Verena Friederike Hasel là nữ tác giả người Đức, hiện sinh sống và làm việc tại New Zealand, đã cho xuất bản cuốn sách "The Dancing Principal" chia sẻ về những điểm nổi bật của nền giáo dục New Zealand.

Bài viết sau đây được dịch và lấy ý từ góc nhìn của Verena Friederike Hasel về cách mà văn hóa - giáo dục của New Zealand đã ảnh hưởng đến quốc gia này trong việc phòng chống Covid-19. Bài viết được đăng tải trên trang New Zealand Herald vào ngày 11/4.         

Khi tôi và gia đình quyết định trở lại New Zealand vào đầu năm 2020, Corona chỉ là tên một loại bia. Tôi là một người Đức, sinh ra và trưởng thành ở thủ đô Berlin. Hai năm trước, tôi và chồng đã cùng trải qua sáu tháng cư trú ở một ngôi làng nằm ven biển phía bắc New Zealand. Trong thời gian này, tôi nhận thấy những cô con gái của mình trở nên "tỏa sáng". Là một nhà văn và là người mẹ, tôi quyết định đến thăm và tìm hiểu thêm về những ngôi trường ở đây.

Những trải nghiệm của tôi về văn hóa giáo dục của New Zealand đã giúp tôi cho ra đời quyển sách "The Dancing Principal", được tái bản lần thứ ba ở Đức. Trong những trang viết của mình, tôi miêu tả những điểm tích cực mà những quốc gia khác có thể học được từ nền giáo dục của New Zealand:

- Hướng tiếp cận dựa trên bằng chứng khoa học và có hệ thống.

- Đề ra những mục tiêu tham vọng nhưng phải đi kèm với một kế hoạch rõ ràng.

- Tập trung vào phát triển những kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21.

- Đề cao sự tử tế, cảm thông và sáng tạo.


                                                                                 Verena Friederike Hasel là nữ tác giả người Đức, hiện sinh sống và làm việc tại New Zealand.

Hướng tiếp cận dựa trên bằng chứng khoa học và có hệ thống

Đầu năm 2020, tôi quyết định cùng gia đình quay lại "Aotearoa" (tên tiếng bản ngữ Maori của New Zealand) với mong muốn được trải nghiệm các hoạt động ngoài trời và tận hưởng cuộc sống trong cộng đồng đầy gắn kết này. Tuy nhiên, bởi ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi được yêu cầu ở nhà và nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội. Khác với những lo lắng ban đầu, chính tình huống ngoài ý muốn này đã khiến tôi trân quý hơn đất nước và con người nơi đây.

Chính phủ New Zealand đang thực hiện các phương pháp giải quyết dịch bệnh dựa trên bằng chứng và nguyên lý khoa học: xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm. Phương pháp này được triển khai một cách có hệ thống với các động thái quyết liệt như ngăn tăng giá nhà, trợ cấp xã hội, kiểm soát giá thực phẩm...

Đề ra những mục tiêu tham vọng nhưng phải đi kèm với kế hoạch rõ ràng

Ngày 25/3, tôi giật mình khi chiếc điện thoại của tôi tự động phát ra tiếng chuông kèm theo đó là một tin nhắn có nội dung: "Tin nhắn này dành cho tất cả mọi người đang sinh sống tại New Zealand. Kết quả cho những nỗ lực của chúng ta phụ thuộc vào chính bạn. Bạn đang ở đâu đêm nay, bạn cần phải ở yên chỗ đấy". Đó thật sự là một thông điệp rất rõ ràng. Cùng với đó, Chính phủ New Zealand cũng đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng, loại bỏ hoàn toàn Covid-19 trên lãnh thổ của mình.           


Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã có những chính sách rất quyết liệt trong cuộc chiến chống Covid-19 và tổ chức họp báo vào 13h hàng ngày để cập nhật tình hình. Ảnh: CNBC.

Khi đặt chân đến New Zealand, chúng tôi đơn giản chỉ muốn trải nghiệm cuộc sống của những con người bình thường ở xứ sở này. Nhưng thực tế, chúng tôi lại tận mắt chứng kiến và cảm nhận được những điều phi thường.

Giờ đây, việc xem và lắng nghe các thông tin về Covid-19 từ buổi họp báo trên tivi vào lúc 13h hằng ngày đã trở thành thói quen không thể thiếu của gia đình tôi. Chúng tôi đáng giá rất cao các giải pháp hợp lý, minh bạch của Chính phủ New Zealand. Họ cũng thể hiện chiến thuật cụ thể với việc sử dụng hệ thống bốn mức độ báo động hiệu quả, dễ hiểu và linh động.            

Đề cao sự tử tế, cảm thông và sáng tạo

Tôi thật sự ấn tượng với cách mà các đảng đối lập đang phản ứng. Thay vì chỉ chỉ trích để phục vụ lợi ích của mình, họ chọn cách ủng hộ và trở thành các bên tham vấn cho Chính phủ. Song song đó, Chính phủ cũng tích cực lắng nghe, tiếp thu và sử dụng một số ý tưởng do các đảng khác đề xuất.

