Một chiều tháng 10/2019, cảnh sát thành phố Kobe tập trung trước trụ sở băng đảng yakuza có tên Kobe Yamaguchi-gumi nhưng không phải để bắt người bên trong. Trái lại, họ bảo vệ nơi này khỏi thành viên băng đảng đối địch.

Lúc này, một người đàn ông lớn tuổi đeo máy ảnh lủng lẳng trước ngực, nom dáng giống nhà báo, bước xuống từ chiếc ôtô vừa dừng lại. Khi bị hỏi, ông cụ vụng về lục túi, lấy ra danh thiếp. "Tôi biết khu vực này rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải tác nghiệp", cụ ông nói.

Khi cảnh sát đang hỏi chuyện "nhà báo", hai tên yakuza bước ra từ trong trụ sở. Dường như chỉ chờ có thế, "nhà báo" lập tức rút súng hoa cải trong ôtô và bóp cò, khiến hai kẻ kia chết tại chỗ.

Một lúc sau, "nhà báo" mới được xác định là Toshio Maruyama, 68 tuổi, kẻ giết thuê cho băng đảng yakuza đối địch có tên Yamaguchi-gumi. "Tôi là hung thủ, ra tay một mình", Maruyama khai với cảnh sát. Hung thủ lần này đã bị bắt giữ nhưng đây chỉ là hai cái chết nữa trong cuộc chiến kéo dài.

Tại Nhật Bản, yakuza chỉ hơn 20 băng đảng mafia, mỗi băng đảng có logo doanh nghiệp, lịch sử, tòa nhà văn phòng riêng và không bị coi là phi pháp. Từ năm 2011, chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật quy định những điều mà yakuza được làm. Một số tổ chức yakuza sở hữu công ty bình phong hợp pháp như nhà hàng, công ty bất động sản và thậm chí là sàn giao dịch tiền ảo.

Trong số nhóm mafia tại Nhật Bản, Yamaguchi-gumi là băng nhóm cai trị tất cả cho đến khi bị phân mảnh từ 5 năm trước. Thời kỳ đỉnh cao quyền lực, tổ chức này có 40.000 thành viên, nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo, có thể tác động tới thị trường tài chính và còn đóng vai trò trong việc xác định liên minh chính trị nào sẽ cai trị quốc gia.

Yamaguchi-gumi ban đầu được thành lập vào năm 1915 tại thành phố cảng Kobe. Sau Thế chiến II, dưới chỉ đạo của thủ lĩnh đời thứ ba Kazuo Taoka, băng đảng này củng cố được địa bàn bằng cách khôi phục trật tự đường phố, điều hành chợ đen, chuyển sang hoạt động đánh bạc, cho vay nặng lãi, xây dựng, và thậm chí là ngành công nghiệp giải trí.

Từ ngoài nhìn vào, Yamaguchi-gumi tránh xa hoạt động buôn ma túy, tội phạm đường phố, trộm cắp thông thường, đồng thời phát triển quan hệ liên minh chiến lược với chính trị gia và cả cảnh sát. Taoka thậm chí từng đảm nhiệm chức vụ cảnh sát trưởng danh dự trong một ngày tại một đồn cảnh sát ở Kobe vào những năm 1960. Kể cả khi bị cảnh sát trấn áp trước thềm Thế vận hội năm 1964, Yamaguchi-gumi vẫn có thể tồn tại.

Tới năm 1989, Yoshinori Watanabe trở thành thủ lĩnh đời thứ 5 của Yamaguchi-gumi. Sự kiện này trao nhiều quyền lực cho Yamaken-gumi, phe phái của Watanabe, đồng thời đẩy phe phái đối địch Kodo-kai ra rìa.

                   Yoshinori Watanabe (phải). Ảnh: Kyodo / Landov.

Nhưng sau nhiều năm dưới sự cai trị của Watanabe, Tsukasa Shinobu, thủ lĩnh của phe Kodo-kai, được cho là đã dùng súng uy hiếp đối phương xuống ghế vào ngày 27/8/2005. Là thủ lĩnh thứ 6 của băng đảng Yamaguchi-gumi quyền lực, Tsukasa cai trị bằng nắm đấm thép và tăng phí gia nhập.

Tương tự các băng đảng yakuza khác, Yamaguchi-gumi cũng là một dạng "chuỗi thương hiệu", thành viên phải trả phí hàng tháng để dùng logo doanh nghiệp và hưởng lợi ích của tổ chức. Hành động tăng phí vì thế đã làm mất lòng nhiều người. Ngoài ra, lệnh cấm buôn bán ma túy của Tsukasa cũng bị một số thành viên cho là lạc hậu. Quan trọng hơn, người của phe phái Kodo-kai được thăng tiến trong tổ chức nhiều hơn hẳn so với các phe khác.

