Vận động viên thể dục dụng cụ Nhật Bản Mai Murakami bật khóc khi được hỏi về những bình luận thù ghét trên mạng vì cô đã tham gia vào một Thế vận hội mà rất nhiều người ở đất nước cô không muốn nó diễn ra.

"Tôi biết có những người phản đối Olympic. Nhưng ngay cả khi tôi không muốn nhìn thấy các bình luận như vậy, chúng vẫn tìm đến được với tôi và chúng khiến tôi cảm thấy vô cùng kinh khủng", Murakami nói. "Điều đó thực sự đáng buồn. Dịch bệnh quả thật đã tạo ra chia rẽ giữa những người ủng hộ và phản đối Thế vận hội. Song tôi đã tập luyện chăm chỉ cả năm qua vì muốn cho họ thấy và hy vọng họ biết vị trí của mình".

                             Vận động viên thể dục dụng cụ Nhật Bản Mai Murakami thực hiện phần thi tại Olympic Tokyo ngày 29/7. Ảnh: AFP.

Không ít vận động viên Nhật Bản khác cũng gặp vấn đề tương tự và họ có cách riêng để đáp trả những người chỉ trích mình. Nhật Bản đã giành 21 huy chương vàng, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ tại Olympic Tokyo. Đây là thành tích tốt nhất từ trước tới nay của Nhật, ngay cả khi Thế vận hội chưa đi hết nửa chặng đường.

Chiến thắng ở môn thể dục dụng cụ nam của vận động viên Daiki Hashimoto, ở môn judo của hai anh em Uta và Hifumi Abe cũng như chiến thắng "thần kỳ" của đôi vận động viên bóng bàn Mima Ito và Jun Mizutani trước đối thủ Trung Quốc đã khiến nhiều trái tim tự hào. Hai huy chương vàng trong môn trượt ván, trong đó có huy chương vàng cho vận động viên trẻ nhất Momiji Nishiya, 13 tuổi, đã mang lại những nụ cười mãn nguyện.

Nhưng bên cạnh đó, áp lực mà các vận động viên này phải đối mặt đặc biệt căng thẳng, khi người dân Nhật Bản, quốc gia đăng cai Olympic Tokyo 2020, đang có những cảm xúc trái ngược về Thế vận hội.

"Tôi hy vọng tất cả các vận động viên đã nỗ lực hết sức với tư cách đại diện quốc gia sẽ được công nhận và ít người đưa ra những bình luận chua chát hơn", Hashimoto đăng trên mạng xã hội Twitter sau khi giành huy chương vàng Olympic.

Theo giới chuyên gia, Nhật Bản là đất nước nơi các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường bị kỳ thị, nơi các vận động viên được cho là phải luôn mạnh mẽ và lý trí, đồng thời là nơi mà những hỗ trợ và tư vấn về tinh thần rất ít ỏi.

"Các vận động viên Nhật thực sự khó có thể bộc bạch về các vấn đề sức khỏe tâm thần hay nói rằng họ không khỏe hoặc không ổn định về mặt tâm lý", Masami Horikawa, nhà nghiên cứu tâm lý thể thao tại Đại học Kwansei Gakuin, cho hay, thêm rằng theo kinh nghiệm của bà, ngay cả các đồng đội cũng thường "nghiêm khắc" với nhau và sẽ không thông cảm nếu bất kỳ ai gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần.

"Không phải áp lực nào cũng là điều tồi tệ nhưng với văn hóa của mình, người dân Nhật luôn mong đợi cá nhân có thể hoàn thành mọi việc và chủ nghĩa hoàn hảo được xem như cái đẹp", bà nói. "Chúng tôi kỳ vọng và ca ngợi những cá nhân có thể tự mình gặt hái thành công mà không cần bất kỳ trợ giúp nào".

Những áp lực đè nặng lên các vận động viên Nhật Bản và vấn đề kỳ thị sức khỏe tâm thần đã được thể hiện rõ trên mạng tuần qua, khi tay vợt Naomi Osaka, niềm kỳ vọng của người Nhật, bị loại ở vòng ba giải quần vợt nữ Olympic. Giống như vận động viên thể dục dụng cụ Mỹ Simone Biles, Osaka cũng đã có những chia sẻ về vấn đề sức khỏe tâm thần và sức ép mà cô cũng như nhiều vận động viên khác phải chịu từ truyền thông toàn cầu.

