"Thế giới bên ngoài rất tĩnh lặng", Cassadra Nelson, giáo viên người Mỹ 25 tuổi, sống tại trung tâm thủ đô Tây Ban Nha, cho hay. Cô sống ở thành phố Charlotte, bang Bắc Carolina, Mỹ, mới chuyển tới Madrid hồi tháng 8 năm ngoái để dạy tiếng Anh. 

Sau khi trường học phải đóng cửa từ hôm 11/3, Nelson dành hầu hết thời gian ở công viên với bạn bè. Nhưng tới hôm 14/3, công viên này cũng đã đóng cửa.

"Hầu hết mọi ngôi nhà đều có ban công và đây là nơi duy nhất họ có thể nhìn thấy ánh mặt trời. Do đó, mọi người ra đứng ở ban công suốt cả ngày. Họ hát, đánh đàn và nhảy múa. Chúng tôi đều đang cố gắng để không chết vì buồn chán", Nelson nói.

Nelson chỉ là một trong khoảng 170 triệu người trên khắp châu Âu đang phải tập làm quen với cuộc sống mới, khi các nước như Pháp, Tây Ban Nha nối gót Italy, áp lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn Covid-19.

Đại dịch đang lây lan với tốc độ chóng mặt khắp châu Âu, tâm dịch toàn cầu mới, và Italy vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, nơi dịch khởi phát. Italy đã ghi nhận gần 28.000 ca nhiễm và hơn 2.100 người chết vì nCoV.

Với 368 ca tử vong mới, hôm 15/3 trở thành ngày chết chóc nhất của Italy kể từ khi Covid-19 bùng phát ở đây. Điều này càng làm dấy lên lo ngại hệ thống y tế của nước này sẽ phải "gồng mình" tới mức nào để đối phó với số ca nhiễm không ngừng tăng.

Chính phủ Italy tuần trước áp lệnh phong tỏa cả nước để ngăn nCoV lan rộng, đóng cửa trường học, cửa hàng, cấm mọi sự kiện thể thao và yêu cầu mọi người ở nhà, ngoại trừ trường hợp cấp bách.

"Các nhà khoa học cho biết dịch chưa đạt đỉnh, nên những tuần này là khoảng thời gian nguy hiểm nhất và cần phải đề phòng tối đa", Thủ tướng Italy Guiseppe Conte nói và giải thích rằng hiệu quả của lệnh phong tỏa có thể thấy sau vài tuần.

Sau những hỗn loạn ban đầu, người Italy đang dần làm quen với cuộc sống trong vòng phong tỏa. Tại thành phố cảng Livorno thuộc vùng Tuscany, người dân được phép ra ngoài để tới siêu thị, hiệu thuốc nhưng chỉ được đi một mình. Họ vẫn được đi làm nếu không thể làm việc từ xa.

Hai người dân đứng trên ban công ởMagliana, thành phố Rome, Italy hôm 15/3. Ảnh: AFP.

Hai người dân đứng trên ban công ởMagliana, thành phố Rome, Italy hôm 15/3. Ảnh:AFP.

Tuy nhiên, chỉ vài người được phép vào một cửa hàng cùng lúc, nên nhiều người phải xếp hàng chờ đợi phía ngoài. Họ cũng phải duy trì khoảng cách an toàn tối thiểu một mét theo khuyến nghị của giới chức y tế. 

Những người rời khỏi nhà đều phải mang theo mẫu đơn giải thích lý do ra đường. Nếu bị cảnh sát chặn lại và đưa ra lý do không hợp lý, họ có thể bị phạt. Các cuộc tụ họp gia đình, giao lưu bạn bè hay tự ý rời khỏi khu vực cư trú đều bị cấm.

Dù cuộc sống gặp nhiều bất tiện do lệnh phong toả, nhiều cư dân ở Livorno cho biết đây là điều cần thiết để ngăn nCoV lây lan, bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là người có sức khỏe yếu, đồng thời giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế quốc gia.

Để vượt qua sự "ảm đạm" cũng như nỗi sợ đối với dịch Covid-19, nhiều người dân ở thành phố Livorno, thành phố Casoria ở phía nam Naples và nhiều nơi khác đã kéo nhau ra ban công đàn hát. Không chỉ giúp bản thân giải sầu, nhiều người hy vọng hành động này có thể khích lệ tinh thần của những người khác, đặc biệt là các nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch.

Trong khi nhiều người dần chấp nhận cuộc sống phong tỏa, Bộ Nội vụ Italy cho biết nhà chức trách vẫn phát hiện 20.000 người cố tình vi phạm lệnh phong tỏa trên cả nước và họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha, những con phố sầm uất, nhộn nhịp giờ đây trở nên hiu quạnh sau khi chính phủ áp lệnh phong tỏa vào đêm 14/3. Mọi người giờ chỉ được phép rời nhà tới nơi làm việc, hiệu thuốc hoặc bệnh viện.

Cảnh sát Madrid đã phạt 199 người và bắt một người vì vi phạm lệnh phong tỏa, thị trưởng Jose Luis Martinez-Almeida cho biết.

Hơn 1.000 binh sĩ đã được huy động trên khắp cả nước để giám sát việc chấp hành lệnh phong tỏa và yêu cầu mọi người về nhà trừ khi họ có lý do ra ngoài hợp lý. Tây Ban Nha hiện là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu, sau Italy, với gần 10.000 ca nhiễm và hơn 340 người chết. 

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron  yêu cầu người dân phải "hạn chế nghiêm ngặt việc di chuyển trong ít nhất 15 ngày tới" cũng như giảm tiếp xúc xã hội nhiều nhất có thể để ngăn nCoV lây lan.

"Chúng ta đang trong một cuộc chiến. Kẻ thù là vô hình nên chúng ta phải dốc toàn lực", Tổng thống Macron nói trong bài phát biểu ở Paris hôm 16/3. Ông cũng tuyên bố người dân không được phép tụ tập bạn bè, gia đình và chỉ được ra ngoài để mua nhu yếu phẩm, thăm khám y tế hoặc làm việc. 

Trước đó cùng ngày, người đứng đầu cơ quan y tế công cộng quốc gia Pháp Jerome Salomon cảnh báo rằng cuộc chiến chống Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn.

"Rất nhiều người chưa nhận thức được rằng họ cần phải ở nhà và mức độ chấp hành quy định hạn chế đồng nghĩa chúng ta không thể đánh bại dịch bệnh này", Salomon cho biết.

Người phụ nữ đeo khẩu trang mua rau quả tại một cửa hàng ở Paris, Pháp hôm 16/3. Ảnh: NY Times.

Người phụ nữ đeo khẩu trang mua rau quả tại một cửa hàng ở Paris, Pháp hôm 16/3. Ảnh:NY Times.

Pháp hiện ghi nhận hơn 6.600 ca nhiễm và 148 người chết vì nCoV. "Tôi kêu gọi tất cả người dân Pháp cùng chung tay chống Covid-19", ông nói.

Nhiều nhà hàng, quán cà phê, đường phố ở Paris trở nên vắng vẻ. Tại nhà hàng Dome nổi tiếng, một tấm biển được treo trên cửa ra vào có nội dung "Đóng cửa vì Covid-19".

Một số điểm du lịch hút khách, trong đó có khu phố Montparnasse cũng trở nên yên lặng bất thường trong những ngày qua.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tập trung ở các công viên, bờ sông và địa điểm công cộng ở Paris, khiến giới chức lo ngại người dân đang xem nhẹ những cảnh báo của chính phủ.

Theo vnexpress