Xuất phát từ New Zealand tối 1/3, tàu du lịch MS Maasdam di chuyển theo hướng bắc để đến thành phố San Diego (bang California, Mỹ). Theo lộ trình, du thuyền sẽ ghé thăm quần đảo Cook, quần đảo Polynesia thuộc Pháp và Hawaii.
Có khoảng 1.200 hành khách và 542 thủy thủ đoàn với đa dạng quốc tịch có mặt trên hành trình từ châu Đại Dương tới châu Mỹ. Chuyến đi cũng chào đón một số nghệ sĩ và diễn giả, trong đó có Jon Tonks, một nhiếp ảnh gia chân dung đến từ Bath (Anh).
Tàu MS Maasdam. Ảnh: CBS8.
Vào thời điểm con tàu xuất phát, một số quốc gia bắt đầu ghi nhận những ca dương tính Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn bùng phát chủ yếu ở Trung Quốc.
Dù chưa phải lo ngại mấy về khả năng bị lây nhiễm, hành khách trên tàu MS Maasdam vẫn được yêu cầu khai báo y tế trước khi ra khơi. Lộ trình của tàu cũng được sắp đặt lại để không đi qua khu vực châu Á.
Giám đốc điều hành du thuyền Thomas Weber (50 tuổi) tự tin rằng: “MS Maasdam có một đội ngũ giải trí tuyệt vời cùng với lịch trình hoàn hảo”. Tuy nhiên, ông không ngờ rằng đây sẽ là chuyến đi khó khăn nhất ông từng thực hiện.
Rắc rối bắt đầu xuất hiện
Ban đầu, mọi chuyện diễn ra theo đúng kế hoạch. Các quy tắc vệ sinh chung được triển khai nghiêm ngặt hơn. Thuỷ thủ đoàn có nhiệm vụ đứng tại các quầy nước rửa tay và nhắc nhở hành khách sử dụng thường xuyên. Công tác làm sạch và khử trùng du thuyền cũng được tiến hành liên tục.
Sau khi đi dọc Đảo Bắc của New Zealand và đảo quốc Fiji, rắc rối bắt đầu xuất hiện.
Hành khách vui chơi tại đảo Fiji. Ảnh: Jon Tonks.
Người dân ở Tonga không cho con tàu nhập cảnh do lo sợ dịch bệnh. Lịch trình ở địa điểm này bị hủy bỏ và các hành khách phải lênh đênh trên thuyền vài ngày. Đa số đều hiểu tình cảnh và thông cảm với quyết định của thuyền trưởng, nhưng không phải tất cả.
“Một nhóm thanh niên Mỹ ngồi ở quầy bar cả ngày. Càng uống, họ càng say xỉn và tỏ ra giận dữ, cho rằng phi hành đoàn lấy đại dịch làm cái cớ để bỏ bớt địa điểm. Hình như họ đã chuẩn bị cho kế hoạch đi lặn ở đâu đó”, nhiếp ảnh gia Tonks kể lại.
Sau đó, Rarotonga thuộc quần đảo Cook cho phép du thuyền cập bến. Hành khách có một ngày vui chơi tại đây trước khi trở lại tàu và tiếp tục hành trình. Nhưng tới điểm dừng Tahiti, họ lại bị từ chối nhập cảnh.
Trước tình hình này, vị thuyền trưởng vừa cố gắng đàm phán với các cảng biển cho phép họ cập bến, vừa tìm cách chấm dứt tình trạng lênh đênh trên biển. Cuối cùng, ông quyết định đưa con tàu MS Maasdam trở lại Rarotonga.
Dave Morin (79 tuổi) là một trong những du khách trên tàu. Ông tận hưởng chuyến đi có một không hai này với Vicki, người vợ của mình. Mặc dù có phần lo lắng về hoạt động kinh doanh tổ chức tiệc cưới ở quê nhà Massachusetts (Mỹ), hai người cảm thấy rất thoải mái nếu kỳ nghỉ buộc phải kéo dài thêm.
Một cặp vợ chồng cao niên ngắm cảnh biển trên du thuyền. Ảnh: Jon Tonks.
