leftcenterrightdel
 Lo lắng, căng thẳng, sức khỏe sụt giảm và khó ngủ là những tác động phổ biến của môi trường làm việc độc hại. Ảnh:Diamond Leadership.
  

Tại Mỹ, 18% số người mô tả nơi làm việc của họ là "hơi hoặc rất độc hại". Hơn nữa, văn hóa nơi làm việc độc hại là lý do số một khiến mọi người rời bỏ công việc của họ trong đại dịch, theo dữ liệu năm 2022.

Theo Insider, nơi làm việc độc hại là bất kỳ môi trường làm việc nào có các hành vi tiêu cực như bắt nạt, thao túng và ngồi lê đôi mách. Nhà trị liệu Holly Keller cho hay những vấn đề này thường dẫn đến căng thẳng, năng suất thấp và các tác động có hại khác.

Erica Hanlon, một nhà trị liệu và huấn luyện viên nghề nghiệp đã làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của công ty, cho biết những nơi làm việc độc hại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần tổng thể mà có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống gia đình.

Ngại chia sẻ suy nghĩ, ý tưởng và quan điểm của mình

Cố vấn chuyên nghiệp Olivia Wedel cho biết: “Những nơi làm việc độc hại thường có kiểu lãnh đạo độc đoán, nơi bất kỳ ai nói lên quan điểm khác đều có thể bị coi là có vấn đề".

Chẳng hạn, người quản lý hoặc đồng nghiệp có thể:

  • Dập tắt ý tưởng của bạn.
  • Chỉ trích bất cứ điều gì bạn đề xuất.
  • Khiển trách hoặc sỉ nhục bạn vì đã bày tỏ quan điểm của mình.

Do đó, bạn có thể cảm thấy miễn cưỡng bày tỏ suy nghĩ của mình vì sợ những hậu quả có thể xảy ra, chẳng hạn mất việc.

Giao tiếp không rõ ràng

Thật khó để hoàn thành tốt công việc khi bạn không nhận được thông tin cần thiết về các nhiệm vụ, tệ hơn là nhận được các hướng dẫn mâu thuẫn.

Giả sử người quản lý yêu cầu bạn viết lại một báo cáo mà không giải thích lý do bản thảo đầu tiên không đạt yêu cầu. Hoặc hai người quản lý muốn bạn xử lý các công việc theo những cách rất khác nhau.

Trong cả hai trường hợp, bạn có thể cảm thấy bối rối và thất vọng, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến động lực làm việc của bạn.

"Giao tiếp giúp xây dựng lòng tin giữa mọi người, là điều quan trọng cần phải có ở nơi làm việc", Kevin Hayden, người sáng lập Tư vấn và Liệu pháp Tâm trí Toàn diện, cho biết.

Theo nhà trị liệu Holly Keller, việc thiếu giao tiếp hoặc giao tiếp im lặng (các nhóm làm việc hoàn toàn tách biệt) cũng có thể làm giảm năng suất làm việc.

leftcenterrightdel
 Làm việc trong môi trường độc hại có thể ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe của mỗi người. Ảnh:Forbes.
 

Sếp không tôn trọng ranh giới

Nghiên cứu cho thấy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự hài lòng trong công việc cũng như các mối quan hệ.

Theo Insider, rất khó để duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống khi sếp bỏ qua hoặc không tôn trọng ranh giới của bạn.

Những dấu hiệu của một người sếp không tôn trọng ranh giới của nhân viên:

  • Nhận cuộc gọi và trả lời email vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ.
  • Bắt buộc nhân viên tham gia vào các cuộc họp trong giờ nghỉ trưa.
  • Ép nhân viên làm việc khi bị ốm hoặc quá giờ hành chính.
  • Trả lời cuộc gọi trên điện thoại cá nhân vào cuối tuần hoặc đêm khuya.

Quản lý thiên vị

Theo Insider, những người quản lý có xu hướng thiên vị, không quan tâm đến năng lực của nhân viên cũng là dấu hiệu phổ biến của một môi trường độc hại.

Một dấu hiệu khác của sự thiên vị là những kỳ vọng không nhất quán của quản lý đối với nhân viên. Ví dụ, sếp của bạn có thể khiển trách bạn vì đến muộn 10 phút nhưng lại không làm điều đó với một đồng nghiệp thường xuyên đến muộn 10-15 phút.

