|
|
Các nhà quản lý cho rằng "tân binh" thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ năng mềm thiết yếu. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Theo báo cáo được công bố ngày 14/11 từ General Assembly, đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo công nghệ, chưa đến một nửa (48%) người lao động và chỉ 12% quản lý cấp trung tin rằng ứng viên mới tốt nghiệp đáp ứng đủ yêu cầu của thị trường.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu hụt kỹ năng mềm thiết yếu như giao tiếp, hợp tác và thích ứng. Khảo sát được thực hiện trên 1.180 người lao động tại Mỹ và Anh, cùng 393 nhà quản lý cấp cao.
Đáng chú ý, gần 1/4 số giám đốc điều hành và 23% nhân viên tham gia khảo sát cho biết họ không sẵn sàng tuyển dụng sinh viên mới ra trường. Thậm chí, tỷ lệ này lên đến 1/3 trong nhóm người thuộc thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946-1964).
"Quy trình tuyển dụng nhân viên cấp cơ sở đang gặp vấn đề. Doanh nghiệp cần thay đổi cách thức tìm kiếm, đào tạo và tuyển dụng", Jourdan Hathaway, Giám đốc kinh doanh của General Assembly, nhận định.
Tuy nhiên, vẫn có những giải pháp khả quan. Chương trình học nghề và đào tạo kỹ năng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, được xem là "chìa khóa vàng" giúp người trẻ trau dồi kỹ năng, làm quen với môi trường làm việc thực tế, theo Fortune.
Gen Z tự nhận thiếu kỹ năng mềm
Bên cạnh yếu tố khách quan, báo cáo của General Assembly còn chỉ ra những hạn chế từ phía doanh nghiệp trong việc đào tạo và phát triển nhân viên trẻ.
Cụ thể, 40% nhân sự Gen Z (sinh năm 1997-2012) thừa nhận thiếu kỹ năng mềm là điểm yếu lớn nhất.
|
|
Thế hệ trẻ thiếu kỹ năng mềm đang trở thành mối lo ngại chung của cả người lao động lẫn giới quản lý. Ảnh minh họa:Mikhail Nilov/Pexels. |
Tuy nhiên, cả nhà quản lý và nhân viên đều đồng tình rằng kỹ năng chuyên môn và thái độ làm việc tích cực cũng quan trọng không kém.
Thực tế, nhiều nhân sự trẻ thuộc thế hệ này đã trải qua quãng thời gian đại học đầy khó khăn do đại dịch, bị hạn chế cơ hội thực tập và tiếp xúc trực tiếp với môi trường làm việc.
Đáng nói, 1/3 số nhà quản lý và nhân viên cho rằng các công ty chưa đầu tư đủ cho việc đào tạo, khiến nhân viên mới dễ gặp thất bại hoặc làm việc kém hiệu quả. Thậm chí, gần một nửa số công ty có chương trình đào tạo thừa nhận nhân viên của họ ít khi sử dụng các chương trình này.
Thú vị hơn cả, góc nhìn về vấn đề này có sự khác biệt rõ rệt giữa Mỹ và Anh. Người lao động và nhà quản lý ở Anh có xu hướng cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm trong việc chuẩn bị cho người lao động, với tỷ lệ cao gấp 7 lần so với Mỹ.
Kỹ năng mềm trong thời đại số
Báo cáo của General Assembly nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng mềm, ngay cả khi công nghệ đang phát triển mạnh mẽ.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Harris Poll vào tháng 1, 82% nhà quản lý cho rằng Gen Z cần được đào tạo kỹ năng mềm nhiều hơn. Thế hệ này thường có kỳ vọng cao về môi trường làm việc, đồng thời khó tiếp thu kỹ năng mềm hơn so với kỹ năng kỹ thuật.
|
|
Ngay cả khi tương lai ngày càng số hóa, yếu tố con người vẫn đóng vai trò then chốt. Ảnh minh họa:Ivan Samkov/Pexels. |
Nghiên cứu vào tháng 9 của nền tảng giáo dục Pearson cũng chỉ ra kỹ năng giao tiếp được đề cập trong số lượng tin tuyển dụng nhiều gấp 12 lần so với kỹ năng phân tích dữ liệu. Tương tự, nghiên cứu của Deloitte, công ty kiểm toán và tư vấn, nhận thấy người lao động đánh giá kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp cao hơn lập trình và phân tích dữ liệu.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu gần đây của Deloitte, người lao động đánh giá làm việc nhóm là kỹ năng quan trọng nhất, tiếp theo là giao tiếp và lãnh đạo. Lập trình, một kỹ năng kỹ thuật, chỉ đứng ở vị trí thứ 4, sau đó là phân tích dữ liệu.
Nhận thức được điều này, nhiều "ông lớn" như Microsoft và Accenture đã chủ động đầu tư vào các nền tảng học tập trực tuyến để nâng cao kỹ năng mềm cho nhân viên.
Nhiều công ty trong danh sách Fortune 500 đã nhận ra tầm quan trọng của kỹ năng mềm. Điển hình như Microsoft đã hợp tác với nền tảng giáo dục trực tuyến Coursera để cung cấp cho nhân viên các khóa học và chứng chỉ về cả kỹ năng cứng (phân tích dữ liệu) và kỹ năng mềm (giao tiếp).
"Việc quá chú trọng vào kỹ năng kỹ thuật mà bỏ qua năng lực con người sẽ cản trở sự đổi mới và phát triển của nhân viên", Anthony Stephan, Giám đốc học tập của Deloitte, cảnh báo.
Đồng quan điểm, General Assembly cho rằng doanh nghiệp cần hỗ trợ người lao động cải thiện kỹ năng thay vì để họ tự xoay xở.
Theo lifestyle.znews