Vốn lười tập thể dục, lại thêm thể trạng ốm yếu, tôi từng nghĩ việc vận động nhiều sẽ khiến cân nặng… hao hụt. Nhưng sau đại dịch COVID -19, một thời gian dài giữa lằn ranh mỏng manh của sự sống và cái chết, tôi bắt đầu chú ý đến sức khoẻ. Không chỉ bản thân tôi mà cả ông xã cũng ý thức được tầm quan trọng của việc tập thể dục.

leftcenterrightdel
 Tác giả (nón trắng) tham gia giải Việt dã lần thứ 24 do Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức (ảnh nhân vật cung cấp)

Môn thể thao đơn giản nhất mà chúng tôi chọn là chạy bộ. Để sắp xếp được thời gian chạy tối ưu nhất vừa có thể lo cho gia đình, tôi chọn chạy lúc sáng sớm, từ 5 giờ đến 6 giờ. May mắn, gia đình tôi ở chung cư nên có không gian, không phải ra đường xe cộ đông đúc hoặc có khi ít vắng người lại nguy hiểm. Dĩ nhiên, thời gian tôi chọn cũng rải rác có người tập thể dục nên tôi không còn sợ, lo lắng về việc không an toàn.

Suốt 2 tuần đầu tiên của quá trình, “tân binh” là tôi phải cật lực đấu tranh bản thân để chiến thắng "con sâu ngủ". Từ 5 đến 6 giờ sáng gần như là giấc ngon nhất cho những người làm văn phòng hay thức khuya như tôi. Ngày đầu, tôi bật dậy đúng giờ như cái lò xo; đến ngày thứ 2 tôi dậy trễ 30 phút và ngày thứ ba thì dậy đúng 6 giờ như thường lệ để chuẩn bị ăn sáng. Ngày thứ 4 tôi đặt đồng hồ báo thức cho tất cả những ngày sau.

Cứ thế, đến tuần thứ 3, tôi dần dần đi vào guồng quay, tỉnh táo và hình thành một thói quen.

Tôi thường khởi động nhẹ nhàng cho cơ thể với những động tác cơ bản thời đi học. Ban đầu là đi bộ và dần tăng tốc. Thời điểm tôi bắt đầu chạy bộ là năm 2022. Tôi sử dụng một ví điện tử với ứng dụng có tên “Đi bộ cùng Momo”.

Có thể nói đây là người bạn đồng hành, lôi tôi ra khỏi cơn ngủ. Mỗi ngày, mục tiêu của tôi đặt theo ứng dụng: 4.000 bước chân (khoảng 3km). Tôi cũng công nhận ưu điểm của người sáng lập Momo là tạo động lực cho người tập luyện, đồng thời cho bản thân người đó biết lợi ích sức khoẻ không chỉ cho bản thân họ mà còn vì cộng đồng.

Cụ thể qua các việc làm Quyên góp heo vàng (số heo là phần thưởng được nhận khi hoàn thành 4.000 bước và được tích luỹ mỗi ngày) để ủng hộ trẻ em vùng cao, bệnh nhân ung thư, trẻ em khiếm khuyết, xây trường học…, cho heo ăn, thậm chí thử mức độ IQ qua các câu đố, game nhỏ… Nhờ rất nhiều chương trình thú vị mà tôi không chùn chân ngày nào.

Tôi định hình được lợi ích cho bản thân, đồng thời góp một phần nhỏ đầy ý nghĩa cho xã hội. Mình không giàu, nhưng mình làm việc có ích cho nhiều người. Bằng tâm niệm như vậy, tôi hăng say tập, và mục tiêu hôm sau có khi nhiều hơn hôm trước. Cái hay nữa, khi cố gắng nhiều hơn để đạt được những thành tích, ứng dụng sẽ công nhận huy hiệu (Khởi đầu suôn sẻ, Kỷ luật bền bỉ, Ý chí sắt đá, Hành trình vạn dặm, Bước chân nhân ái…). Dù mang tính chất ảo, nhưng cách này khiến tôi có động lực hơn và cảm thấy vui.

