Quỳnh Trang (sinh năm 1996, Hà Nội) đi làm lúc 9h và ra về vào 15h cùng ngày. Thậm chí, cô còn có thể đi muộn và về sớm hơn mà không cần phải thông qua cấp trên, lãnh đạo.

Bạn bè tỏ ra ngưỡng mộ, nhưng bản thân Trang lại áp lực đến kiệt sức với cách làm việc này. Cô ước gì mình bận rộn hơn, hay đúng hơn là được phát triển năng lực và có nhiều niềm vui hơn trong công việc của mình.

"Sếp của tôi rất ít khi giao việc hay hướng dẫn cho nhân viên. Ông ấy luôn nói chúng tôi tự tìm hiểu công việc và đề xuất ý tưởng, nếu có gì không hiểu thì hỏi lẫn nhau. Nhiều ngày, tôi chỉ làm 3 tiếng đã xong nhiệm vụ và mòn mỏi chơi suốt 3 ngày sau đó để chờ phản hồi, nhận xét từ sếp", cô kể với Zing.


Nhàn rỗi, nhưng không mong muốn

Theo khảo sát của giáo sư Andrew Brodsky (Đại học Texas) và Teresa Amabile (Đại học Harvard, Mỹ) vào năm 2018, 78,1% người được hỏi cho biết mình từng trải qua quãng thời gian nhàn rỗi vô nghĩa trong công việc và đến 21,7% gặp tình trạng này vào mỗi ngày.

cong viec qua nhan roi anh 5

Quỳnh Trang áp lực khi có quá ít việc để làm và không được cấp trên hướng dẫn. Ảnh:NVCC.

"Thời gian nhàn rỗi vô nghĩa" là khi một nhân viên không có đủ công việc để lấp đầy thời gian của mình. Tình huống xảy ra ngoài mong muốn của họ, khác với sự trì hoãn nhiệm vụ hoặc nghỉ ngơi theo kế hoạch, lịch trình.

Những nhân sự làm công việc phải chờ đợi, phụ thuộc vào người khác như sếp, đồng nghiệp, khách hàng thường là đối tượng rơi vào khoảng trống chán nản như vậy.

Nghiên cứu của 2 giáo sư cũng chỉ ra rằng khi một nhân sự quá nhàn rỗi, họ sẽ có cảm giác khó chịu và buồn chán. Đó cũng là nguyên nhân khiến họ tìm cách kéo dài nhiệm vụ của mình, thay vì nhanh chóng kết thúc, để tránh cảm giác trống trải, vô ích về sau.

"Mỗi người đều có một mức độ kích thích hoạt động lý tưởng. Chúng ta không muốn bị thúc đẩy làm việc quá mức vì điều đó gây ra căng thẳng, mệt mỏi. Nhưng cũng không ai muốn ngồi ì một chỗ quá lâu và không tạo ra giá trị gì", giáo sư Brodsky nói.

Theo Quỳnh Trang, công ty của cô là cơ quan nhà nước. Trước khi làm việc tại đây, cô có 2 năm gắn bó với một đơn vị truyền thông tư nhân.

Vốn quen với nhịp làm việc sôi nổi, lại là người có tính cách hướng ngoại, cô cảm thấy bản thân không phù hợp nếu duy trì tình trạng thảnh thơi, nhàn rỗi quá nhiều.

"Tôi được trả lương cứng, tức là dù làm ít hay nhiều vẫn nhận đủ tiền vào cuối tháng. Tuy nhiên, điều này không làm tôi vui thích. Tôi sẽ rất khó phát triển, học hỏi được thêm nếu chỉ quanh quẩn trong văn phòng và chờ đợi sếp. Mỗi ngày đến công ty, dù chẳng làm gì, tôi vẫn mệt như thể chạy nhiều deadline cùng lúc", cô tâm sự.

Sau đó, Quỳnh Trang xin nghỉ sau 8 tháng cố gắng hòa nhập.

"Quả thực, tôi không học hỏi hay tiến bộ được gì", nhân viên này nói thêm.

 
cong viec qua nhan roi anh 6

Phải nhàn rỗi quá lâu, công việc kém hiệu quả làm Minh Nguyệt kiệt sức. Ảnh:NVCC.

Tương tự Quỳnh Trang, Minh Nguyệt (sinh năm 1999, TP.HCM) cũng cảm thấy có quá nhiều thời gian nhàn rỗi ngoài mong muốn trong công việc.

Cô hiện làm việc tại bộ phận kinh doanh của một công ty thực phẩm, thu nhập phụ thuộc vào doanh số. Nhìn đồng nghiệp tất bật gặp khách hàng, làm báo cáo, cô ái ngại vì cả ngày qua mình chưa làm được gì.

