"Sau khi bị cưỡng hiếp, tôi phải mất đến một tháng để có dũng khí đi báo án".

Hít một hơi sâu, Jennifer (không muốn để tên thật), nạn nhân bị tấn công tình dục, bắt đầu kể về những gì đã xảy ra với mình.

"Anh ta thực sự chỉ là một người bạn. Chúng tôi bắt đầu như bạn bè và từng đi chơi cùng nhau với nhóm bạn chung. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi trong một lần đi uống rượu, anh ta bộc lộ bản chất của mình", cô nói với Korea Times.

Hai người có một cuộc tranh cãi bên ngoài quán bar, người đàn ông bắt đầu trở nên hung hăng, túm lấy vai Jennifer và hành hung cô, khiến cô ngất đi. Cô nhớ được mình bị lôi vào nhà nghỉ và xâm hại 4 lần.

 
quay roi tinh duc o Han Quoc anh 1

Jennifer bị chính người bạn quen tại Hàn Quốc tấn công tình dục. Hình ảnh cắt từ buổi phỏng vấn của cô vớiKorea Times.

Flower (đến từ Nam Phi), một nạn nhân khác bị tấn công tình dục, nhớ lại trải nghiệm tương tự.

"Chúng tôi đã hẹn hò được khoảng một tháng nhưng tôi chưa có ý định tiến xa hơn với anh ta. Tôi không thoải mái về điều đó".

Trong một buổi hẹn hò, vì đã quá giờ tàu điện ngầm hoạt động, người bạn trai đề nghị đến khách sạn gần đó qua đêm và nghỉ ngơi một chút. Flower đồng ý, không hề hay biết ý định thực sự của anh ta.

"Tôi nói với anh ta: 'Xin lỗi, em không muốn làm gì cả, em chỉ muốn ngủ thôi' nhưng anh ta phớt lờ và bắt đầu dùng vũ lực, xâm hại tôi. Dù tôi cầu xin rất nhiều lần, anh ta không dừng lại. Tôi xin anh ta sử dụng biện pháp bảo vệ nhưng anh ta cũng không nghe".

Một tháng sau, Flower phát hiện có thai. Kể từ đó, cô phải đối mặt chứng lo âu và rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Sợ bị ảnh hưởng cuộc sống

Flower cho biết có rất nhiều phụ nữ nước ngoài từng là nạn nhân của bạo lực, quấy rối tình dục tại Hàn Quốc.

"Có nhiều người bạn kể với tôi bị các ajeoshi (nam giới trung tuổi) động chạm vòng 3, chụp ảnh họ trên tàu điện ngầm. Phụ nữ ngoại quốc thường không dám lên tiếng về những vấn đề này vì sợ mất việc làm, danh tiếng".

Jeong Jae-hyung, thanh tra của bộ phận tội phạm vị thành niên và bạo lực trên cơ sở giới tại Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (NPA), cho biết nhiều nạn nhân e ngại việc trình báo vì các vấn đề liên quan đến nhập cư và công việc.

 
 
quay roi tinh duc o Han Quoc anh 2

Ông Jeong cho biết nhiều phụ nữ ngoại quốc còn e ngại trình báo việc bị tấn công.

"Những rào cản này cũng dễ khiến họ trở thành mục tiêu và bị thủ phạm lợi dụng", ông Jeong nói.

Theo số liệu mới nhất được cung cấp bởi Dịch vụ Thông tin Thống kê Hàn Quốc (KOSIS), vào năm 2020, có tổng số 2.036.075 người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc - 909.103 trong số đó là phụ nữ.

Tuy nhiên, số lượng cuộc gọi đến tổng đài hỗ trợ liên quan các vụ tấn công tình dục vào năm 2021 chỉ là 55. Trong số 39.296 vụ tấn công tình dục được báo cáo vào năm 2020, chỉ có 747 trường hợp liên quan đến nạn nhân người nước ngoài.

Xử lý thiếu tế nhị

Các trường hợp liên quan đến người nước ngoài thường được xử lý bởi các trung tâm hỗ trợ đa văn hóa, nạn nhân sử dụng thông dịch viên hoặc người quen đáng tin cậy trong quá trình điều tra. Tuy vậy, rào cản ngôn ngữ vẫn là một trở ngại lớn đối với họ khi trình báo vụ việc với cảnh sát.

Sau khi Jennifer báo án, cô gặp nhiều khó khăn trong việc mô tả những gì đã xảy ra dù có sự giúp đỡ của thông dịch viên.