Khi hoàn thành một mục tiêu đưa ra, tôi tự hào và hài lòng về bản thân mình. Đặc biệt, tôi cảm thấy khoẻ hơn, ít bệnh vặt hơn, thậm chí người có chứng viêm xoang khó chữa như tôi cũng giảm bớt vì vận động.

leftcenterrightdel
 Những người bạn cùng tham gia giải Việt dã lần thứ 24 do Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức (ảnh nhân vật cung cấp)

Kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình chạy bộ là khi tôi tham gia giải chạy Việt dã do Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức. Liên tục 2 năm tôi tham gia, dù không có giải hay huy chương, nhưng “ra biển lớn” tôi càng thấy rõ tinh thần thể thao của mọi người.

Tôi nể các anh chị chạy đoạn đường 10 - 21km. Có thể mỗi người có một mục tiêu và ai cũng đã chiến thắng con người lười biếng trong mình như tôi để rèn luyện sức khoẻ. Sau 2 chuyến đi, vòng tròn bè bạn được kết nối rộng thêm… Con trai tôi lần đầu tham gia cùng ba mẹ chạy, tỏ ra hào hứng và cố gắng hết đường đua 3km. Cậu bé đi học khoe với bạn: “Mình mới đi chạy Việt dã về đó. Vui lắm!” như truyền thêm động lực và loan tỏa tinh thần thể thao cho các bạn.

Sau này, trong chung cư tôi có nhiều loại hình thể thao như các lớp day Aerobic, Yoga, hoặc các nhóm đánh cầu lông... nhưng tôi vẫn kiên trì với môn “cá nhân” của mình.

Thi thoảng, hàng xóm thấy tôi chạy một mình thì ngỏ ý tham gia, nhưng do thời gian khác nhau, người bận việc này, người có lịch tập khác, nên thỉnh thoảng họ mới đi cùng...

So với nhiều bộ môn thì môn đi bộ/chạy bộ không cần phải đầu tư gì ngoài một đôi giày nhẹ, êm chân là có thể vượt vạn dặm, cũng không hề tốn chút kinh phí để nhờ huấn luyện mà chỉ do bản thân mình kiên trì là chính. Nếu quá mệt do công việc, có thể cho phép bản thân nghỉ một hai hôm, rồi lại tiếp tục hành trình, không phải lăn tăn vì đã đóng phí buộc phải đi học trong lúc tinh thần và thể xác rã rời.

Do đó, muốn không phụ thuộc thời gian lẫn chi tiêu vật chất thì lựa chọn này tiện ích đối với nhiều người. Chưa kể, tại TPHCM hay các tỉnh thành cả nước, các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đang tổ chức nhiều phong trào chạy bộ, mang tính giao lưu gắn kết bạn bè, tạo môi trường thân thiện và ý nghĩa.

leftcenterrightdel
 Tình bạn càng thân thiết khi nhóm "đồng run" tham gia giải Việt dã lần thứ 23 do Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức (ảnh nhân vật cung cấp)

Công cuộc “đơn thân độc mã” ít thời gian này với tôi như một cuộc dạo chơi vào sáng sớm. Vẫn cung đường quen thuộc (sau này tôi bắt mình đi xa hơn để nhìn ngắm xung quanh), lắng nhìn mọi người, nhìn sinh hoạt của họ để thấy mình được - mất gì trong cuộc sống này.

Tôi thường nói vui với bạn bè: “Đi bộ/chạy bộ ít đầu tư thời trang và dụng cụ, có nhiêu sức dùng bấy nhiêu và “nghe” được chỗ nào hư thì sửa. Mấy môn khác có khi chạy theo thời trang: quần áo, vợt, giày… có khi mang bệnh “trầm cảm” vì hơn thua chúng bạn”.

Theo phụ nữ TPHCM