Khi chọn trường để du học, một trong những yếu tố quan trọng là tài sản của nhà trường lớn đến đâu. Các đại học giàu có thường sở hữu khoản quỹ đầu tư sinh lời mỗi năm. Khoản tiền lãi này là nguồn ngân quỹ chính cho nhiều khoản chi tiêu của nhà trường trong năm học.

Các đại học giàu có thường có cơ sở, trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ tối đa về mặt tài nguyên cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Bên cạnh đó, các trường giàu có cũng có thể thuê nhiều giảng viên đầu ngành vì trả lương cao, có đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu mạnh hơn.

Thêm nữa, các đại học này cũng có khả năng cung cấp nhiều học bổng với mức hỗ trợ cao hơn cho sinh viên, nghiên cứu sinh sáng giá.

1. Đại học Harvard: 40,9 tỷ USD

Thành lập vào năm 1683, Harvard, trường thuộc nhóm Ivy League danh giá, đã nhiều năm là một trong những đại học tốt nhất toàn cầu, với chất lượng giảng dạy, nghiên cứu đi đầu cho hơn 35.000 sinh viên. Theo số liệu cuối năm 2019, Đại học Harvard có quỹ đầu tư khổng lồ - 40,9 tỷ USD.

Lợi nhuận từ quỹ đầu tư này đã cung cấp 1,9 tỷ USD cho ngân quỹ của Đại học Harvard, chiếm đến 35% chi phí hoạt động của nhà trường. Nhờ ngân quỹ lớn, Đại học Harvard tự hào khi nắm giữ một trong những thư viện, bảo tàng lớn nhất trên thế giới, với hơn 28 triệu mẫu vật.

2. Đại học Texas: 30,9 tỷ USD

Thành lập năm 1883 ở Austin, bang Texas, Đại học Texas là hệ thống trường đại học công với 6 cơ sở y tế và 8 đại học phụ thuộc. Các đơn vị thành viên chia sẻ với nhau lợi nhuận từ khoản quỹ đầu tư khổng lồ - 30,9 tỷ USD, theo số liệu năm 2019.

Mặc dù không có tầm ảnh hưởng quốc tế như Harvard, Đại học Texas đã cung cấp giáo dục chất lượng cao cho hơn 236.000 sinh viên, gấp 7 lần Harvard. Trường cũng đào tạo hơn 2/3 sinh viên cao học và hơn 1/3 sinh viên đại học của bang Texas, bang đông dân thứ hai của Mỹ.

Nhờ khoản quỹ đầu tư lớn, Đại học Texas trang bị cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu hàng đầu của Mỹ, trở thành đại học đi đầu trong nghiên cứu điều trị ung thư.

                     Đại học Texas nhìn từ xa. Ảnh: US News & World Report

3. Đại học Yale: 30,3 tỷ USD

Được thành lập năm 1701 ở New Haven, bang Connecticut, Đại học Yale, trường thuộc khối Ivy Leauge, là một trong những đại học đi đầu của Mỹ về cả chất lượng giáo dục lẫn sự giàu có.

Với khoản đầu tư 30,3 tỷ USD, Đại học Yale có thể trang trải các chi phí giảng dạy và giáo dục khổng lồ, tiêu biểu là ngân quỹ nghiên cứu gần 900 triệu USD mỗi năm.

4. Đại học Stanford: 27,7 tỷ USD

Dù không phải là thành viên của Ivy League, Đại học Stanford vẫn là một trong những đơn vị giáo dục hàng đầu của Mỹ. Trường thu hút nhiều sinh viên không chỉ nhờ chất lượng giáo dục vượt trội mà còn nhờ vị trí thuận lợi ở trung tâm thung lũng Silicon, trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu thế giới.

Khoản quỹ đầu tư khổng lồ 27,7 tỷ USD đã cung cấp cho Đại học Stanford 1,3 tỷ USD ngân quỹ hoạt động trong năm 2019, chiếm đến 1/5 ngân quỹ của trường. Nhờ vậy, Đại học Stanford là điểm đến lý tưởng cho các bác sĩ, luật sư, kỹ sư, đặc biệt là những người làm việc trong ngành nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

5. Đại học Princeton: 26,1 tỷ USD

Thành lập năm 1746 ở New Jersey, Đại học Princeton, thành viên của Ivy League, là một trong những trường lâu đời và danh tiếng nhất nước Mỹ. Với khoản quỹ đầu tư 26,1 USD, trường có thể cấp học bổng cho hàng nghìn học sinh mỗi năm và duy trì hơn 300 triệu USD khoản ngân quỹ nghiên cứu hàng năm lớn.

Đại học Princeton còn mang ý nghĩa lịch sử với Mỹ, khi sảnh Nassau của trường từng là nơi gặp mặt của Quốc hội Lục địa Mỹ, nơi đưa ra bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Bảo tàng Đại học Princeton cũng trưng bày hơn 10.000 tác phẩm nghệ thuật lịch sử của nhiền họa sĩ lớn, như: Andy Warhol hay Jackson Pollock.

Theo vnexpress