"Tôi đã phải kể lại nhiều lần và rõ ràng có điều gì đó sai trong phần thông dịch khiến phía công tố viên không thể hiểu chính xác những gì tôi nói. Vì vậy, họ đã yêu cầu tôi diễn lại điều đó". Điều này xảy ra trước mặt những người liên quan, bao gồm cả thủ phạm.

Bên cạnh đó, trước đây, các trường hợp liên quan đến tấn công tình dục đều do các bộ phận hình sự xử lý. Tuy nhiên sau khi nhiều phụ nữ chỉ ra sự thiếu tế nhị trong cách giải quyết của những bộ phận này, NPA đã thành lập các phòng điều tra riêng dành cho phụ nữ và thanh thiếu niên.

 
quay roi tinh duc o Han Quoc anh 3

Patricia cho rằng một số cảnh sát Hàn Quốc chưa tế nhị trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến tấn công tình dục.

Patricia từng bị sốc trước cách làm việc thiếu tế nhị của cảnh sát khi xử lý các vụ bạo lực tình dục. Cô từng đến trình báo trường hợp một kẻ lạ mặt quấy rối tình dục cô tại nơi làm việc.

"Họ hét lên thông tin cá nhân của tôi với nhau. Khi tôi đang giải thích câu chuyện của mình một cách nhỏ nhẹ, một cảnh sát khác nói lớn: 'Ồ, anh ta có đánh cô không, có chạm vào cô không?', chẳng có chút tế nhị nào".

Ông Jeong cho biết đang cố gắng đảm bảo các nhân viên thực thi pháp luật xử lý một cách cẩn thận khi làm việc với nạn nhân bị tấn công tình dục. Cảnh sát đang học cách sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói dựa trên AI để thu thập lời khai của nạn nhân, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện.

Công cụ này sẽ tự động chuyển lời khai của nạn nhân thành văn bản để cảnh sát không phải ghi chép lại, tránh khiến nạn nhân cảm thấy như bị thẩm vấn.

Thiếu sự hỗ trợ

"Sau khi trải qua những chuyện đó, tôi cảm thấy rất đơn độc", Flower chia sẻ. Cô tiếc nuối khi không nhận được sự giúp đỡ chuyên nghiệp về tinh thần với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Những năm qua, Hàn Quốc đã cải thiện hệ thống hỗ trợ các nạn nhân bị tấn công tình dục, kêu gọi bảo vệ nạn nhân nhiều hơn và trừng phạt thủ phạm nghiêm khắc hơn sau một số vụ việc rúng động toàn quốc.

Tuy nhiên, nhóm phụ nữ ngoại quốc vẫn chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ.

"Có nhiều tổ chức nhưng họ không đặc biệt tập trung vào phụ nữ người nước ngoài. Họ không có nhân viên nói tiếng Anh hoặc nói chỉ giúp đỡ phụ nữ Hàn Quốc", Jennifer nói.

 
quay roi tinh duc o Han Quoc anh 4

Hàn Quốc cần cải thiện hệ thống hỗ trợ phụ nữ người nước ngoài, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề luật pháp.

Các chuyên gia cho rằng xã hội xứ củ sâm cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ quyền lợi của mọi nạn nhân cho dù họ đến từ đâu.

"Hiện, chúng tôi có các nhân viên phụ trách giám sát mọi khía cạnh của cuộc điều tra. Nhưng trong tương lai, các nạn nhân sẽ phải được bảo vệ nhiều hơn nữa thông qua các nhân viên thực thi pháp luật chuyên biệt, những người nói được ngôn ngữ của họ và có thể giao tiếp tốt hơn với các nạn nhân", ông Jeong nói.

Hiện tại, phụ nữ nhập cư tại Hàn Quốc có thể báo cáo sự cố thông qua Danuri Call Center, tổng đài cung cấp dịch vụ bằng 13 ngôn ngữ và hoạt động 24/24, 365 ngày/năm. Cơ quan này cũng hỗ trợ thông tin cho phụ nữ nhập cư, các gia đình đa sắc tộc, ví dụ như cách yêu cầu sự bảo vệ, hỗ trợ trong trường hợp liên quan đến tội phạm.

"Chúng tôi đang nỗ lực để bảo vệ tốt hơn quyền của người nước ngoài bằng cách làm việc với các cộng đồng di cư, cơ quan thực thi pháp luật và các nhóm giám sát đồng thời nâng cao nhận thức về các hướng dẫn an toàn và các nguồn lực sẵn có trong trường hợp họ cần hỗ trợ", ông Jeong nói.

Theo Zing