Có rất nhiều bình luận ủng hộ Osaka nhưng bên cạnh đó, các phát ngôn thiếu thiện cảm cũng không ít. "Nếu cô thật sự trầm cảm như những gì các hãng tin nói thì thái độ của cô chẳng khác gì trẻ con", một độc giả nhận xét trên trang Yahoo Japan. "Cô không muốn trả lời câu hỏi khi tâm trạng không vui. Cô không nên dùng chứng trầm cảm như một lá chắn giúp mình thoát khỏi những thứ không thích".

Ở khía cạnh nào đó, áp lực thậm chí còn dữ dội hơn khi Nhật Bản lần đầu tiên đăng cai Olympic hồi năm 1964. Các vận động viên Nhật mang theo niềm hy vọng của một đất nước đã suy sụp vì thất bại trong Thế chiến II, với hàng triệu người dân kỳ vọng rằng Thế vận hội sẽ mang đến cảm giác lạc quan và tự hào mới.

Vì vậy, khi vận động viên marathon Kokichi Tsuburaya vươn lên vị trí thứ hai trong cuộc đua marathon nam ngày cuối cùng, đám đông tại Sân vận động Quốc gia Nhật Bản đã bùng lên trong niềm hân hoan, vui sướng và hy vọng về một huy chương điền kinh Olympic đầu tiên. Nhưng ở vòng chạy cuối, Tsuburaya đã vuột mất tấm huy chương bạc khi để vận động viên người Anh Basil Heatley vượt qua.

Tsuburaya bị ám ảnh với suy nghĩ rằng anh đã để cả đất nước thất vọng. Cuối cùng, 4 năm sau, anh tự cắt động mạch và chảy máu đến chết khi cầm trên tay chiếc huy chương đồng Olympic.

Nhật Bản là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất trong nhóm các quốc gia công nghiệp G7 và là quốc gia duy nhất trong 7 nước có tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người độ tuổi 15-34.

Thế giới thể thao đặc biệt khốc liệt. Trong một nghiên cứu công bố năm ngoái, Tổ chức Giám sát Nhân quyền chỉ ra rằng không ít vận động viên đã bị lạm dụng thể chất, tình dục và bị công kích bằng ngôn từ trong quá trình huấn luyện, dẫn đến những hậu quả như trầm cảm, tự tử, khuyết tật thể chất hay chấn thương suốt đời.

"Trong khi nghiên cứu, tôi đã sốc khi thấy rằng có rất ít nguồn hỗ trợ dành cho các vận động viên đang trải qua khủng hoảng hay bị lạm dụng về mặt tâm lý", Minky Worden, giám đốc sáng kiến toàn cầu của tổ chức Giám sát Nhân quyền, tiết lộ.

Một số vận động viên tự tử đã để lại thư tuyệt mệnh, như Tsubasa Araya, 17 tuổi. Cô đã viết ngay trước khi tự kết liễu đời mình vào năm 2018 rằng "Bóng chuyền là thứ khó khăn nhất".

"Tình trạng thiếu nguồn lực hỗ trợ sức khỏe tâm thần ở Nhật Bản thực sự là một mối quan tâm lớn", Worden nói thêm.

Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết họ đã thiết lập các cơ sở bên trong Làng Olympic để giúp đỡ những vận động viên đang gặp áp lực về tinh thần, bao gồm một đội ngũ các nhà tâm lý học và đường dây hỗ trợ bằng 70 thứ tiếng.

Nhưng trong quá trình dẫn tới Thế vận hội, khi đại dịch hoành hành và sự phản đối trong dư luận Nhật Bản ngày càng gia tăng, các vận động viên tự nhận thấy họ là mục tiêu của hành vi lạm dụng. Vận động viên bơi lội Rikako Ikee đã chia sẻ về những trải nghiệm của mình trên Twitter. Cô từng phải vất vả chiến đấu với căn bệnh ung thư máu để có thể tới Olympic.

"Như bao người khác, tôi cũng có quyết tâm mãnh liệt muốn thay đổi bầu không khí đen tối này", Ikee hồi tháng 5 viết. "Nhưng là một vận động viên, việc bị công kích cá nhân thực sự rất đau đớn. Tôi mong dù hoàn cảnh thế nào, không chỉ tôi mà tất cả các vận động viên đang nỗ lực chăm chỉ sẽ được ủng hộ bằng một trái tim ấm áp".

Theo vnexpress