1. Ngôn ngữ chỉ có 8 người nói
Busuu là ngôn ngữ chưa được phân loại, được nói ở phía Nam Bantoid của Cameroon và chỉ 8 người sử dụng. Con số 8 người nói tiếng Busuu được đưa ra vào năm 1986, đến năm 2005 chỉ còn 3 người và nó đang trở thành ngôn ngữ có nguy cơ bị tuyệt chủng.
2. Tiếng Quan Thoại được coi là khó học nhất
Tiếng Quan Thoại của Trung Quốc (Chinese Mandarin) được xem là khó học nhất khi bảng chữ cái được tạo hoàn toàn từ các ký hiệu khác nhau. Người dân địa phương Trung Quốc ước tính trung bình quen thuộc với hơn 8.000 ký hiệu và cần tối thiểu 3.000 ký hiệu để có thể đọc báo. Ngoài ra, tiếng Quan Thoại còn có bốn thanh điệu trong phát âm để phân biệt các từ vì nhiều ký tự có cùng âm.
3. Tiếng Anh nhiều từ nhất
Tiếng Anh đứng đầu trong danh mục ngôn ngữ có nhiều từ nhất với khoảng 750.000 và những từ mới luôn được cập nhật. Trên thực tế, ước tính 5.400 từ tiếng Anh mới được tạo ra hàng năm, mặc dù chỉ khoảng 1.000 từ trong số này được sử dụng rộng rãi.
4. William Shakespeare đã phát minh ra 1.700 từ
Về chủ đề từ mới, nhà văn lừng danh William Shakespeare đã tạo ra bộ sưu tập từ vựng khá lớn. Ông đã làm điều này thông qua sự thay đổi danh từ thành động từ, động từ thành tính từ, kết hợp từ, thêm tiền tố, hậu tố cũng như phát minh ra những từ mới khác.
5. Mỹ không có ngôn ngữ chính thức
Mặc dù tiếng Anh được sử dụng phổ biến nhất ở Mỹ, nó không phải là ngôn ngữ chính thức ở Mỹ. Hơn 300 ngôn ngữ được sử dụng khắp quốc gia này khiến Mỹ trở thành nơi đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ.
6. Học ngôn ngữ thứ hai giúp phát triển não bộ
Biết nói nhiều hơn một ngôn ngữ mang đến rất nhiều lợi ích mà một trong số đó là giúp não bộ trở nên thông minh hơn. Điều này đã được chứng minh. Thậm chí, học một ngôn ngữ mới có thể làm chậm quá trình lão hóa của não bộ và giữ cho đầu óc của bạn nhạy bén, linh hoạt hơn.
7. Câu ngắn nhất đúng ngữ pháp là "Go!"
Câu mệnh lệnh "Go!" trong tiếng Anh để hướng dẫn một người thực hiện hành động đi được coi là câu nói ngắn nhất nhưng vẫn đúng ngữ pháp. Trong câu này, chủ ngữ không được đề cập nhưng tất cả đều ngay lập tức hiểu ý nghĩa của nó.
8. Tiếng Nga là ngôn ngữ phổ biến nhất châu Âu
Với khoảng 120 triệu người bản ngữ sử dụng, tiếng Nga trở thành ngôn ngữ phổ biến nhất ở châu Âu. Tiếng Đức đứng vị trí thứ hai với 95 triệu người. Tuy nhiên, tiếng Đức vẫn được sử dụng rộng rãi hơn trong các lĩnh vực thương mại.
9. Có khoảng 160 phương ngữ tiếng Anh
Mặc dù không thể xác định số lượng chính xác phương ngữ tiếng Anh, người ta ước tính có 160 phương ngữ của ngôn ngữ này trên khắp thế giới. Những người lần đầu học ngôn ngữ sẽ khó để phân biệt các phương ngữ nhưng người nói tiếng Anh bản ngữ thường nhanh chóng nhận ra ai đến từ vùng nào qua cách phát âm của người đó.
10. "Pneumonoultramicroscopicsilicovolcanoconiosis" là một trong những từ dài nhất thế giới
Dường như chưa có sự công nhận chính thức nào về từ dài nhất thế giới vì ngôn ngữ luôn thay đổi và số lượng từ tăng lên hàng ngày. Nhưng từ với 45 chữ cái này chắc chắn là một trong những từ dài nhất. Từ này dùng để chỉ một căn bệnh về phổi do hít phải hạt bụi silica rất mịn, chủ yếu từ núi lửa. Nhiều người sử dụng từ "silicosis" khi nói về căn bệnh này để tạo ra sự dễ dàng, hiệu quả hơn trong viết và giao tiếp.
Theo vnexpress