Phong cách tối giản được nhiều người trẻ ưa chuộng, đặc biệt là những ai tiếp xúc và yêu thích nền văn hóa các nước phát triển. Tuy nhiên, khi làm nội thất theo phong cách tối giản, các gia chủ Việt hay mắc những lầm tưởng sau.

Tối giản nghĩa là rẻ tiền

Theo kiến trúc sư Nghiêm Quang Vĩnh, người sáng lập một văn phòng chuyên thiết kế phong cách hiện đại (bao gồm phong cách tối giản) ở Hà Nội, phong cách tối giản không mang nặng tính trang trí, hạn chế các chi tiết rườm rà và bóng bẩy, sử dụng ít màu sắc. Điều đó có nghĩa là sai sót trong thi công rất dễ lộ ra. Những lỗi vốn hay được gia chủ bỏ qua như khe cửa không khít hoặc tay nắm tủ lệch nhau cũng đủ khiến cả căn nhà xấu đi.


                                                                      Nhà càng đơn giản càng đòi hỏi thi công chính xác. Ảnh: Thien Thach Photoo/ W2D Studio.

Muốn đảm bảo độ chính xác cao, chi phí quản lý, nhân công và máy móc cũng tăng lên. Chưa kể, hình khối không gian và nội thất đơn giản nên muốn tạo hiệu quả về thẩm mỹ thì vật liệu hoàn hiện phải được chọn lọc.

Vì những lý do trên, phong cách tối giản không hề rẻ. Chi phí hoàn thiện một căn hộ tối giản có thể lên tới hàng chục triệu đồng một mét vuông.

Tối giản nghĩa là thi công nhanh

"Tạo ra một thứ đơn giản mà đẹp là điều rất khó", kiến trúc sư Vĩnh nhận định. Dù làm theo phong cách nào, nếu muốn kết quả tốt, quá trình thiết kế - thi công đều đòi hỏi thời gian. Với phong cách tối giản, thời gian hoàn thiện công trình càng kéo dài, có thể lên tới cả năm cho một căn hộ bởi người thiết kế đôi lúc phải nghĩ ra những phương pháp thi công cầu kỳ, khác với truyền thống.

Ví dụ, trong căn hộ 85 m2 ở quận Ba Đình, để tạo ra không gian không chi tiết thừa cho gia chủ, KTS đã bỏ đi phào chân tường và tính toán sao cho gỗ vẫn có khoảng thở. Cửa phòng không có khung nhưng vẫn phải đảm bảo chắc chắn.

     Nhờ bỏ phào chân tường, không gian trông gọn gàng và "nét" hơn nhưng đòi hỏi người thiết kế phải nghĩ ra cách thi công hợp lý. Ảnh: Thien Thach Photoo/ W2D Studio.

Tối giản nghĩa là nhà luôn gọn

Nhà ở đi liền với lối sống. Phong cách tối giản tạo cảm giác sạch sẽ, gọn gàng nhưng nó sẽ không mãi như thế nếu gia chủ thiếu sự chăm sóc. Các nhà thiết kế nội thất thường khuyên, trước khi chọn thiết kế nhà theo phong cách tối giản, gia chủ cần tự hỏi liệu bản thân có sẵn sàng cho lối sống ngăn nắp.


                   Gia đình có con nhỏ vẫn có thể làm nhà kiểu tối giản, nhưng phải tiết chế mua sắm và thường xuyên dọn dẹp. Ảnh: Thien Thach Photoo/ W2D Studio.

"Khi ở trong không gian nội thất tối giản, lối sống của gia chủ cũng nên tối giản đi. Hãy hạn chế mua sắm và tích trữ quá nhiều đồ không cần thiết", ông Vĩnh lưu ý.

Theo vnexpress