Rohit và Neha gặp nhau khi làm việc trong cùng một văn phòng ở Khu Phát triển công nghiệp New Okhla (Noida), thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Họ yêu nhau, nhưng cha mẹ Neha không chấp nhận vì cặp đôi là thành viên của cùng một gia tộc, nghĩa là họ được xem như anh em ruột thịt. Khi Rohit và Neha quyết định kết hôn, gia đình Neha không cho phép tổ chức đám cưới.
|
Các cặp đôi bỏ trốn kết hôn nhờ dịch vụ bán hợp pháp |
Vì vậy, cặp đôi (tên nhân vật đã được thay đổi để bảo vệ sự riêng tư) đã tổ chức kết hôn tại một ngôi đền gần làng vào tháng trước và sau đó đã cùng nhau bỏ trốn.
“Chúng tôi phải bỏ trốn vì gia đình phản đối cuộc hôn nhân của chúng tôi. Mặc dù cả hai đều đã trưởng thành nhưng mối quan hệ của chúng tôi không được họ chấp nhận vì chúng tôi thuộc cùng một gia tộc”, cô dâu Neha 28 tuổi giải thích.
Giống như nhiều cặp vợ chồng Ấn Độ bỏ trốn để tránh áp lực xã hội, Rohit và Neha đã tìm đến một đường dây cung cấp dịch vụ bán hợp pháp và hoạt động khá lộn xộn, trong đó có nhiều luật sư, người môi giới và các giáo sĩ. Đường dây này đáp ứng mọi nhu cầu tổ chức kết hôn cho các cặp đôi đang bị gia đình ngăn cản, từ chụp ảnh cưới, cho thuê trang phục cưới, thu xếp địa điểm tổ chức tiệc cho đến làm giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
“Chúng tôi trốn đến Meerut và tổ chức kết hôn thông qua một người môi giới. Người này đã thu xếp để chúng tôi gặp một luật sư và một vị giáo sĩ với giá khoảng 250 USD. Chúng tôi hy vọng sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn bên nhau khi được tòa cung cấp những giấy tờ liên quan”, Neha chia sẻ.
Các dịch vụ tổ chức kết hôn theo mô hình “một cửa” như trên hiện đang ăn nên làm ra tại Ấn Độ, một phần nhờ nhu cầu của các cặp đôi đang tăng mạnh sau một thời gian dài bị “dồn nén” bởi đại dịch COVID-19. Tùy theo trường hợp, các cặp đôi phải trả cho các dịch vụ này từ 7.000 đến 21.000 rupee (khoảng 100-300 USD) cho một lần kết hôn.
Hoạt động của các dịch vụ này hiện đang diễn ra khá sôi động ở các bang miền Bắc của Ấn Độ, gồm Uttar Pradesh, Punjab và Haryana, những nơi còn mang nặng văn hóa phân biệt giai cấp và cộng đồng. Ở các bang này, nam nữ nếu kết hôn vì tình yêu có thể bị coi là nổi loạn, dẫn đến bị xa lánh hoặc thậm chí “bị giết để bảo vệ danh dự của gia đình”.
Pratiksha Parikh - một luật sư dân quyền có trụ sở tại Delhi - đã đại diện cho nhiều cặp đôi bất chấp các chuẩn mực xã hội để kết hôn, giúp họ có được giấy chứng nhận kết hôn và có thể sống chung hợp pháp mà không gặp phải sự phản đối của gia đình cũng như cộng đồng.
“Hầu hết những cặp đôi này đều bỏ trốn khỏi thôn làng của họ khi bị gia đình và người thân phản đối việc kết hôn và sống chung. Họ muốn nhanh chóng thu thập bằng chứng kết hôn và tiếp cận tòa án để được bảo vệ”, Parikh cho biết.
Ram Sevak - một người môi giới chuyên tổ chức kết hôn bên cạnh việc kinh doanh một cửa hàng tạp hóa ở Panchkula thuộc bang Haryana - cho biết đã làm “nghề tay trái” này được hơn 10 năm. “Chúng tôi hỗ trợ các cặp vợ chồng sắp xếp mọi tài liệu cần thiết cho hồ sơ đăng ký kết hôn của họ”, Sevak nói và cho biết các cặp đôi tìm đến mình chủ yếu thông qua sự giới thiệu “truyền miệng”. Sevak hiện hoạt động một mình, không có công ty, trang web hay nhân viên.
“Trong mùa cao điểm, một tháng tôi có thể giúp 70-80 cặp đôi tổ chức đám cưới và thu xếp tất cả mọi công việc, thủ tục cho một trường hợp chỉ trong 2 ngày nhờ vào các mối quan hệ trong đường dây này”, Sevak chia sẻ thêm.
Theo phunuonline.com.vn