leftcenterrightdel
Trẻ em tại một trường mẫu giáo ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Viện nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản ước tính có tới 42% nữ thanh niên Nhật Bản sinh năm 2005 có thể sẽ chọn không sinh con. Đây là một tỷ lệ cao và có thể đe dọa tương lai chương trình an sinh xã hội của nước này.

Con số trên là theo kịch bản tỷ lệ sinh thấp. Ở kịch bản trung bình, 33,4% nhóm trên sẽ chọn không sinh con và trong trường hợp lạc quan nhất, tỷ lệ này sẽ là 24,6%.

Đối với nam giới, vốn có tỷ lệ không kết hôn cao hơn nữ giới, báo cáo ước tính có tới một nửa số nam thanh niên 18 tuổi chọn không có con.

Tỷ lệ không sinh con đang tăng lên ở các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ và châu Âu. Điều này được cho là do sự thay đổi về các giá trị khi nhiều người tập trung vào việc hoàn thiện bản thân và lựa chọn không có con. Ở những quốc gia này, khoảng 10-20% nữ giới sinh năm 1970 chưa sinh con.

Tỷ lệ này ở Nhật Bản cao hơn đáng kể (27%) và trong tương lai có thể cao gấp đôi so với mức của phương Tây nếu tỷ lệ của Mỹ và châu Âu duy trì quanh mức hiện tại.

Tình hình đã cải thiện ở Mỹ, Anh và Đức trong vài năm qua. Những nỗ lực giúp cân bằng công việc và việc nuôi con dễ dàng hơn đã khuyến khích nhiều người lựa chọn sinh ít nhất một con.

Nhật Bản cũng đang cố gắng tạo ra một môi trường tốt hơn cho các bậc cha mẹ tương lai bằng các biện pháp như cải cách phương thức làm việc. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi đã trở nên ít quan tâm đến hôn nhân và sinh con trong bối cảnh tiền lương trì trệ và sự không chắc chắn về tương lai.

Khảo sát năm 2021 của Viện nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số quốc gia cho thấy số thanh niên chưa lập gia đình tán thành ý tưởng sống độc thân suốt đời tăng đột biến.

Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên đối mặt với tình trạng gia tăng tỷ lệ người lớn tuổi không có con. Trung Quốc và Hàn Quốc cũng chứng kiến tỷ lệ sinh sụt giảm trong vài năm qua, nhưng sự suy giảm này bắt đầu muộn hơn so với Nhật Bản.

Tại Nhật Bản, các bệnh viện và cơ sở chăm sóc điều dưỡng yêu cầu phải có một thành viên trong gia đình làm người bảo lãnh và những người không có người thân có thể khó thuê nhà.

Chuyên gia an sinh xã hội Takashi Oshio, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Kinh tế của Đại học Hitotsubashi, cho biết: "Cần mở một cuộc thảo luận khẩn cấp về việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội ở mọi lĩnh vực - bao gồm lương hưu, chăm sóc y tế, chăm sóc điều dưỡng và hỗ trợ sinh hoạt - không gây bất lợi cho những người không có gia đình."./.

Theo vietnamplus