"Tôi muốn làm việc hiệu quả nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Sếp hiếm khi hướng dẫn mà muốn tôi tự sắp xếp công việc hoặc học hỏi từ đồng nghiệp. Điều này không hề dễ dàng đối với một người mới ra trường, ít kinh nghiệm như tôi", cô thở dài.

Mỗi ngày, Minh Nguyệt đến công ty trong tâm trạng bất an vì lo sợ bản thân lại thêm một ngày nhàn rỗi. Cô dành hầu hết thời gian để lướt mạng xã hội, tìm kiếm khách hàng nhưng tỷ lệ thành công vẫn thấp.

Thậm chí, cô còn không dám giải trí bằng việc xem phim, nghe nhạc vì điều này càng khiến cô thêm áp lực rằng mình vô dụng.

"Một ngày làm việc đối với tôi dài như cả tuần lễ. Bộ phận của tôi có đông người, tệp khách hàng lại hạn chế, cơ hội chia đến tay tôi là rất nhỏ. Tôi tranh thủ thời gian rảnh trên công ty để học ngoại ngữ, nhưng rất khó tập trung khi đồng nghiệp xung quanh vẫn làm việc đầy năng suất", cô nói.

 
 
cong viec qua nhan roi anh 7

Xử lý thời gian nhàn rỗi vô nghĩa là nhiệm vụ của cả nhân viên và cấp quản lý.


Trách nhiệm không chỉ của cá nhân

Chia sẻ trên Zenkit, ông Bryan Christiansen, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của nền tảng nhân sự Limble CMMS, cho rằng áp lực do nhàn rỗi là tình trạng chung của rất nhiều nhân sự.

Nguyên nhân của vấn đề này không chỉ do cá nhân người lao động mà còn liên quan đến cấp điều hành, quản lý. Tình trạng chỉ có thể được giải quyết nếu cả đôi bên đều có sự chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả.

Đầu tiên, theo ông Christiansen, mọi người không nên quá áp lực và chán ghét khoảng thời gian nhàn rỗi. Đây là thời điểm giúp nhân sự, đặc biệt là người mới, được nghỉ ngơi và thích nghi với môi trường, công việc. Hãy tận dụng để cân bằng với lịch trình cá nhân.

 
cong viec qua nhan roi anh 8

Theo các chuyên gia, áp lực do nhàn rỗi ngoài mong muốn không phải vấn đề hiếm gặp. Ảnh minh họa:Phương Lâm.

Thứ hai, để tránh nhàn rỗi quá lâu, cả nhân viên và cấp quản lý đều cần điều chỉnh kế hoạch làm việc.

Ví dụ, sếp có thể giao nhiệm vụ nhỏ cho nhân viên để xen kẽ trong các khoảng thời gian họ phải chờ đợi khách hàng. Điều này giúp nhân viên có thể luôn bận rộn, tăng hiệu quả công việc. Tuy nhiên, nhiệm vụ bổ sung này nên được xem xét kỹ lưỡng, đảm bảo khối lượng phù hợp để nhân sự không cảm thấy quá tải.

Trong khi đó, nhân viên cũng cần chủ động đề xuất thêm công việc cho cá nhân để lấp đầy khoảng trống thời gian.

Thứ ba, cấp quản lý không nên để dư thừa nhân sự. Nếu có nhiều nhân viên vẫn được trả lương trong thời gian họ nhàn rỗi, đó chính là khi công ty đối mặt với tình huống có quá nhiều người.

Lúc này, việc sa thải không phải giải pháp được khuyến khích. Công ty có thể xem xét tạm thời điều chuyển nhân sự sang một bộ phận khác để giúp họ nâng cao tay nghề, nghiệp vụ, đồng thời giúp họ giảm đi quãng thời gian vô nghĩa.

Và cuối cùng, sếp không nên quá xét nét nhân viên của mình.

Theo đó, khi cố gắng lấp đầy khoảng thời gian trống của nhân sự, nhiều quản lý thường rơi vào sai lầm là theo dõi chặt các nhiệm vụ của cấp dưới. Điều này vô tình khiến nhân viên chịu thêm áp lực. Từ đó, nhiều người sẽ cố tình tìm cách kéo dài công việc của mình như một lý do để chống chế.

Thay vào đó, cấp quản lý có thể tạo ra một số hoạt động giải trí hoặc phần thưởng để tặng cho nhân viên sau khi họ hoàn thành công việc. Điều này có hiệu quả đáng kể trong việc thúc đẩy năng suất làm việc cá nhân.

Theo Zing