Ngoài ra, tôi cũng đánh giá cao việc Thủ tướng Jacinda Ardern gửi một thông điệp thú vị đến trẻ em nước mình vào dịp Lễ Phục sinh rằng các em nhỏ vẫn sẽ nhận được trứng Phục sinh ngay cả trong mùa dịch.


                                                                                    Trẻ em New Zealand đón lễ Phục Sinh năm nay theo cách đặc biệt. Ảnh: Fanpage Jacinda Ardern.

Tại New Zealand, tôi chẳng bao giờ nghe một lời than phiền về việc phải chấp hành các quy định trong thời gian phong tỏa. Thực tế này làm tôi không khỏi liên tưởng đến một thí nghiệm tâm lý nổi tiếng, theo đó, người tham gia phải lựa chọn giữa sự thỏa mãn nhất thời và sự mãn nguyện lâu dài. Có vẻ New Zealand đã chọn vế thứ hai - dập dịch trước và tắm biển sau.

Theo tôi, đó là một lựa chọn sáng suốt. Tôi lại tự hỏi bản thân: "Tại sao người dân New Zealand có thể sống với lệnh phong toả trong khi một số nơi khác lại phải vật lộn với nó?". Rõ ràng, việc nằm giữa đại dương và có dân số tương đối thấp là một lợi thế lớn đối với New Zealand.

Nhưng chứng kiến New Zealand trong thời gian phong tỏa, tôi liên tưởng đến nghiên cứu mà tôi đã thực hiện cho cuốn sách của mình. Những nguyên lý về giáo dục khi đó đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi, lúc này cũng đang phát huy tác dụng. Mục tiêu tham vọng (xóa bỏ hoàn thay vì hạn chế sự lây lan của virus) và chiến lược rõ ràng để đạt được mục tiêu đó (hệ thống cảnh báo); hướng tiếp cận dựa trên khoa học và những nỗ lực mang tính hệ thống (kiểm soát giá thuê nhà và thực phẩm).

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sự tử tế, cảm thông và sáng tạo. Người dân xung quanh nhà tôi thường để gấu bông trên bệ cửa sổ để trẻ em có trò chơi khi đi dạo. Dù trường tạm đóng cửa, cô hiệu trưởng của con tôi vẫn thường xuyên liên lạc để hỏi thăm bé.

Ngoài ra, còn có một khái niệm mà tôi đề cập trong quyển sách của mình là Whanaungatanga (Tầm quan trọng của sự gắn kết). Tôi biết đến Whanaungatanga khi đến thăm trường của con gái mình cũng như nhiều trường học khác. Theo đó, khái niệm này được truyền đạt bằng cách để học sinh cùng phối hợp với nhau để tạo nên cách tác phẩm nghệ thuật hoặc mở rộng ra, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh đến thăm và tập thể dục cùng những người cao tuổi trong viện dưỡng lão.

Hai tuần trước khi lệnh phong tỏa được triển khai, cô con gái nhỏ bảy tuổi của tôi được nhà trường dạy thêm cho một khái niệm mới là Kotahitanga (Đoàn kết). Khi mà cả New Zealand đang đương đầu với cuộc chiến với Covid-19, Whanaungatanga hay Kotahitanga không chỉ đơn thuần là những con chữ, đó còn là những hành động cụ thể.        

Trong khi nhiều quốc gia đang trải qua cuộc khủng hoảng trong việc đấu tranh giữa quyền tự do cá nhân với lợi ích tập thể, New Zealand lại tin tưởng vào một điều khác tốt đẹp hơn: mỗi người chỉ có thể an toàn khi cộng đồng an toàn. Thoạt đầu, bạn có thể cho rằng Covid-19 bắt bạn phải chọn giữa sức khoẻ cộng đồng và lợi ích kinh tế nhưng phản ứng của Chính chủ New Zealand lại cho thấy bạn hoàn toàn không cần phải bận tâm lựa chọn, vì đơn giản, dịch càng được dập sớm bao nhiêu thì nền kinh tế có cơ hội hồi phục nhanh bấy nhiêu.            

Tuần trước, tôi có dịp nói chuyện với người hàng xóm của mình từ một khoảng cách an toàn. Tôi thành tâm bày tỏ sự ngưỡng mộ và tôn trọng của tôi đối với cách mà người New Zealand đang xử lý bệnh dịch. Bà ấy chỉ gật đầu và nhanh chóng chuyển chủ đề. Người dân đất nước này thật sự rất khiêm tốn và có lẽ họ không muốn được ca ngợi. Nhưng bản thân tôi cho rằng, họ cần được nhận những lời khen và tôi sẽ làm điều đó: "Các bạn đã làm rất tốt, New Zealand. Các bạn có thể tự hào về mình".

Theo vnexpress