nếu bạn cố gắng trở thành người luôn cố làm hài lòng người khác, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được các mục tiêu của mình.
Bà cũng cho biết, thực ra mong muốn khiến người khác vui lòng theo lối đó chính là dấu hiệu của một vấn đề nào đó sâu hơn. Đối với nhiều người, việc này bắt nguồn từ việc sợ mất mặt hay là sợ bị gạt ra khỏi đám đông. Họ nghĩ rằng khi mình đồng ý với mọi người thì mình sẽ được mọi người chấp nhận và yêu quý.
Rất nhiều người trong chúng ta nhầm lẫn giữa việc làm hài lòng người khác với lòng tốt. Chúng ta không dám nói “không” với những yêu cầu và đòi hỏi vô lý hay nằm ngoài khả năng của chúng ta vì không muốn bị nghĩ rằng mình là người ích kỷ. Lâu dần, việc này hình thành nên một thói quen và lối sống nhu nhược, nó khiến bạn không chân thật với chính bản thân mình, cũng khiến bạn dễ thỏa hiệp với cái xấu và khiến người khác có thêm cơ hội lợi dụng lòng tốt của bạn để trở nên lười biếng hoặc ỷ lại.
Amy Morin đã liệt kê ra 10 dấu hiệu cho thấy bạn đang cố gắng để làm đẹp lòng tất cả mọi người:
- Bạn giả bộ đồng ý với tất cả mọi người
Lắng nghe người khác một cách lịch sự ngay cả khi bạn không đồng ý với ý kiến của họ là một kỹ năng giao tiếp xã hội cần thiết. Tuy vậy, nếu bạn giả vờ đồng ý chỉ vì bạn muốn bản thân được yêu quý, điều này khiến một lúc nào đó bạn có thể đi ngược lại với những giá trị của bản thân một cách không tự biết.
- Bạn cảm thấy mình có trách nhiệm với cảm xúc của người khác
Sẽ rất tốt nếu bạn có ý thức về hành vi của bản thân và ý thức được rằng hành vi đó ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Nhưng sẽ là vấn đề nếu bạn cho rằng mình có khả năng khiến người khác hạnh phúc, bởi cảm xúc của mỗi cá nhân được quyết định bởi chính bản thân người đó chứ không phải bạn.
3. Bạn thường xuyên nói xin lỗi
Thường xuyên cảm thấy bản thân có lỗi, hay sợ người khác chỉ trích bản thân, và liên tục nói lời xin lỗi có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Bạn không cần thiết phải xin lỗi vì đã là chính mình.
- Bạn cảm thấy nặng nề về những việc mình phải làm
Mỗi ngày, mỗi người đều chỉ có một quỹ thời gian ngắn ngủi của riêng bản thân họ, và họ có trách nhiệm trong việc sử dụng quỹ thời gian đó. Nhưng nếu chỉ luôn muốn làm vừa lòng người khác, có thể thời gian của bạn sẽ chỉ dành để làm những việc mà bạn nghĩ người khác muốn bạn làm.
- Bạn không thể nói “Không”
Mặc dù bạn nói “có”, nhưng sau đó lại không thực hiện lời hứa đó, hoặc kiếm cớ để thoái thác. Khi bạn thậm chí không thể bảo vệ cho chính bản thân mình và những giá trị của mình, thì bạn sẽ chẳng làm được việc gì to tát.
- Nếu ai đó tức giận với bạn, bạn thấy khó chịu
Chỉ vì ai đó tức giận với bạn, không có nghĩa là bạn đã làm gì đó sai. Nhưng nếu bạn không thể chịu được suy nghĩ có người không vừa lòng với mình, bạn sẽ dần dần trở thành con người dễ thỏa hiệp.
- Bạn cư xử giống những người xung quanh
Sự khác biệt trong tính cách mỗi con người là một điều hiển nhiên và bình thường. Nhưng những người chuyên làm hài lòng người khác lại sợ bản thân mình không được chấp nhận bởi đám đông, vì thế họ ra sức trở nên giống với mọi người. Tin xấu là sự thỏa hiệp này dễ dàng khiến bạn dần trở thành không phân biệt được tốt xấu thiện ác.
- Bạn cần được khen để tâm trạng tốt hơn
Chúng ta không phủ nhận rằng lời khen đúng lúc và những lời tử tế có thể khiến con người cảm thấy tích cực hơn, thế nhưng người luôn làm vừa lòng người khác lại xem những điều này như một sự ghi nhận về nỗ lực và khả năng của họ.
- Bạn cố gắng tránh mâu thuẫn
Xung đột là điều không ai muốn, nhưng tìm mọi cách để trốn tránh mâu thuẫn không phải là một cách hay, bởi bạn sẽ không dám đấu tranh cho những thứ mà bạn tin tưởng. Hãy đối mặt và giải quyết vấn đề.
- Bạn không thừa nhận rằng bản thân cảm thấy bị tổn thương
Nếu bạn luôn tìm cách phủ nhận rằng bạn đang tức giận, buồn bã, xấu hổ hay thất vọng ra sao, bạn sẽ không bao giờ có được một mối quan hệ sâu sắc và mọi thứ dường như thật giả tạo.
Vậy làm thế nào để tránh việc trở thành người luôn làm vừa lòng người khác?
Sự thật là, bạn sẽ chẳng bao giờ tận dụng tối đa được tiềm năng của mình hay chẳng bao giờ được trọng dụng nếu bạn chỉ là một kẻ khúm núm, không có chính kiến và cố gắng làm vừa ý tất cả.
Hãy bắt đầu bỏ thói quen này bằng cách tập nói “không” với những điều nhỏ, biểu đạt quan điểm của bạn từ những điều đơn giản, hay đứng lên bảo vệ cho những thứ bạn tin. Từng bước một, bạn sẽ ngày càng tự tin hơn vào khả năng được sống đúng theo bản thân mình.
Theo Quê hương