Cố vấn chuyên nghiệp Olivia Wedel cho biết những hành động thiên vị của quản lý sẽ gây ra sự ngờ vực và oán giận giữa bạn và đồng nghiệp, điều này có thể nhanh chóng phá hủy động lực và tinh thần.

Sếp kiểm soát nhân viên

Trong quản lý doanh nghiệp, quản lý vi mô là phong cách mà người quản lý quan sát, kiểm soát chặt chẽ cấp dưới hoặc nhân viên của họ. Kiểu quản lý này thường được coi là có ý nghĩa tiêu cực, chủ yếu là nó cho thấy sự thiếu tự do và tin tưởng ở nơi làm việc.

Theo cố vấn chuyên nghiệp Olivia Wedel, một người sếp kiểm soát nhân viên có thể buộc bạn phải xin phép trước khi làm bất cứ việc gì hoặc yêu cầu trao đổi mọi thứ qua email.

Quản lý vi mô không chỉ làm giảm năng suất của nhân viên, nó cũng có thể bóp nghẹt sự sáng tạo và làm giảm tinh thần cả tập thể.

leftcenterrightdel
 Thay đổi một nền văn hóa độc hại do lãnh đạo thiết lập thường rất khó khăn, đó là lý do các chuyên gia khuyên bạn nên rời bỏ công việc. Ảnh:Medium.
  

Đồng nghiệp có xu hướng đổ lỗi

Ai cũng có lúc mắc sai lầm trong công việc, đó là một phần của con người. Tuy nhiên, khi người quản lý hoặc đồng nghiệp từ chối chịu trách nhiệm về những sai lầm, điều đó có thể tạo ra môi trường độc hại.

Chẳng hạn, cấp trên trong công ty bạn thường xuyên đổ lỗi cho nhân viên về thất thoát doanh thu ngay cả khi thủ phạm là do quản lý kém các nguồn lực.

Nhà trị liệu tư nhân Holly Keller cho biết những hành vi này báo hiệu sự thiếu trách nhiệm, làm tổn thương động lực của bạn.

Đồng nghiệp hay tung tin đồn nhảm

Tin đồn tiêu cực dù xảy ra trực tiếp, qua email hay ứng dụng trò chuyện nhóm đều khiến người trong câu chuyện bị tổn thương và cảm thấy thiếu sự tôn trọng.

Theo một nghiên cứu năm 2021, ai đó là mục tiêu của kiểu buôn chuyện này thường có thể giữ thể diện hoặc tìm cách trả thù bằng cách buôn chuyện về người khác. Nói cách khác, ngồi lê đôi mách trở thành một chu kỳ liên tục và gây tổn thương sâu sắc.

Người sáng lập Tư vấn và Liệu pháp Tâm trí Toàn diện Kevin Hayden nói những tin đồn tiêu cực ở văn phòng cũng có thể gây ra nỗi sợ hãi.

Ví dụ, nếu một đồng nghiệp tung tin đồn bạn ngoại tình với sếp, điều đó không chỉ làm tổn hại danh tiếng của bạn ở công ty. Nó có khả năng gây nguy hiểm cho công việc của bạn.

Nếu bạn nghe thấy người quản lý sắp sa thải một số ít người trong nhóm, bạn sẽ cảm thấy lo lắng.

Quản lý có những kỳ vọng vô lý

Nhà trị liệu tư nhân Holly Keller cho biết các nhà quản lý trong môi trường làm việc độc hại thường có những kỳ vọng không thực tế, chẳng hạn khối lượng công việc bạn có thể xử lý cùng một lúc hoặc thời gian bạn cần hoàn thành.

Một số người quản lý khăng khăng công việc phải luôn là ưu tiên hàng đầu hoặc họ khiến bạn cảm thấy như thể không được phép mắc sai lầm. Loại áp lực đó làm tăng mức độ căng thẳng của nhân viên và góp phần gây ra tình trạng kiệt sức.

Ngoài ra, khi bạn thường xuyên phải tuân theo những tiêu chuẩn cao không tưởng, bạn có thể cảm thấy khó mà thành công trong công việc. Điều này cũng ảnh hưởng đến lòng tự trọng cùng với động lực của nhân viên.

Theo zingnews