|
|
Lãnh đạo là yếu tố then chốt cho sự thành công của mọi tổ chức. Ảnh minh họa: Olia Danilevich/Pexels. |
Không chỉ chịu trách nhiệm về những quyết định quan trọng nhất của một công ty, sếp còn là người định hình văn hóa làm việc. Trong khi đó, văn hoá doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên, đây cũng là yếu tố then chốt quyết định năng suất lao động.
Tuy nhiên, không phải phong cách lãnh đạo nào cũng nuôi dưỡng văn hóa gắn kết. Một số người quản lý có thể âm thầm nuôi dưỡng những tính cách độc hại, dần bào mòn lòng tin, sự hài lòng và năng suất của nhân viên, theo Fast Company.
Tiến sĩ Ryne A. Sherman, Giám đốc khoa học tại Hệ thống Đánh giá Hogan (Mỹ), cho biết "trốn tránh", "tự cao" và "dễ dãi" là 3 kiểu sếp độc hại thường gặp.
Sếp trốn tránh
Người lãnh đạo "né tránh trách nhiệm" (avoidant leadership) có xu hướng lảng tránh khó khăn, nghi ngờ cấp dưới và sợ mắc sai lầm.
Kiểu người cấp trên này thường tạo khoảng cách với nhân viên. Trước những dự án hoặc ý tưởng mới, ban đầu họ có thể tỏ ra hào hứng, nhưng trước những trở ngại, những lãnh đạo sẽ nhanh chóng nản lòng và rút lui.
|
|
Kiểu sếp này thường làm việc trong sợ hãi, luôn thận trọng thái quá và trì hoãn quyết định. Ảnh minh họa:Cottonbro/Pexels. |
Theo lý thuyết về tâm lý gắn bó, hành động "né tránh trách nhiệm" có thể được hiểu như một cơ chế phòng thủ. Đây là cách người sếp bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ tiềm ẩn trong công việc như thất bại, bị chỉ trích hoặc xung đột nội bộ.
Tuy nhiên, chính tư duy của người lãnh đạo nãy sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng cho tổ chức. Điển hình như việc sợ thất bại sẽ kìm hãm sự đổi mới. Tiếp theo, sự nghi ngờ của lãnh đạo khiến nhân viên làm việc trong tinh thần đầy lo lắng, sợ bị sa thải. Lòng tin bị bào mòn khi nhân viên cảm thấy bị bỏ rơi và không được ghi nhận. Cuối cùng, công việc có thể bị trì trệ và tổ chức bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt.
Sếp tự cao
Trái ngược với kiểu né tránh trách nhiệm, người sếp tự cao lại luôn cho mình là đúng và phá vỡ mọi quy tắc. Họ thường cố tình tạo sự chú ý, thao túng người khác và đưa ra những ý tưởng thiếu thực tế.
Nấp sau vẻ tự cao này thực chất là khao khát được ngưỡng mộ và thiếu lòng thấu cảm. Người lãnh đạo tin rằng mình có thể làm được mọi thứ, do đó, mọi thất bại đều do cấp dưới thiếu tin tưởng vào tầm nhìn của họ.
|
|
Thái độ tự mãn, thiếu lắng nghe của lãnh đạo khiến nhân viên cảm thấy không được tôn trọng. Ảnh minh họa:Artempodrez/Pexels. |
Dưới quy tắc làm việc của kiểu sếp này, môi trường làm việc có sự bất bình đẳng và thiếu ổn định bởi những quyết định tùy hứng và thiếu thực tế từ lãnh đạo.
Nhân viên thường cảm thấy kiệt sức vì những thay đổi liên tục về định hướng, cảm thấy không được coi trọng vì thành tích bị người khác hưởng lợi.
Sếp dễ dãi
Thoạt nhìn, kiểu tính cách dễ dãi của cấp trên có vẻ vô hại, thể hiện qua mong muốn làm hài lòng mọi người, xu hướng làm việc quá sức và đặt ra những tiêu chuẩn cao ngất ngưởng.
Nhưng thực chất, người sếp dễ dãi thường bị chi phối bởi nỗi lo lắng về việc không hoàn hảo, sợ người khác thất vọng về bản thân, do đó, họ thường ngại ngần đưa ra quyết định độc lập.
|
|
Tuy bề ngoài vui vẻ, hòa đồng nhưng những sếp "dễ dãi" thường thiếu lập trường, dễ thay đổi quyết định, khiến nhân viên giảm hứng thú làm việc. Ảnh minh họa:Thirdman/Pexels. |
Điều này dẫn đến văn hóa đặt ra kỳ vọng không thực tế, mọi thành tích đều không bao giờ là đủ tốt, gây căng thẳng cho nhân viên.
Hơn nữa, nỗi ám ảnh về sự hoàn hảo khiến họ kiểm soát chặt chẽ từng cá nhân và quy trình, cản trở năng suất làm việc.
|
|
Việc nhận biết sớm, xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và đầu tư phát triển lãnh đạo là những bước đi quan trọng để giảm thiểu những tác động tiêu cực từ kiểu lãnh đạo độc hại. Ảnh minh họa:Karolina Grabowska/Pexels. |
Theo Tiến sĩ Ryne A. Sherman, 3 kiểu lãnh đạo thường gặp kể trên cần được nhận diện sớm. Thông qua các bài đánh giá tính cách hoặc khảo sát, sự độc hại tiềm ẩn này cần được phát hiện sớm trước khi trở thành những hành vi tiêu cực nơi công sở.
Ryne A. Sherman gợi ý cách đối phó khi gặp những người lãnh đạo này:
Xây dựng văn hóa cởi mở: Doanh nghiệp cần khuyến khích các cuộc đối thoại thẳng thắn về những tác động của kiểu lãnh đạo độc hại. Cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp đề cao sự đồng cảm và tính chính trực.
Đào tạo lãnh đạo: Bên cạnh đào tạo kỹ năng và năng lực, các chương trình phát triển nhân sự cần chú trọng đến yếu tố tâm lý và cảm xúc. Tạo ra môi trường để các quản lý có thể tự nhìn nhận bản thân, tiếp thu phản hồi và hoàn thiện.
Can đảm thay đổi: Để xây dựng tổ chức năng động và gắn kết, điều quan trọng nhất là lãnh đạo phải có can đảm nhìn nhận vấn đề và thay đổi những hành vi độc hạ của chính mình.
Theo lifestyle.znews