Năm 2008, Tadamasa Goto, một thủ lĩnh trong Yamaguchi-gumi, cố gắng tiếm quyền nhưng thất bại, kết quả hắn cùng đám đàn em bị trục xuất suốt đời. Tuy vậy, rất nhiều đồng minh của Goto lại là thành viên của phe phái Yamaken-gumi. Chính từ đây, hạt giống bất hòa được gieo vào trong hàng ngũ băng đảng Yamaguchi-gumi quyền lực.

Bảy năm sau, phe Yamaken-gumi quyết định tách ra khỏi băng đảng chính vì bất bình trước việc phí hàng tháng quá cao và thiếu sự thăng tiến. Ngày 27/8/2015, phe phái này cùng một số nhóm bất mãn khác đã thành lập băng đảng đối địch mới, lấy tên tương tự là Kobe Yamaguchi-gumi. Lần nổi dậy này được cho là do Goto, kẻ bị trục xuất khi trước, hậu thuẫn.

Ban đầu, mâu thuẫn giữa hai bên còn được kìm hãm, nhưng càng về sau, số vụ tấn công và giết chóc ngày càng leo thang. Tháng 5/2016 đánh dấu thương vong đầu tiên của Kobe Yamaguchi-gumi khi một sếp phó quyền lực bị bắn chết tại bãi đỗ xe. Bốn tháng sau, nhiều thành viên của Kobe Yamaguchi-gumi vây kín và có hành vi hạ nhục Tsukasa, thủ lĩnh của băng đảng đối địch.

Tuy nhiên, băng đảng Kobe Yamaguchi-gumi không hả hê được lâu. Năm 2017, một kẻ thân tín trong nhóm lại quyết định tách ra thành băng đảng khác. Băng đảng mới lấy tên Ninkyo Yamaguchi-gumi và dự định hoàn lương để trở thành "hướng đạo sinh yakuza".

Từ đó tới nay, ba băng đảng này đấu đá để tranh giành cái tên "Yamaguchi-gumi". Chúng nổ súng, tông xe vào nhà riêng của đối thủ, đăng tải video các vụ đánh đập lên mạng xã hội, thậm chí ném bom nhà ở và văn phòng. Thương vong của Kobe Yamaguchi-gumi được cho là khá nghiêm trọng.

Tháng 12/2019, Hiroji Nakata, một sếp của Kobe Yamaguchi-gumi, bị bắt giữ vì cố gắng giết thành viên cấp cao của Yamaguchi-gumi. Việc Nakata đích thân gây án đã gây sốc cho thế giới ngầm vì chưa từng có trường hợp sếp yakuza đi làm công việc của đàn em. Một số kẻ trong thế giới ngầm đùa rằng Kobe Yamaguchi-gumi thiếu người tới mức không còn ai đủ khả năng làm việc.

Trong lúc chờ ra tòa, tháng 7 vừa qua, Nakata thể hiện ý định sẽ mang đàn em tách ra khỏi Kobe Yamaguchi-gumi. Gần như đồng thời, một phe phái khác tại thành phố Okayama với số tài sản lớn trong tay cũng công bố dự định từ bỏ. Qua tháng 8, một vài nhóm khác cũng đi theo xu hướng này. Thành viên của Kobe Yamaguchi-gumi đã rơi xuống dưới 1.000.

Cuộc chiến này cũng gây thiệt hại cho các tạp chí xuất bản hàng tháng chuyên viết về yakuza. Với nội dung bao gồm lịch sử của yakuza qua truyện tranh, tin tức các vụ bắt giữ, thương vong, và ảnh hình xăm, những ấn phẩm này được ví như quảng cáo chiêu mộ cho thế giới ngầm. Nhưng những tạp chí này đang dần biến mất do cảnh sát ngày càng gây áp lực để yêu cầu ngân hàng ngừng cho nhà xuất bản vay vốn, cùng với việc rất ít người còn hứng thú với hoạt động của yakuza.

Cảnh sát khám xét trụ sở của Kobe Yamaguchi-gumi vào tháng 10/2016 tại thành phố Awaji, Hyogo. Ảnh: The Asahi Shimbun.

Theo Satoru Takegaki, từng là sếp trong Yamaguchi-gumi, cuộc đấu đá trên đã ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ thế giới yakuza. Việc chia tách băng đảng lớn nhất tại Nhật Bản đã có hiệu ứng lan tỏa, đặc biệt là khi các nhóm quyết định sẽ đứng về phía nào. Ví dụ, Inagawa-Kai, băng đảng yakuza lớn thứ ba tại Nhật, cũng trải qua việc chia tách. Aizu Kotetsu-kai, băng đảng yakuza có lịch sử lâu đời nhất tại Nhật, cũng bị phân mảnh.

Thực tế, cảnh sát mới là người chiến thắng thực sự của cuộc chiến 5 năm nói trên. Bằng cách đứng nhìn sự việc, lực lượng chấp pháp đã để cho yakuza tự làm mình suy yếu. Họ cũng tận dụng cơ hội này để có căn cứ đóng cửa văn phòng của các bên và trấn áp hoạt động băng đảng.

Theo vnexpress