Bị cha mẹ gả đi lúc 14 tuổi, mặc dù không muốn sinh nhiều con nhưng vì chồng bắt buộc phải có đủ... 2 con trai nên Jaimala Devi phải sinh 7 người con mới đáp ứng nhu cầu nhà chồng.

Câu chuyện của Devi phổ biến ở Bihar, bang nghèo nhất Ấn Độ với khoảng 127 triệu người.

Nhìn chung, tỷ lệ sinh trên toàn Ấn Độ đã giảm nhưng tình trạng nghèo đói và sự thiên vị đối với những người thừa kế là nam giới đã khiến bang Bihar vẫn đặc biệt sinh nhiều con và hậu quả là người phụ nữ gánh chịu thiệt thòi.

“Có 7 đứa con và tự mình quản lý mọi thứ thực sự khiến tôi phát điên”- Devi, người 30 tuổi chưa bao giờ rời khỏi làng quê, cho biết.

leftcenterrightdel
 Mặc dù tỷ lệ sinh nói chung của Ấn Độ đã giảm nhưng phụ nữ ở nước này vẫn chịu nhiều thiệt thòi 

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ thoải mái khi có 1 hoặc 2 con. Nhưng vì có con gái trước nên tôi cứ phải sinh hoài để có đủ 2 trai. Kết quả là tôi phải có 7 người con, 5 gái - 2 trai” - cô nói thêm.

Giờ đây, gia đình đông đúc của Devi sống trong một túp lều siêu vẹo, không có gì ngoại trừ một chiếc tivi nhỏ, một chiếc quạt cũ.

Vì là bang nghèo nhất nước nên Bihar hiếm có cơ hội kiếm được việc làm có lương cao và vì thế hầu hết đàn ông trong làng phải rời quê đi tìm việc ở các thành phố lớn. Như chồng của Devi, Subhash, đã đi vắng gần như cả năm, thi thoảng gửi về số tiền kiếm được ít ỏi từ việc bán hàng rong ở thủ đô New Delhi.

Ông Parimal Chandra, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Tổ chức Dân số Ấn Độ (PFI) cho biết: “Theo quan niệm người dân xứ này, sinh thêm con vẫn được coi là một cách để có thêm thành viên kiếm được nhiều tiền hơn cho gia đình. Ngoài ra, việc người phụ nữ sinh con trai sẽ còn được sự tôn trọng và tự hào đối với gia đình.

Ngược lại, con gái thường được coi là gánh nặng và tốn kém do truyền thống cha mẹ cô dâu phải có của hồi môn khi gả con gái. Vì thế, nhiều bậc cha mẹ ở những hộ gia đình nghèo thường tìm cách giảm bớt gánh nặng bằng cách gả con gái sớm, như trường hợp của Devi phải lấy chồng lúc 14 tuổi".

Theo Khảo sát sức khỏe gia đình quốc gia, phụ nữ ở Bihar có học lực thấp nhất Ấn Độ, chỉ 55% phụ nữ trong bang có thể đọc và viết.

Ông Chandra cho biết thống kê “khủng khiếp” này cho thấy rằng các phụ nữ không được tiếp cận kiến thức về biện pháp tránh thai hoặc quyền tự quyết trong gia đình của họ.

Tình trạng như ở bang Bihar đã từng được nhân rộng trên khắp Ấn Độ - quốc gia mới được công nhận đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên gần đây, quan niệm này có thay đổi. Theo đó, trung bình một phụ nữ ở Ấn Độ hiện chỉ sinh 2 con, giảm so với mức cao nhất năm 1960 là 6 con, nhờ chăm sóc sức khỏe bà mẹ tốt hơn và mức sống ngày càng tăng.

Nhưng Bihar từ lâu đã là một bang chậm phát triển về kinh tế và tỷ lệ sinh cao khiến tình trạng suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong ở trẻ em, giáo dục và tiếp cận chăm sóc y tế ở mức tồi tệ nhất của Ấn Độ.

“Ngay cả khi một người phụ nữ muốn kế hoạch hóa gia đình, nhà chồng cô ấy cũng không ủng hộ quan điểm này", bà Indira Kumari - nhân viên y tế của chính phủ cho biết.

Gần đây, để hạn chế nạn tảo hôn và sinh con nhiều, chính quyền bang đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho các bé gái hoàn thành chương trình học vấn và phân phát bao cao su miễn phí nhằm khuyến khích phụ nữ lập gia đình muộn hơn và sinh ít con hơn.

Bà Indira Kumari nói rằng những nỗ lực này đã giúp thay đổi thái độ của một số phụ huynh ở Bihar. Điển hình như chị Poonam Devi, 26 tuổi, đã chọn thắt ống dẫn trứng sau khi sinh đứa con thứ 4. “Người dân của chúng tôi nói rằng một người phụ nữ là vô dụng nếu cô ấy không thể sinh con trai sau khi kết hôn. Nhưng tôi đã nói với chồng tôi sau lần thứ 4 rằng bao nhiêu đó đã đủ rồi. Giờ là nên tập trung vào việc lo cho chúng ăn và dạy dỗ chúng, và anh ấy đã đồng ý".

Theo phụ nữ TPHCM