leftcenterrightdel
 Đông Phi đối diện với khủng hoảng lương thực, góp phần gây suy giảm đời sống kinh tế và an sinh. (Nguồn: WFP)

Báo cáo của WFP cho biết, các cuộc xung đột khu vực, điều kiện kinh tế yếu kém, chi phí sinh hoạt cao tiếp tục là những yếu tố tác động đến an ninh lương thực và tình trạng dinh dưỡng trên khắp khu vực Đông Phi.

Ngoài yếu tố kinh tế vĩ mô, xung đột Ethiopia, Nam Sudan và Sudan tác động nghiêm trọng đến nhóm người dễ bị tổn thương như người di cư và tị nạn. Tính đến tháng 9/2023, khoảng 62,6 triệu người bị mất an ninh lương thực, 4/9 quốc gia ở khu vực là Ethiopia, Somalia, Nam Sudan và Sudan là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Khoảng 18,2 triệu người Đông Phi phải di dời trong nước hoặc ra nước ngoài, gồm 5 triệu người tị nạn và xin tị nạn, 13,2 triệu người di dời trong nước. Tính riêng ở Sudan, kể từ khi xung đột bắt đầu, hơn 4 triệu người di dời trong nước và hơn 1 triệu người khác di cư qua biên giới.

Ngoài ra, chi phí sản xuất và vận chuyển cao, cũng như biến động thương mại quốc tế, tiếp tục gây sức ép lên chi phí hàng hóa thực phẩm tại thị trường địa phương.

Hiện tượng thời tiết El Nino cường độ mạnh và lưỡng cực Ấn Độ Dương (IOD) dự kiến dẫn đến lượng mưa cao bất thường từ tháng 11/2023-1/2024 trên khắp vùng xích đạo và miền Nam Đông Phi, chủ yếu ở miền Nam Ethiopia, Somalia và Kenya.

Dự báo lượng mưa trên mức trung bình sẽ mang lại kết quả tích cực cho nông nghiệp, năng suất chăn nuôi và tái sản xuất. Tuy nhiên, WFP lưu ý rằng lũ lụt nghiêm trọng cục bộ ở vùng đất thấp và ven sông có khả năng xảy ra, gây thiệt hại cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng, khiến người dân phải di dời và bùng phát bệnh truyền nhiễm.

Theo baoquocte