|
|
Mạng xã hội là công cụ kết nối, vừa là thách thức đối với cả nhân viên và doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Ron Lach/Pexels. |
Theo khảo sát của công ty công nghệ Owl Labs, hơn 1/3 nhân viên toàn thời gian tại Mỹ thừa nhận đã đăng tải nội dung tiêu cực về công việc hoặc công ty lên mạng xã hội.
Đặc biệt, gần 1/2 số nhân viên Gen Z (sinh năm 1997-2012) có hành động này. Thậm chí, 13% thừa nhận đã đăng bài ẩn danh trên các trang web đánh giá công ty như Glassdoor, và 15% thú nhận đã ghi âm các cuộc trò chuyện hoặc họp với cấp trên, theo Digiday.
"Trong bối cảnh mô hình làm việc kết hợp (hybrid) ngày càng phổ biến, các tương tác trực tiếp giảm đi, nhân viên tìm đến mạng xã hội như một cách để nêu quan điểm", Frank Weishaupt, CEO của Owl Labs, nhận định rằng xu hướng này xuất phát từ sự thay đổi trong môi trường làm việc.
Cùng chung nhận định, Wired cũng chỉ ra rằng người trẻ không ngại phơi bày những vấn đề nhạy cảm trong công việc trên mạng xã hội, thậm chí đánh đổi quyền riêng tư để thu hút sự chú ý.
Điển hình cho xu hướng này, trong gần 2 năm qua, TikTok đã trở thành nơi người trẻ chia sẻ những video "một ngày bị sa thải", quay lại cảnh công ty thông báo sa thải, đặc biệt đối với ngành công nghệ.
|
|
Chán nản với công việc, nhiều nhân viên văn phòng tại Mỹ đã tìm đến mạng xã hội để bày tỏ sự bất mãn. Ảnh minh họa:George Pak/Pexels. |
Người trẻ quan tâm đến việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống, tác động xã hội và mục đích công việc. Tất cả được thể hiện rõ ràng qua cách họ đăng bài trên mạng xã hội: ghi lại cuộc sống "5-to-9 trước 9-to-5", khơi mào trào lưu "nghỉ việc thầm lặng", và lãng mạn hóa những ngày đầu tiên trở lại văn phòng sau đại dịch. Và giờ đây, họ đang phơi bày thực tế mất việc làm.
Trong một số trường hợp, những video này được đánh giá cao vì đã xóa bỏ sự kỳ thị xung quanh việc sa thải. Tuy nhiên, mặt trái của xu hướng này cũng dần lộ rõ. Việc quay phim lại nhà tuyển dụng cũng chỉ ra sự xói mòn lòng tin nơi công sở.
"Cả hai bên đều không tin tưởng lẫn nhau nhiều như trước đây", Johnny C. Taylor Jr., Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Quản lý Nguồn nhân lực Mỹ, nhận định.
Không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động, việc chia sẻ video về quá trình sa thải còn có thể dẫn đến những rắc rối pháp lý.
Nếu video được cắt ghép và chỉnh sửa theo cách thể hiện công ty dưới góc độ sai lệch, có thể dẫn đến các vụ kiện phỉ báng. Tương tự, luật về ghi âm cũng cần được chú ý, theo ông Taylor Jr.
|
|
Xu hướng công khai những khoảnh khắc riêng tư nơi công sở đang lan rộng trên TikTok. Ảnh minh họa:Vanessa Garcia/Pexels. |
Luật pháp liên bang Mỹ vẫn cho phép nhân viên thảo luận về các vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc trên mạng, bao gồm lương, phúc lợi và các khiếu nại khác, như một hình thức hoạt động tập thể được bảo vệ.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những hành vi đăng tải thông tin sai lệch, xúc phạm nghiêm trọng hoặc công khai chê bai sản phẩm, dịch vụ của công ty mà không liên quan đến tranh chấp lao động sẽ không được bảo vệ.
Theo luật sư lao động Jill Kahn Marshall, việc nhân viên "bóc phốt" công ty trên mạng xã hội đang ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm.
"Hầu hết công ty lớn đều có quy định về hoạt động của nhân viên trên mạng xã hội trong sổ tay nhân viên", bà cho biết.
Tuy nhiên, không có một chính sách chung nào phù hợp với tất cả. Mục tiêu chính thường là hạn chế nhân viên nói xấu, đưa thông tin sai lệch về công ty. Ngoài ra, các bài đăng trên mạng xã hội cũng sẽ bị xem xét theo các chính sách chống quấy rối và phân biệt đối xử của công ty.
Theo lifestyle.znews