2022 là kỳ xếp hạng thứ ba Việt Nam có đại diện góp mặt. So với hai năm trước, Việt Nam có thêm hai trường là Đại học Tôn Đức Thắng và Duy Tân, đều giữ thứ hạng khá cao, lần lượt là 82 và 107 trong tổng số 698 trường được xếp hạng.
Ba trường còn lại của Việt Nam đã góp mặt ở các kỳ trước, năm nay giữ nguyên vị trí hoặc tụt hạng. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội từ nhóm 251-300 tụt xuống nhóm 301-350. Đại học Quốc gia TP HCM đứng vững trong nhóm 401-500. Đại học Bách khoa Hà Nội tụt từ nhóm 301-500 xuống nhóm 501+.
Ngoài ra, Việt Nam còn một trường khác vào danh sách báo cáo nhưng chưa được xếp hạng là Đại học Đà Nẵng.
Ở kỳ xếp hạng đại học tại các nền kinh tế mới nổi năm 2022 của THE, có 906 trường tham gia nhưng chỉ có 698 trường thuộc 50 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Các tiêu chí đánh giá tương tự bảng xếp hạng đại học thế giới của THE nhưng điều chỉnh trọng số, gồm: giảng dạy (chiếm 30%), nghiên cứu (30%), trích dẫn khoa học (20%), quốc tế hóa (10%), chuyển giao tri thức (10%).
Với các tiêu chí như vậy, Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, Chiết Giang, Phục Đán và Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc giữ 5 vị trí dẫn đầu. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, một số trường có thứ hạng tốt như Đại học Malaya (hạng 36), Đại học Công nghệ Petronas (hạng 60) và Putra Malaysia (hạng 81). Ba trường này đều thuộc Malaysia.
Trường ở Đông Nam Á có thứ hạng cao tiếp theo chính là Đại học Tôn Đức Thắng của Việt Nam. Hồi tháng 9, trường này cùng Đại học Duy Tân cũng gây bất ngờ khi lọt vào top 401-500 đại học tốt nhất thế giới của THE.
THE là một trong những bảng xếp hạng giáo dục độc lập, có uy tín và ảnh hưởng nhất thế giới. Tổ chức này bắt đầu xếp hạng đại học (THE-QS) vào năm 2004, sử dụng dữ liệu do QS (Quacquarelli Symonds) cung cấp. Từ năm 2010, THE ngừng hợp tác với QS và tạo ra một bảng xếp hạng mới, hợp tác với Thomson Reuters - đơn vị thu thập và phân tích dữ liệu.
Theo vnexpress