Bản lĩnh và sự nam tính của người đàn ông không chỉ thể hiện bằng lời nói, mà bằng hành động. Ngoại hình có thể thay đổi, lời nói có thể được che đậy khéo léo, nhưng hành động là khó che đậy nhất. Kết hợp giữa lời nói và hành động của một người, có thể biết người đàn ông đó có bản lĩnh hay kém cỏi, tự ti.
Theo tờ Aboluowang, có ba đặc điểm có thể giúp nhận diện một người đàn ông tự ti.
Thích thể hiện
Khi người đàn ông cảm thấy mình thấp kém ở một khía cạnh nào đó, họ thường sẽ có xu hướng sử dụng những lợi thế khác để thu hút sự chú ý của những người xung quanh, nhằm che giấu để người khác bỏ qua điểm yếu của mình.
Trong thực tế cuộc sống, ta có thể bắt gặp những người như thế: những người thích khoe khoang mình kiếm nhiều tiền, có nhiều mối quan hệ, địa vị cao... Mong muốn được quan tâm, chú ý là một đặc điểm tự nhiên của con người, nhưng khi nó trở thành sự "nổ", thích thể hiện, thì đó thực chất là cách che giấu thua kém, mặc cảm không bằng người khác.
Ở họ là tâm lý sợ bị chê, sợ bị coi thường. Đặc điểm của người đàn ông thích thể hiện còn là thích nói về mình. Người này còn thích đưa ra những phát ngôn gây sốc, để gây chú ý.
Thích hơn thua
Đàn ông tự ti luôn sợ người khác coi thường mình, vì vậy họ luôn chú ý đến hình ảnh của bản thân trước mặt người khác, thậm chí "đàn áp" người khác bằng sức mạnh của mình.
Kiểu người này khi thảo luận sẽ luôn muốn người khác đồng tình với điều anh ta nói. Nếu không được công nhận, anh ta sẽ dùng những lời gay gắt, căng thẳng, nhằm chứng minh mình đúng, bởi điều đó sẽ khiến anh ta không mất mặt.
Đàn ông tự ti như vậy không bao giờ chấp nhận thực tế là lỗi ở họ, mà thường đi đổ lỗi cho người khác. Người tự tin, mạnh mẽ sẽ nhìn bản thân mình đầu tiên, trong khi kẻ tự ti lại luôn đi nhìn vào người khác trước tiên.
Thích kiểm soát người khác
Ghen tuông, thích kiểm soát là một dấu hiệu dễ thấy của người đàn ông tự ti. Kiểu người này luôn muốn người khác tuân thủ mình. Họ thường nóng giận bộc phát, thậm chí có xu hướng đe dọa người khác nếu họ làm trái ý mình.
Sự tự ti khiến họ luôn ám ảnh với suy nghĩ rằng đối phương đang thách thức năng lực của họ, thôi thúc họ dùng quyền lực của mình gây sức ép ngược lại. Họ có thể ra lệnh, yêu cầu, thậm chí là cấm đoán, để thỏa mãn cảm xúc của bản thân và che giấu sự tự ti của chính họ. Trong trường hợp khi không thống trị được đối phương, người đàn ông này sẽ buồn bã, mất bình tĩnh.
Theo các nhà tâm lý học, mỗi người trong chúng ta đều có thể có tâm lý tự ti về một khía cạnh nào đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, nên nhìn nhận sự tự ti của bản thân một cách khách quan hơn và nỗ lực để vượt qua những cảm xúc đó và cải thiện bản thân.
Che đậy và phủ nhận sự tự ti của bản thân hoàn toàn không phải là giải pháp tích cực, thậm chí hoàn toàn không có lợi trong các tương tác xã hội. Nó thậm chí khiến bạn trở nên tiêu cực về tâm lý, cho dù là trong giao tiếp giữa các cá nhân hay trong mọi mối quan hệ.
Theo vnexpress