Những cặp mới đính hôn từ trong đại dịch sẽ chiếm phần lớn số tiệc cưới năm nay, theo New York Times.
"Khi phải cách ly ở nhà, mọi người bắt đầu dành nhiều thời gian cho mối quan hệ của mình hơn. Họ tự hỏi ‘Đây có phải là người mình muốn ở bên hay không?’. Nhìn chung, tình yêu trở thành ưu tiên trong cuộc sống. Việc muốn nên đôi và kết hôn là xu hướng đang lên”, Elizabeth Overstreet, chuyên gia tình yêu ở North Carolina (Mỹ), cho hay.
Với những đôi quyết tâm cưới năm nay, nhiều bất ngờ có thể đang chờ đợi phía trước bởi đại dịch đã gây thách thức cho ngành công nghiệp tiệc cưới.
Đám cưới đắt đỏ
Shane McMurray, người sáng lập Wedding Report, đưa lời khuyên: “Nếu bạn định tổ chức đám cưới năm 2022, hãy kiên nhẫn". Đồng thời, các cặp vợ chồng cũng cần linh hoạt về tài chính, bởi chi phí trung bình cho một đám cưới sẽ tăng từ 22.000 USD trong 2021 lên 25.000 USD trong 2022.
Tara Melvin, chủ doanh nghiệp tổ chức sự kiện tại Washington, D.C. (Mỹ), cho biết chi phí tăng thêm là do lạm phát và những bất cập trong chuỗi cung ứng.
“Các đối tác tổ chức đám cưới, nhất là bên thiết kế hoa, đang gặp khó khăn để lấy hàng từ nhà sản xuất. Ngay cả giấy cho thiệp mời cũng khó kiếm được”, cô nói.
Cùng lý do trên, khách dự đám cưới cũng sẽ phải tăng mức chi tiêu. Năm 2019, khách dành trung bình 430 USD để dự một đám cưới, theo WeddingWire. Nhưng trong năm 2022, số tiền dự kiến sẽ lớn hơn, không chỉ vì quà cáp, trang phục mà cả việc dịch chuyển cũng đắt đỏ do giá xăng dầu tăng.
Việc chi trả nhiều hơn cho đám cưới không có nghĩa những bữa tiệc năm 2022 sẽ hoành tráng hơn. McMurray, người sáng lập Wedding Report, cho biết các đám cưới khoảng 75-100 người vẫn phổ biến nhất.
Tuy nhiên, theo Maryam Mudrick và Justine Broughal, chuyên tổ chức sự kiện tại New Jersey (Mỹ), có những cặp vợ chồng đã chán ngấy việc phải làm tiệc cưới nhỏ, ít người vì đại dịch.
"Nhiều người đã nói: 'Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu nên nhất định phải làm lớn'. Một số đã đặt lịch từ 2019 nhưng sẵn sàng chuyển đám cưới sang 2023 vì muốn có bữa tiệc trên 200 khách”, Broughal cho biết.
Khó khăn với người tổ chức
Dù các điểm cưới và nhà cung cấp đang đắt khách hơn vào năm 2022, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được hưởng lời từ xu hướng này.
“Đây chỉ là nhu cầu bị dồn nén chứ không phải sự phát triển trong ngành công nghiệp”, McMurray nói.
Phần lớn các doanh nghiệp chỉ đang cố bắt nhịp trở lại sau 2 năm đình trệ vì Covid-19.
"Các đối tác của chúng tôi đang làm việc ngày đêm. Họ phải nhồi nhét số đám cưới trong 2 năm vào một", Broughal, chuyên tổ chức sự kiện, cho biết. Cơ hội để bù đắp khoản thu nhập đã mất vì Covid-19 tạo động lực cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số bắt đầu cảm thấy kiệt sức.
McMurray cho biết nhu cầu khách hàng cao sẽ tạo cơ hội cho những người mới gia nhập ngành công nghiệp tiệc cưới.
"Chẳng hạn, nếu là DJ hay nhiếp ảnh gia, bạn chỉ cần sắm vài thiết bị. 2022 sẽ là năm ngành công nghiệp có nhiều đối thủ cạnh tranh”. Các doanh nghiệp hoặc cá nhân biết quảng bá thương hiệu và đi theo xu hướng thịnh hành sẽ hưởng lợi từ sự bùng nổ này.
Do những trở ngại trong việc tổ chức đám cưới năm nay, các đôi vợ chồng đang cẩn trọng hơn với danh sách khách mời và cố gắng thể hiện sự trân trọng với những người đến dự.
Một số khách đã phải tiêm vaccine chỉ để tham dự dịp này. Số khác, nhất là những người trên 65 tuổi, có thể dễ nhiễm bệnh khi ở nơi đông người. Bởi vậy, nhiều cô dâu, chú rể muốn truyền tải sự biết ơn và ý nghĩa sâu sắc trong đám cưới của mình.
Các nhà tổ chức tiệc cưới tin rằng sự chân thành đó sẽ không cần ép buộc, bởi những cặp kết hôn trong 2022 thường rất nghiêm túc. Trước sự hoành hành của Omicron cùng nguy cơ biến chủng mới xuất hiện, nhiều đôi vẫn quyết tâm làm đám cưới vì đã chán cảnh trì hoãn.
McMurray cũng nói rằng ít có khả năng mọi người sẽ dời lịch vì Covid-19.
Tara Melvin, người tổ chức tiệc cưới, cảm thấy vui mừng trước sự quyết tâm này. "Ngành công nghiệp của chúng tôi đã cần mẫn thu thập thông tin nhằm giúp mọi người an toàn tại bữa tiệc, với yêu cầu về vaccine, khẩu trang hoặc cả 2. Chúng tôi biết mình cần làm gì", cô chia sẻ.
Theo Zing