“Nếu gọi đây là một dạng 'bắt cóc làm con tin', du thuyền này quá đỗi tử tế so với nhiều địa điểm khác. Ở đây, vợ chồng tôi được thưởng thức 3 bữa ngon miệng mỗi ngày, chơi bingo, tắm nắng và xem chương trình giải trí mỗi tối”, Dave nói.
Một số hành khách khác lo ngại về việc cạn kiệt thuốc men cá nhân. Tuy nhiên, họ chỉ có thể rời khỏi Rarotonga nếu họ mua được một chiếc vé máy bay. Nhiếp ảnh gia Tonks kịp mua vé bay về Auckland (Australia), rồi từ đó anh bay tiếp về London (Anh). Có khoảng 350 người quyết định rời tàu như anh.
“Một phần trong tôi nghĩ rằng mình nên ở lại trên thuyền. Những hành khách trên chuyến đi này rất hòa đồng, thân thiện và hài hước. Vậy mà tôi lựa chọn tạm biệt họ để về Bath cách ly một mình”, Tonks nói.
Gắn kết thành một gia đình lớn
Du thuyền tiếp tục hành trình hơn 4.500 km tới Hawaii. Sự sụt giảm về số lượng người kéo theo không ít hoạt động giải trí ngừng tổ chức, khiến cho bầu không khí trên con tàu không còn được vui vẻ như trước.
Trước tình hình trên, giám đốc Weber tổ chức một “cuộc họp” lớn tại nhà hát với sự tham dự của tất cả hành khách. Ông hỏi mọi người có thể làm công việc gì để cải thiện tình trạng này.
Sau một hồi bày tỏ sự thất vọng về việc hành trình không diễn ra như mong đợi, các du khách đồng ý cùng nhau thay đổi bầu không khí chuyến đi. Một số người tự nguyện đứng lớp dạy tiếng Tây Ban Nha hoặc khiêu vũ nghệ thuật.
“Bỗng nhiên chúng tôi trở thành một gia đình lớn và vô cùng hạnh phúc. Điều này thật tuyệt. Ví dụ như con trai tôi Cameron (12 tuổi), đứa trẻ duy nhất trên du thuyền, tự dưng có hàng tá ông bà “nuôi”. Họ thường xuyên cằn nhằn và nhắc nhở nó nhưng Cameron rất thích điều đó”, Shanks (49 tuổi), một nữ du khách, kể lại.
Kể từ khi rời Rarotonga, con tàu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong suốt hơn 2 tuần. Mọi hành khách đều khỏe mạnh, không ghi nhận ca nhiễm nào.
“Mỗi lần bị cảng biển các nước từ chối cho nhập cảnh, tôi trấn an các du khách rằng họ chính là những người may mắn nhất trên thế giới khi thực hiện cách ly tại đây. Trong khi ngày lễ Thánh Patrick bị hủy bỏ ở mọi quốc gia, du thuyền MS Maasdam lại tổ chức linh đình”, Weber nói.
“Mọi người ở quê nhà không được phép ra đường, chúng tôi lại được tận hưởng những đêm tuyệt vời tại nhà hát và rạp chiếu phim trên du thuyền. Ở nơi đây, tiệm làm tóc vẫn hoạt động, cả phòng gym lẫn bể bơi nữa”, Shanks kể lại.
Hawaii là địa điểm tiếp theo cấm con tàu cập bến mặc dù thuyền trưởng đã đàm phán trước đó. Chính quyền bang thay đổi quyết định vào phút chót. Không cho phép bất kỳ ai lên bờ, kể cả người mang quốc tịch Mỹ. Vì vậy, du thuyền chuyển hướng tới điểm cuối cùng: San Diego.
Vào đêm cuối cùng của chuyến đi bất tận này, toàn bộ phi hành đoàn cùng nhau lên sân khấu hát và chào tạm biệt các hành khách, từ nhân viên phục vụ, đầu bếp, quản gia và cả những người ở phòng máy.
Ai nấy cũng đều xúc động nghẹn ngào. Họ còn rơi nước mắt nhiều hơn vào ngày hôm sau, khi con tàu cập bến tại điểm dừng cuối cùng trên lộ trình.
Theo Zing